Quốc tế

Generac thành công với giải pháp năng lượng độc lập

Khi Aaron Jagdfeld nhậm chức CEO của nhà sản xuất máy phát điện Generac, công ty đang gặp khó khăn. Giờ đây, sau cơn đại dịch và chuỗi thời tiết khắc nghiệt dường như không bao giờ dứt, công ty ông gần như không thể đáp ứng kịp nhu cầu – và đang chuẩn bị cho một tương lai mới.

Share
this:

Năm 2008, tình hình đang xấu đi với Generac. Công ty 49 năm tuổi chuyên sản xuất máy phát điện dự phòng chạy bằng khí đốt tự nhiên này đã được CCMP Capital, công ty cổ phần tư nhân ở thành phố New York mua lại vài năm trước đó. Mua hết 70% cổ phần của nhà sáng lập 81 tuổi, CCMP phụ trách hoàn toàn công ty có trụ sở tại Milwaukee, với doanh thu chỉ 700 triệu đô la Mỹ và khoản nợ 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Đó là khoảng thời gian tồi tệ. Trong hai năm 2006 và 2007, chỉ có một cơn bão (yếu tố lớn thúc đẩy doanh số máy phát điện) đổ bộ vào nước Mỹ. Theo sau đó là ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng nhà ở và suy thoái toàn cầu 2009, khiến Generac thâm hụt 30% thu nhập chưa tính mức chi trả nợ và các chi phí liên quan đến sáp nhập.

CCMP buộc phải trả thêm tiền mặt để ngăn tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật” và đưa Aaron Jagdfeld, kế toán 33 tuổi, người đã được thăng chức CFO nội bộ, đảm nhiệm chức vụ CEO.

CEO Aaron Jagdfeld tại nhà máy của Generac ở Whitewater, Wisconsin, nơi ông bắt đầu làm kế toán và thậm chí còn trực một vài ca trong dây chuyền lắp ráp

Người kế toán trẻ tuổi đưa ra giải pháp đáng ngạc nhiên: Hãy làm quyết liệt hơn. Sau khi mua một vài khoản nợ với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường, ông tiến hành niêm yết công ty vào năm 2010 và bắt đầu thực hiện chuỗi mua lại (25 thương vụ kể từ năm 2011). Đầu tiên, ông mua lại các mảng kinh doanh thiết bị ngoại vi như truyền dẫn mạng di động và tháp đèn ngoài trời.

Sau đó, ông thực hiện thêm các thương vụ mua lại để hiện thực hóa tầm nhìn về ngôi nhà như một “nhà máy điện ảo” tiết kiệm năng lượng, không chỉ có thể giữ cho đèn, máy sưởi và tủ lạnh hoạt động khi lưới điện gặp sự cố, mà còn có thể bán điện lại cho các công ty tiện ích như một lưới điện nhỏ và độc lập.

Nhu cầu đối với máy phát điện trị giá 20 ngàn đô la Mỹ của Generac đã tăng lên khi xuất hiện các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, sự xuống cấp của lưới điện quốc gia và đại dịch – những yếu tố biến các ngôi nhà thành nơi trú ẩn lý tưởng.

Vì đối thủ cạnh tranh gặp rắc rối (Briggs & Stratton phá sản vào năm 2020) và nhờ những nỗ lực của riêng mình, Generac hiện chiếm 80% thị phần trong lĩnh vực máy phát điện dự phòng tại nhà và có lượng đơn đặt hàng chờ trong sáu tháng.

Trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30.3.2022, công ty đạt doanh thu 4,1 tỉ đô la Mỹ và lợi nhuận gộp 1,8 tỉ đô la Mỹ – cả hai con số trên đều gấp đôi so với mức trước đại dịch. Doanh số không liên quan đến máy phát điện hiện chiếm 20% doanh thu.

Kể từ khi công ty được niêm yết với giá 13 đô la Mỹ/cổ phiếu, giá cổ phiếu Generac tăng chóng mặt, vọt lên mức đáng kinh ngạc là 498 đô la Mỹ vào tháng 10 năm ngoái và hiện đã quay trở lại mức 250 đô la Mỹ – vẫn là con số khổng lồ gấp 33 lần EPS.

Nợ ở mức 6% giá trị doanh nghiệp, có thể quản lý được, so với con số sau khi IPO là 80%. (Cổ phiếu cá nhân của Jagdfeld hiện trị giá 150 triệu đô la Mỹ. CCMP đã bán hết cổ phần vào năm 2013 và có lời.)

Nhưng khi việc xây hoặc mua nhà mới bắt đầu giảm và người tiêu dùng chịu ảnh hưởng của lạm phát ngày càng e ngại chi tiêu hàng ngàn đô la Mỹ cho một chiếc máy mà họ sẽ chỉ sử dụng vài lần một năm, Jagdfeld dự báo số lượng đơn tồn sẽ giảm. Đó là lý do ông lập kế hoạch dự phòng.

Thay vì bán “một sản phẩm mà mọi người hi vọng họ không bao giờ sử dụng” và chỉ mua sau khi xảy ra thảm họa thiên nhiên hoặc sự cố lưới điện, Jagdfeld muốn bắt đầu tiếp thị gói “năng lượng độc lập,” bao gồm cả khí, năng lượng mặt trời và pin, tất cả đều được tối ưu hóa bằng phần mềm học máy quản lý sưởi ấm và làm mát với mục tiêu mang lại nguồn thu cho bạn.

Ông nói: “AI sẽ giúp xuất khẩu năng lượng. Nguồn năng lượng sẽ được phân phối và tiêu thụ theo những cách mà hiện giờ bạn không thể tưởng tượng ra.”

Biên dịch: Hoàng My