Startup Galy ở Boston vừa ký tiếp thỏa thuận với hãng sản xuất Nhật Bản Suzuran Medical Inc. để sử dụng bông vải của công ty khởi nghiệp này cho các sản phẩm của hãng.
Galy ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tạo ra bông vải trong phòng thí nghiệm. Theo thỏa thuận hợp tác kéo dài 10 năm, trị giá 50 triệu USD, startup này cung cấp 33.000 tấn sợi bông cho Suzuran mỗi năm.
“Thỏa thuận này rất lớn,” Luciano Bueno, nhà sáng lập kiêm CEO của Galy cho biết. “Đây là loại bông vải đầu tiên được tạo ra trong phòng thí nghiệm đưa vào sử dụng cho nhiều sản phẩm phục vụ thị trường trên toàn thế giới.”
Theo Yasuhiro Kunieda, chủ tịch công ty, Suzuran sẽ sử dụng bông vải, do Galy phát triển từ công nghệ nuôi cấy mô tế bào thay vì cây bông, trong các sản phẩm như bông mỹ phẩm và khăn trải giường, cũng như những sản phẩm y tế như gạc và bông thấm.
Suzuran hợp tác với Galy từ năm 2021, khi startup này đã hoàn tất quá trình đánh giá chất lượng sợi bông thông qua các giai đoạn thử nghiệm. Vào năm 2019, Galy được thành lập như startup phát triển giống cây bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong phòng thí nghiệm.
Để tạo ra bông vải, đội ngũ của Galy thu thập các mẫu cây để chiết xuất mô tế bào. Các mô tế bào được nuôi cấy trong lò phản ứng sinh học hoặc bình lên men theo quy trình giống như sản xuất bia. Galy cho biết sản phẩm cuối cùng được sấy khô rồi mới thu hoạch. Quá trình này không cần nhiều năng lượng, đất và nước.
Cả hai tiếp tục ký kết hợp tác thêm 10 năm khi Galy đưa cơ sở sản xuất thương mại đầu tiên vào hoạt động. Theo thỏa thuận, Suzuran mua số lượng lớn vải bông Literally Cotton với một mức giá cụ thể. Bueno cho biết sợi do Galy sản xuất sẽ đáp ứng tất cả các thông số kỹ thuật của Suzuran.
Kuineda cũng nói thêm: “Thông qua thỏa thuận này, chúng tôi có được nguồn cung nguyên liệu thô ít bị thời tiết và môi trường ảnh hưởng, với giá cả ổn định. Ngoài ra, sáng kiến sản xuất bông vải trong phòng thí nghiệm rất thú vị. Đây là nguồn nguyên liệu an toàn.”
Chủ tịch Suzuran cho biết thêm rằng công ty sẽ tiếp tục sử dụng bông truyền thống, vì có thể người tiêu dùng chưa chấp nhận ngay loại bông được sản xuất trong phòng thí nghiệm.
“Chúng tôi tin rằng việc đưa công nghệ này ra thị trường sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề tác động đến khí hậu và liên quan đến sử dụng lao động trẻ em trong quá trình trồng cây bông. Công nghệ này cũng mang lại tiềm năng kinh doanh lớn. Chúng tôi xem đây là một sự đổi mới sẽ giúp thay đổi quan niệm truyền thống về sản xuất bông.”
Galy hiện có nhiều cơ sở sản xuất ở Boston, Massachusetts và São Paulo, Brazil.
Bueno cho biết: “Công ty cũng lên kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất trong tương lai để tăng quy mô cũng như đẩy mạnh quá trình nghiên cứu thêm sản phẩm, và tiếp cận thị trường nhanh hơn.”
“Chúng tôi đang lên kế hoạch thương mại hóa trong vòng vài năm tới. Nhưng hiện tại tôi chưa thể tiết lộ ngày chính xác vì không muốn tạo ra những kỳ vọng hão huyền.”
Do trái đất ngày càng nóng lên nên ngành bông sợi truyền thống đang đối mặt một tương lai không mấy tươi sáng. Nhiều công ty trong ngành đang áp dụng một giải pháp là nhân giống cây trồng chịu nhiệt và chống hạn.
Cotton 2040 là sáng kiến kêu gọi các thương hiệu và nhà bán lẻ quốc tế hàng đầu để giúp ngành bông sợi phát triển bền vững cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu hơn.
Bueno nói, mối quan hệ hợp tác với Suzuran tạo động lực cho Galy tiếp tục thúc đẩy sáng kiến. Công ty khởi nghiệp này tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thêm nhiều loại cây trồng từ công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong phòng thí nghiệm cho các loại sản phẩm khác. Anh nói rằng công nghệ này có thể được áp dụng cho tất cả các loại cây trồng trên cánh đồng.
“Chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất hai sản phẩm chính khác – nhưng hiện chưa thể tiết lộ được,” Bueno nói. “Nhờ đạt được thành công trong phát triển sản phẩm, tăng cường mối quan hệ hợp tác với Suzuran, cũng như sự quan tâm của ngành đối với các sản phẩm, chúng tôi hiện đang giữ một vị trí thú vị trên thị trường.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
CEO Stefania Triva làm giàu từ tăm bông xét nghiệm
Startup Insilico Medicine nộp hồ sơ đăng ký niêm yết ở Hong Kong
3 năm trước
Vaccine COVID-19: Đường chạy cùng thắng2 năm trước
S.I.S Cần Thơ mở “điểm vàng” cứu đột quỵ2 năm trước
Công nghệ y tế ở Việt Nam: Lạc quan chừng mực