Vào ngày 27.8, giá bitcoin giảm về dưới mốc 20.000 USD với những lo ngại động thái kìm chế lạm phát quyết liệt từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Vào ngày 27.8, giá bitcoin (BTC) về dưới mốc 20.000 USD, mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, sau khi giá cổ phiếu giảm sâu khi giới đầu tư hôm 26.8 phải bán tháo tài sản có rủi ro cao, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về việc nỗ lực kìm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.
Vào ngày 27.8, giá bitcoin rơi về mức 19.886 USD sau đó tăng nhẹ lên 20.055 USD trong phiên giao dịch cuối giờ chiều, giảm 2,93% trong hơn 24 giờ qua và xuống 70,1% từ mức cao kỷ lục 67.037 USD vào tháng 11.2021.
Vào ngày 26.8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm xuống 32.283 điểm, sau khi chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo sẽ mất “một khoảng thời gian” để hạ nhiệt tình hình lạm phát tăng cao và cơ quan này sẽ phải có động thái “quyết liệt”.
Những loại tiền mã hóa khác ghi nhận tụt giảm trong ngày 27.8 gồm Dogecoin giảm 3,53% xuống còn 6 cent Mỹ và Ethereum có giá trị 1.481 USD, giảm 4,99%.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhà môi giới tiền mã hóa hàng đầu thế giới Coinbase hôm 26.8 giao dịch ở mức 66,74 USD/cổ phiếu, giảm 6,49% từ 368.90 USD/cổ phiếu vào tháng 11.2021, trong bối cảnh khối lượng giao dịch tiền mã hóa tụt giảm khi thị trường lao dốc.
Giá trị của tiền mã hóa, tăng phi mã vào giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19 nhờ vào lãi suất thấp và gói kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ, giảm đáng kể trong những tháng qua, với các nhà kinh tế học thành hai phe đối lập về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.
Vào ngày 26.8, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs nhận định có 30% khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái trong năm 2023, còn những nhà kinh tế học tại Nomura tin rằng một đợt suy thoái sẽ bắt đầu từ năm 2022 và Ngân hàng Hoa Kỳ (BoA) đưa ra cảnh báo về khả năng diễn ra “suy thoái nhẹ” vào cuối năm nay.
Đến nay, Fed đã hai lần nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 5 và tháng 7.2022 để chặn đà lạm phát, sau khi lạm phát chạm mức cao nhất trong 40 năm qua.
Trong phân tích công bố hôm 26.8, Forbes xác định hơn 50% giao dịch bitcoin hằng ngày có thể là giả hoặc không mang lại lợi ích kinh tế, nhấn mạnh lo ngại về tính minh bạch và bền vững của thị trường tiền mã hóa. Trong phân tích về 157 sàn giao dịch tiền mã hóa toàn cầu, Forbes ghi nhận khối lượng giao dịch của bitcoin vào ngày 14.6 là 128 tỉ USD, giảm 51% từ tổng khối lượng giao dịch 262 tỉ USD tự tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
3 tháng trước
“Vương quốc” tiền mã hóa được nhà nước sở hữu ở Bhutan