Forbes Việt Nam Under 30

Forbes Việt Nam U30, Hà Thị Tú Phượng: Sự tưởng tượng giúp bạn đi bất cứ nơi nào

Ở tuổi 30, Hà Thị Tú Phượng đang điều hành công ty hơn 300 nhân sự, thử nghiệm mô hình mới để tìm hướng đi riêng tại thị trường nội dung số.

Sáng lập và điều hành MeTub từ khi vẫn còn học đại học, Hà Thị Tú Phượng, gương mặt Forbes Việt Nam U30 năm 2018 đưa công ty trở thành cái tên nổi bật trong lĩnh vực giải trí số tại Việt Nam. Ở tuổi 30 cô đang điều hành công ty hơn 300 nhân sự, thử nghiệm mô hình mới để tìm hướng đi riêng ở thị trường nội dung số.

Phỏng vấn: Khổng Loan
Thiết kế: Thành Long
Ảnh: Forbes Việt Nam

PV: Cái tên MeTub quen thuộc trong cộng đồng những người sản xuất nội dung số ở Việt Nam. Phượng có thể giải thích ngắn gọn mô hình hoạt động của công ty, và hiện mình đang có những mảng kinh doanh mới nào?

Tú Phượng: Công ty MeTub Network hoạt động trong lĩnh vực Creator Economy Facilitator, tức là một công ty trung gian trong nền kinh tế sáng tạo. MeTub hỗ trợ những người tạo nội dung (content creator) sản xuất, phát hành và đưa nội dung tới nhiều khán giả, hỗ trợ khai thác nguồn doanh thu từ sáng tạo nội dung và tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Hiện tại, bên tôi cũng làm việc với các nền tảng như YouTube, TikTok… để hỗ trợ các các nhà sáng tạo tỏa sáng, làm việc với các nhãn hàng để kết nối tài trợ hoặc quảng cáo. MeTub cũng đang hỗ trợ cho các bạn creator tỏa sáng trong lĩnh vực mới là creator commerce, đặc biệt là thông qua bán hàng qua livestream (livestream-commerce) để các bạn có thể giúp nhãn hàng hoặc chính sản phẩm của họ phân phối đến người tiêu dùng.

PV: Quy mô của công ty hiện ra sao?

Tú Phượng: MeTub đang hợp tác với khoảng 3.000 creator và tạo ra khoảng 8 tỉ lượt xem trung bình hằng tháng. Công ty đang có khoảng 300 thành viên.

PV: Mô hình hiện tại của MeTub có những thay đổi qua thời gian gần 10 năm qua. Phượng có thể nói thêm về thay đổi này?

Thường khi mọi người biết đến MeTub sẽ như là một mạng đa kênh (MCN), vì đó là xuất phát điểm của công ty. Một trong những đối tác quan trọng nhất thời điểm đó là YouTube. Cách tiếp cận của tôi với các nhà sáng tạo nội dung là các nhà sáng tạo nội dung ngay lập tức trở thành ngôi sao sáng nhất của công ty, trong khi MeTub cũng là đơn vị tiếp cận với cách thức sản xuất nội dung gọi là digital native (hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của thế hệ hoàn toàn có văn hóa kỹ thuật số). Bởi mình thực sự là không có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nội dung truyền thống nên phải chuyển qua sản xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội. Do đó, khẩu hiệu của công ty có từ năm 2014 là ‘Live by passion’ – Sống bằng đam mê, mong muốn hỗ trợ các bạn content creator có thể biến đam mê của mình thành phương tiện tự kiếm sống. Thời điểm 2014 thì kim chỉ nam này nghe có vẻ hơi viển vông nhưng đến thời điểm bây giờ đã có rất nhiều những bạn creator coi đó là công việc toàn thời gian, có thể mua nhà, mua xe và có cuộc sống khá tốt.

PV: Phượng sáng lập, điều hành MeTub tới giờ cũng gần 10 năm. Có lúc nào Phượng cảm thấy ngã lòng hoặc đối diện với khó khăn muốn buông xuôi?

Tú Phượng: Thực ra từ lúc bắt đầu, Phượng không phải là người biết xác định ước mơ rõ ràng ngay từ đầu mà là là tuýp người theo xu hướng, kiểu “nước chảy thuyền trôi.”

Những năm đầu tiên, việc mình khởi nghiệp khá ngẫu nhiên, muốn làm những việc đó, hỗ trợ cho các bạn. Rồi khi phát triển, mình lớn lên, có cơ hội thành lập công ty, thế nên mình làm. Rồi mình làm tốt nên nhiều người đến, nhiều người làm cùng với mình, thì mình lại tiếp tục phát triển nữa.

Trong quá tình ấy có rất nhiều yếu tố liên quan đến sự may mắn. Đồng thời cũng là khi có cơ hội đến thì mình nắm bắt đến mức tốt nhất.

10 năm không phải là một cái quá trình làm việc quá là dài, nhưng đúng là với Phượng thì đây là một công việc mà mình đã theo đuổi từ đầu cho tới giờ. Trong 10 năm đấy thì chắc phải có 4,5 lần mà thực sự mình muốn buông bởi vì cũng gặp rất là nhiều khó khăn. Sự tụt “mood” ấy chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, nếu mình vượt qua được nó thì mình lại tiếp tục yêu đời, hăng say yêu thích công việc của mình.

PV: Có thể đó là lý do lúc nào cũng thấy Tú Phượng vui vẻ, hoạt bát và tràn đầy năng lượng?

Tú Phượng: Thực ra có những cái may mắn trong ngành này đó là một nửa lý trí trong lĩnh vực công nghệ, một nửa là mình được làm những thứ rất cảm tính. Và xung quanh mình đều là những người tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết. Họ sáng tạo, yêu đời, nên mình cũng được gọi là hưởng ké, khiến con người mình cũng trở nên như vậy.

PV: Ở tuổi 30, quản trị 300 con người là một thách thức kể cả với những người có rất nhiều kinh nghiệm, trong khi những người làm việc cùng Phượng không phải quá cách xa về khoảng cách tuổi tác. Phượng đang tập hợp đội nhóm như thế nào?

Tú Phượng: Tôi nghĩ mình cũng không hẳn là một người có kinh nghiệm, đâu đó mình cũng chưa hoàn thành quá xuất sắc việc này. Đây là một trong những điều mình sẽ dành nhiều thời gian để học hỏi để phát triển bản thân nhất.

Sau gần 10 năm thì Phượng đúc kết là công ty có phát triển hay không thì không phụ thuộc vào cổ đông, đối tác mà thật sự phụ thuộc vào người nhân viên của mình. Nhân viên có mong khách hàng thành công thì khách hàng mới thành công. Nhân viên có mong muốn công ty có lợi nhuận thì công ty mới có lợi nhuận. Đôi khi nhân viên là quan trọng nhất.

Cách thức tiếp cận của Phượng cũng khá linh hoạt trong cách thức quản lý. Ở MeTub thì có rất nhiều các anh chị lớn tuổi hơn tham gia vào các vị trí quản lý điều hành, mình sẽ chọn cái phương án họ giỏi hơn mình mà thì để yên cho họ làm việc của họ. Công ty cũng có rất là nhiều nhân viên trẻ, và con người về bản chất đều mong muốn được làm việc, thành người có ích. Thế nên mình cố gắng tạo điều kiện, động lực để mọi người có thể tự do sáng tạo. Có lẽ đó là một trong những lý do để các bạn hiện tại đang làm khá tốt công việc của mình.

PV: Phượng muốn xây dựng công ty của mình có những đặc tính thế nào?

Tú Phượng: Chúng tôi đang theo đuổi 4 giá trị cơ bản. Một là sáng tạo – creative, không chỉ là bởi mình làm trong ngành nghề sáng tạo mà tôi tin là trong tất cả những công việc dù nhỏ nhất, mình đều có thể tìm cách để sáng tạo. Thứ hai, là đam mê – passionate – tôi mong muốn tất cả mọi người đều làm việc có nhiệt huyết, đam mê thì công ty sẽ đi rất là nhanh. Thứ ba đó là thấu hiểu – insightful, tức là mình làm việc trên nền tảng có sự đo lường được hiệu quả đón nhận. Cuối cùng là “spark joy”. Mỗi chúng ta đều có thể với những hành động tinh tế nhất của mình mang lại niềm vui cho người khác.


PV: Là người làm về truyền thông xã hội, nhưng trên truyền thông xã hội Phượng lại là người ít thể hiện, kín tiếng, khác với những người mà Phượng đang cố gắng quảng bá để họ trở nên nổi tiếng. Vì sao Phượng có sự đối lập này?

Tú Phượng: Cảm ơn Forbes Việt Nam đã nhận ra điều đấy (cười). Phượng nghĩ nhận xét này khá đúng, lúc đầu khi mình bắt đầu công ty thì mình nghĩ là mình yêu thích những việc liên quan đến Internet, liên quan đến sáng tạo nội dung mà dần dần thì Phượng phát hiện ra là mình có điểm yêu thích nữa, và đó là động lực phát triển của mình, là mình rất yêu thích trở thành một phần trong thành công của người khác chứ không thực sự mình mong muốn thành công.

Thực tế về bản thân Phượng thì Phượng thấy là mình không có nhu cầu trở nên nổi tiếng nên mình sẽ mong muốn một cái cuộc sống riêng tư hơn một chút. Có một cái phong cách mà Phượng cũng khá yêu thích đó là, “effortless chic” – thanh lịch mà không cần cố gắng – của những cô gái Paris. Tức là mình không cần phải tỏ ra là mình đang cố gắng quá hay bận rộn quá.

PV: Nếu tự mô tả mình trong 3 tính từ thì Phượng dùng tính từ gì?

Tú Phượng: Phượng hay cười, nhưng lại nghiêm túc – hơi tréo ngoe chút xíu (cười). Và hồng tím. Hồng tím là màu logo của MeTub từ 2014, và thực ra nó là màu khác là nổi bật và hơi lạ trong nhóm logo.

PV: Một ngày điển hình của Phượng sẽ như thế nào?  

Tú Phượng: Đa phần thời gian sẽ làm việc. Cách nay 2-3 năm thì từ 8h30 và đến khoảng 10 – 10h30 tối và về nhà. Rồi tôi thấy như vậy, theo quá trình trưởng thành của mình, có vẻ hơi buồn chán. Rồi tôi tiếp xúc nhiều người, thấy họ có những câu chuyện ngoài công việc và mình bắt đầu tìm hiểu xem sở thích của mình là gì. Tôi cũng chạy, chơi cầu lông, nhưng những thứ đó không đúng với mình. Thế nên hiện giờ một ngày điển hình là sẽ tập thể dục, chơi môn boxing, vào lúc 6:30 sáng, dù trước đây mình rất lười, và ba ngày trong tuần, vào lúc 9h tối sẽ học tiếng Trung. Việc học thêm một ngoại ngữ giúp mình mở mang rất nhiều, có thêm được một phần hiểu biết khác liên quan đến văn hóa Á Đông hơn.

PV: Tôi hơi tò mò… tại sao lại là boxing?

Tú Phượng: Đây là một môn đương nhiên giúp mình khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn. Boxing khiến mình có mục tiêu rõ ràng, và buộc mình phải tập trung. 

PV: Cuốn sách gần nhất Phượng mới đọc gần đây và thấy thích thú?

Tú Phượng: Đó luôn là quyển sách gối đầu giường của Phượng đó là “Gian nan chồng chất gian nan” của Ben Harwick, tiếng Anh là “The Hard Things About The Hard Things”. Tôi thường thích đọc tiểu sử. Cuốn này kể về quãng đường làm CEO và Founder của Ben Horowitz (Ghi chú: Ben Horowitz còn gọi là a16z, được thành lập vào năm 2009 bởi Marc Andreessen và Ben Horowitz, là một công ty đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon hỗ trợ các ý tưởng độc đáo, sáng tạo trong việc xây dựng tương lai thông qua công nghệ – Forbes Việt Nam) và mình thấy rằng những khó khăn mình gặp trên hành trình này thật ra ai đó cũng đã từng gặp rồi. Đó là khó khăn của tất cả mọi người làm nghệ này, cho nên tất cả các vấn đề đều có cách giải quyết.


PV: Vậy nếu nói tới những khó khăn hay gian nan mà Phượng đã gặp phải, thì đâu là những thử thách rất lớn, mang tính bước ngoặt với Phượng và Phượng đã vượt qua như thế nào?

Tú Phượng: Phượng nghĩ có hai loại thử thách. Một là mình biết là mình muốn gì và tìm cách để đạt được nó như thế nào. Con đường đó có vẻ rất chông gai, rất khó. Thử thách thứ hai là mình không biết mình muốn làm gì. Tức là phải đi tìm xem mình muốn gì, cái đó là thực sự khó.

Cái khó đối với Phượng là đi tìm xem là mình muốn gì. Như mọi người biết Phượng được vào danh sách Forbes Việt Nam Under 30 vào năm 2018, cũng là một trong những năm khá cao điểm trong sự nghiệp và là dấu ấn trước tuổi 30. Khi mình đạt được một đỉnh cao thì mục tiêu tiếp theo là gì. Nếu không xác định được thì sẽ rất là khó khăn dẫn dắt anh em theo mình.

Lúc đó mình bị rơi vào trạng thái hoang mang, lung lay, không có định hướng. Khi đó, Phượng chưa có “thuốc giải”, phải mất khá lâu mới biết nên làm thế nào. Theo Phượng, gần như là vấn đề nào cũng sẽ có câu trả lời nếu như mình đặt đúng vấn đề và đặt đúng câu hỏi. Khi mình xác định rất rõ vấn đề thì bước giải sẽ rất là rõ ràng trước mắt. Muốn làm gì tiếp theo thì phải nghiên cứu, hỏi han xem khách hàng mình muốn gì, xu hướng thế giới làm sao? Những anh chị có kinh nghiệm hơn để mọi người định hướng, gợi ý cho mình. Cuối cùng mình cũng sẽ vượt qua. Những lần tiếp theo khi mình rơi vào trạng thái hoang mang đó thì mình bắt bệnh nhanh hơn và mình xử lý cũng rất nhanh.

PV: Trạng thái hoang mang tìm kiếm chinh phục mục tiêu tiếp theo là một vấn đề mà nhiều startup gặp phải. Vậy đỉnh núi tiếp theo của Phượng là gì?

Tú Phượng: Hiện tại tôi rất may là trước mắt rất nhiều cái khó nhưng mình không bị hoang mang, tức là mình đã biết muốn gì tiếp theo. Trong những năm tới, chúng tôi vẫn theo một kim chỉ nam là mong muốn hỗ trợ các bạn sáng tạo nội dung thực sự có thể kiếm được tiền. Cái đỉnh tiếp liên quan đến lĩnh vực “creator commerce” tức là hỗ trợ cho các bạn sáng tạo nội dung có thể thực sự phân phối được hàng tới người tiêu dùng. Nó đúng với xu thế hiện tại là người tiêu dùng mong muốn không chỉ mua hàng mà có sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí.

PV: Nghe rất nhiều hứa hẹn. Đâu là những cái thách thức để đạt được những mục tiêu đó?

Tú Phượng: Còn rất nhiều những thứ mới cần phải “educate” thị trường, tìm cái khung để hỗ trợ một bạn creator từ đầu. Trên thế giới nhiều quốc gia đã thành công trên lĩnh vực này, mình cũng biết là nên đi đâu, gặp ai để học hỏi thêm và mang những tinh túy của họ về áp dụng cho các bạn creator nhà mình.

PV: Nếu bế tắc, khó khăn thì Phượng sẽ làm gì để xử lý?

Tú Phượng: Thứ nhất là mình phải bình tĩnh, để mình phải ở trong trạng thái sáng suốt, nếu không sẽ giải quyết sai hết. Thứ hai, phải chia nhỏ vấn đề, phải đặt đúng vấn đề và đặt đúng câu hỏi, để có câu trả lời đúng.

PV: Những gì Phượng làm được bây giờ rất đáng trân trọng. Theo Phượng, có những yếu tố nào khiến Phượng làm được những điều này?

Tú Phượng: Phượng nghĩ yếu tố may mắn là quan trọng nhất, thứ hai là bền bỉ, gọi là gian nan chồng chất gian nan, nhưng cuối cùng thì chuyện đâu sẽ có đó. Ví như mình may mắn có người đưa cái xuồng cho mình và mình bước một chân lên xuồng nhưng mà việc là mình làm thế nào để mình bước tiếp cái chân thứ hai lên xuồng và mình chèo thuyền sao cho ra khơi và về được đến bờ thì là một sự cố gắng và bền bỉ.

PV: Phượng định nghĩa thế nào là thành công và hạnh phúc?

Tú Phượng: Tôi tự cảm thấy mình vẫn chưa trưởng thành, đang cố gắng đọc rất nhiều sách để đi tìm hạnh phúc là gì, nhưng có vẻ như vẫn chưa định nghĩa được thế nào là hạnh phúc.

Nhưng cái mà Phượng mong muốn về thành công hay là hạnh phúc là mình được ăn và ngủ đủ, ngủ đủ rất quan trọng. Và mình vẫn được tiếp tục là một phần quan trọng trong thành công của người khác và mình vẫn luôn được vận động, tức là ngày mai phải tốt hơn hôm nay và hôm nay phải tốt hơn hôm qua.

PV: Ở tuổi 30 còn điều gì Phượng rất muốn làm mà mình chưa làm được?

Tú Phượng: Thứ nhất, là có một cái điều mà năm nào cũng ở trong những việc cần làm hàng đầu nhưng chưa bao giờ làm việc được, đó là ngày uống đủ 2 lít nước (cười). Có lẽ do mình thực sự chưa đặt nó là ưu tiên nên chưa làm được. Thứ hai, MeTub có thể giúp cho các nhà sáng tạo tạo ra các nội dung chất lượng giới thiệu Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

PV: Một câu hỏi về thế hệ, Phượng nghĩ thế nào về thực tế là thế hệ các bạn hiện nay có xu hướng coi trọng sự trải nghiệm và thoải mái hơn là sự ổn định?

Tú Phượng: Tôi tôn trọng quan điểm của họ. Thực ra thì một phần của cái sự thành công của MeTub đến từ việc là giới trẻ mong muốn sống đúng với bản thân, theo đuổi thứ họ muốn. Điều này không xấu, chỉ là nếu như mà mình đã quyết tâm rồi, đã mong muốn làm điều đấy rồi thì hãy làm đến nơi đến chốn thôi. Chứ nếu dễ dàng từ bỏ quá thì thực ra ở thế hệ nào cũng không tốt, vì ta không đạt được thứ gì.

PV: Khi vào danh sách U30 năm 2018, khi đó Phượng mới 26 tuổi. Nó có tạo ra thay đổi với Phượng không?

Tú Phượng: Cho tới giờ đó vẫn là dấu ấn trước 30 rực rỡ nhất về mặt cá nhân, vì tôi làm trong một tổ chức mà chuyên khen thưởng, công nhận người khác và không ai khen thưởng mình, thì có một tổ chức rất danh giá công nhận thì đó cũng là một cái gần như là truyền động lực để cho mình tiếp tục phát triển. Rồi khi vào danh sách này thì đương nhiên phải có trách nhiệm với cuộc sống, với danh xưng của mình.

Nhưng điều tôi thích nhất đó là, thường khi mà networking mà giới thiệu mình trong danh sách thì mọi người sẽ quan tâm tới mình hơn, lắng nghe mình hơn, đó là điều rất đáng quý. Mình cũng có rất nhiều bạn bè ở khắp nơi, những người cùng ở trong danh sách này.

PV: Câu hỏi cuối cùng, ba giá trị mà Phượng rất tin tưởng và theo đuổi là gì?

Tú Phượng: Phượng nghĩ là phải sống thật với bản thân. Thứ hai là không ngừng nghỉ cố gắng. Thứ ba là có câu nói “logic giúp bạn đi từ A đến Z còn sự tưởng tượng giúp bạn đi đến bất kì nơi nào”, như vậy mình cần sự giao hòa giữa lý trí và cảm tính.