Trong bối cảnh nhiều ngành xuất khẩu chủ lực suy giảm, xuất khẩu nông lâm sản – lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam vẫn đạt kỷ lục, góp phần tạo ra con số xuất siêu 26 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.
Lần đầu tiên, kể từ năm 2009, xuất khẩu Việt Nam suy giảm 4,4%. Các khó khăn và suy giảm kinh tế thế giới được xem là lý do chính khiến Việt Nam không hoàn thành một số mục tiêu kinh tế. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh quốc tế biến động, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cao của thế giới, vượt xa so với mức trung bình 2,9% của toàn cầu. Năm 2023 khép lại với việc GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,05%, thấp hơn mục tiêu 6,5% của chính phủ.
Trong bối cảnh nhiều ngành xuất khẩu chủ lực suy giảm, xuất khẩu nông lâm sản – lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam vẫn đạt kỷ lục, góp phần tạo ra con số xuất siêu 26 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử ở lĩnh vực đối ngoại khi nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới trong xuất khẩu, đầu tư, thúc đẩy phát triển ở một số lĩnh vực từ năng lượng, chip bán dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chung tay hành động chống biến đổi khí hậu.
Với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có độ mở nền kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bởi vậy, bước sang năm 2024, ẩn số lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam vẫn là các biến động từ thị trường quốc tế, đặc biệt sức khỏe của các đầu tàu kinh tế thế giới, các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam. Với sự ổn định vĩ mô, chúng ta có thể kỳ vọng các cơ hội mới xuất hiện sẽ đem đến nhiều vận hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Forbes Việt Nam 125 & 126: Cơ hội mới, vận hội mới
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Quan Hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Những Cơ Hội Mới
VIỆT NAM – HOA KỲ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ tạo ra sự gắn kết lâu dài, thúc đẩy sự phát triển của hai quốc gia mà còn tạo ra cấu trúc kinh tế và an ninh đa phương tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới.
Trong vai trò đối tác, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi quốc gia vào thị trường của bên kia. Đồng thời hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu phát triển. Điều này có nghĩa là hai quốc gia sẽ cùng giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường, quy định về kinh tế số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư.
Susan Burns Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM
NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT
10 Sự kiện kinh doanh nổi bật 2o23
Năm 2023 kinh tế Việt Nam gặp nhiều biến động với những khó khăn và cơ hội đan xen. Ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại thị trường quốc tế, sau nhiều năm lĩnh vực xuất khẩu giảm tốc, gây sức ép trực tiếp đến khu vực sản xuất và thị trường lao động, ảnh hưởng gián tiếp tới tiêu dùng nội địa. Sau nhiều năm phát triển nóng, sự chững lại của thị trường bất động sản không chỉ khiến lĩnh vực địa ốc gặp khó khăn mà những ngành phụ trợ cũng hoạt động trầm lắng.
Nhưng năm 2023 vẫn ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ những năm tới: Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hai nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản; đầu tư hạ tầng ghi nhận những kỷ lục; công cuộc chống tham nhũng và lành mạnh hóa nền kinh tế phát huy hiệu quả,… Với các dấu ấn tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức trong năm 2024 để vươn lên các thành tựu mới.
– Forbes Việt Nam
Thách Thức Của VinFast
Xuất hiện trên sàn chứng khoán NASDAQ vào tháng 8.2023, VinFast tiến xa hơn bất cứ công ty Việt Nam nào trước đây, thương hiệu Việt nhận được sự quan tâm từ các phương tiện truyền thông quốc tế. Nuôi tham vọng chinh phục thị trường toàn cầu, VinFast đối diện với nhiều thách thức và nghi ngờ khi vốn hóa công ty tăng phi mã, có lúc chạm 200 tỉ đô la Mỹ, vượt tổng giá trị vốn hóa của các cổ phiếu niêm yết tại HoSE.
– Giang Thanh & Bạch Mộc
Sải Cánh Của Boeing
Tập đoàn Boeing đang có những động thái cụ thể hóa đánh giá về tầm quan trọng của hàng không Việt Nam, thị trường phát triển nhanh thứ năm thế giới, dự kiến đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035, theo hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Những năm gần đây, một trong những hoạt động được Boeing thúc đẩy mạnh mẽ là phát triển chuỗi cung ứng ngành hàng không khu vực Đông Nam Á mà trọng điểm là thị trường Việt Nam.
– Bạch Mộc
Bán Đồ Nhỏ Thu Tiền To
Với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 40,3 tỉ đô la Mỹ, trên bản đồ dệt may thế giới, Việt Nam thuộc tốp ba nước xuất khẩu sau Trung Quốc và Bangladesh. Scavi, công ty do doanh nhân người Pháp gốc Việt thành lập là một số cái tên nổi bật, biến Việt Nam trở thành một trong những nơi cung cấp sản phẩm nội y cao cấp trên thế giới, tiếp tục củng cố chiều sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, thích nghi với yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới.
– Tạ Hồng Phúc
Nguồn Lợi Từ Biển
Với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam tính đến nay, Australis nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Và chỉ mất hơn 15 năm để nắm được ngôi vị nhà xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới. Mỗi năm, Australis cho ra thị trường gần 10 ngàn tấn cá chẽm thành phẩm, chủ yếu xuất sang Mỹ cho những tập đoàn bán lẻ thực phẩm lớn như Cotsco và WholeFoods.
– Trọng Nam
Sản Vật Xứ Dừa
Cách đây 25 năm, tại Bến Tre, dừa Lương Quới – doanh nghiệp tư nhân khi ấy hai năm tuổi đứng trước thách thức giống hàng trăm cơ sở ép dầu dừa trong vùng: càng làm càng lỗ do thị trường ế ẩm. Không nao núng, ông Cù Văn Thành, người sáng lập công ty mạnh dạn lèo lái doanh nghiệp tư nhân non trẻ này qua vùng biến động, đưa các sản vật xứ dừa Bến Tre đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
– Tạ Hồng Phúc
Đón Đầu Con Sóng Mới
Hãng lốp xe hàng đầu thế giới, Bridgestone của Nhật, rót hàng tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam mở cứ điểm sản xuất phục vụ cho thị trường toàn cầu. Trong đó, Nhà máy ở khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng được xây dựng trên tổng diện tích 102 héc ta với công suất lắp đặt thuộc loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhà máy hiện đang hoạt động với 1.300 nhân viên. Với sản lượng năm 2022 đạt ba triệu đơn vị sản phẩm.
– Trọng Nam
Ẩm Thực Xứ Phù Tang
Từ phân phối nhỏ lẻ, năm 2006, Lotus Group được bà Lê Vân Mây – hiện là chủ tịch và CEO tập đoàn, sáng lập và vận hành 27 năm qua, kinh doanh các sản phẩm ẩm thực mang tinh thần của xứ Phù Tang. Chuỗi nhà hàng ẩm thực hiện là một trong bốn mảng kinh doanh chính của Lotus Group, bên cạnh sản xuất, phân phối và bán lẻ. Ở giai đoạn đỉnh cao trước dịch COVID–19, tập đoàn đạt doanh thu đến 1.300 tỉ đồng với gần 2.000 nhân sự.
– Khổng Loan
Nóng Và Chật Chội
Nhìn từ bên ngoài vào, thị trường chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ y tế Việt Nam có nhiều hứa hẹn. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5–7% mỗi năm, thu nhập của người dân được cải thiện, kéo theo nhu cầu cao cấp hơn về các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ. Nửa cuối năm 2023, M&A trong lĩnh vực y tế trở thành làn sóng bùng nổ với sự xuất hiện bên mua là các nhà đầu tư nước ngoài. Tại sao xu hướng diễn ra ở thời điểm này, miếng bánh có thực sự hấp dẫn?
– Giang Thanh
QUỐC TẾ
Hiệu Ứng Taylor Swift
Với chuyến lưu diễn phá kỷ lục doanh thu, khả năng thúc đẩy nền kinh tế và khối tài sản 1,1 tỉ đô la Mỹ, Taylor Swift đang tạo ra tầm ảnh hưởng lớn chưa từng có về kinh tế, văn hóa và chính trị trong sự nghiệp 17 năm lừng lẫy của mình. Toàn bộ những điều đó đã giúp cô thăng bậc trong bảng xếp hạng những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, tăng từ vị trí 79 vào năm 2022 lên đứng thứ năm trong năm 2023.
– Maggie Mcgrath
Dang Rộng Đôi Cánh
Kiat Lim là truyền nhân thế hệ tiếp theo của Peter Lim. Thương vụ do anh thực hiện hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi cho tập đoàn Thomson Medical của gia đình – giúp tập đoàn mở rộng từ cơ sở ở Singapore và Malaysia thành doanh nghiệp khu vực. Hồi tháng 7.2023, tập đoàn này tuyên bố mua lại nhà điều hành bệnh viện Việt Nam Far East Medical Vietnam (FEMV) với giá lên tới 381 triệu đô la Mỹ.
– Jonathan Burgos
Giành Lấy Cơ Hội
Năm 2023, Canelo Álvarez, thành viên danh sách Forbes Under 30 năm 2018 được Forbes xếp thứ năm trong danh sách những vận động viên hưởng lương cao nhất thế giới, với thu nhập trước thuế 110 triệu đô la Mỹ trong mười hai tháng tính đến tháng 5.2023. Giờ đây, Canelo Álvarez hướng tới những thử thách tiếp theo ngoài sàn đấu, anh đặt mục tiêu còn cao hơn cả tham vọng trở thành tay đấm giỏi nhất mọi thời đại: Trở thành tỉ phú.
– Brett Knight
KHỞI NGHIỆP
Con Đường Kỳ Lân
Việt Nam có cơ hội xây dựng các công ty kỳ lân hay không khi trào lưu tăng trưởng mạnh của các công ty công nghệ đang chậm lại và giới doanh nhân đang chú trọng hơn đến giải pháp phát triển “ăn chắc mặc bền”?
Từ kinh nghiệm thúc đẩy các nhà sáng lập trẻ và theo quan sát của Endeavor, tại Việt Nam đang hình thành một thế hệ các doanh nhân trẻ với xuất phát điểm từ công nghệ, kỹ thuật, đang có khả năng tăng trưởng mạnh. Công nghệ chính là cơ hội để họ mở rộng quy mô và tạo giá trị. Thị trường của họ hoàn toàn không bị giới hạn trong biên giới nội địa. Mặc dù vậy, con đường của họ đi không dễ dàng. Một hệ sinh thái phát triển, trong đó cả nền tảng pháp lý chính sách và thị trường, mạng lưới hỗ trợ, sẽ là những điều kiện quan trọng để giúp nhóm công ty này phát triển mạnh khỏe trong thời gian tới. Một câu hỏi mà chúng tôi cũng thường đặt ra là tại Việt Nam có cần đến nhiều công ty kỳ lân không?
– Nguyễn Lan Anh
Giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam
QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Khía Cạnh Thuế Với Sự Lựa Chọn Mô Hình Phát Triển
98% các doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ, phần lớn quản lý theo mô hình gia đình. Khi phát triển mở rộng đến mức nào đó, các công ty được tái cấu trúc theo mô hình holding và phát sinh vấn đề.
Mô hình “công ty mẹ con” được các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cân nhắc áp dụng khá nhiều trong vài năm gần đây. Điều này có thể xuất phát từ thực tế là sau một thời gian “tập đoàn” hay chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường, các chủ doanh nghiệp nay đã nhận ra rằng cơ cấu tổ chức hiện tại khó có thể đưa doanh nghiệp phát triển bền vững hoặc nâng cao vị thế doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nhân Việt Nam ưa thích sự “kín tiếng” nên các công ty hoặc dự án kinh doanh được đặt sở hữu riêng lẻ, độc lập với nhau, dù trong thực tế được một hoặc một nhóm doanh nhân kiểm soát. Để chính thức hóa việc sở hữu, tạo điều kiện cho việc huy động vốn hoặc niêm yết, hoặc tạo nền tảng cho việc xây dựng hệ thống quản trị mới, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải xem lại cấu trúc sở hữu hiện tại và xây dựng mô hình “tập đoàn” hoặc “công ty mẹ con”. Tuy nhiên điều này là việc hệ trọng cần được cân nhắc kỹ càng từ nhiều phía, trong đó có góc độ thuế.
– Thân Xuân Thịnh
DANH SÁCH FORBES
Danh sách giàu nhất Indonesia
Indonesia, quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đang chịu tác động do xuất khẩu sụt giảm và chỉ số chứng khoán hạ 1,5% kể từ lần gần nhất Forbes thống kê giá trị tài sản.
Tuy vậy, số lượng công ty mới niêm yết cổ phiếu gia tăng, nổi bật là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng, đã trở thành động lực giúp tổng giá trị tài sản của 50 người giàu nhất Indonesia đạt mức kỷ lục 252 tỉ đô la Mỹ, tăng 40% từ mốc 180 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Hơn một nửa thành viên trong danh sách năm 2023 giàu hơn so với một năm trước.
20 Nữ Doanh Nhân Quyền Lực Châu Á 2023
Khi thế giới chuyển hướng theo tình hình kinh tế mới, các nữ doanh nhân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn không nản lòng. Họ đang thúc đẩy các dự án kinh doanh mới và nỗ lực vươn lên vị trí hàng đầu tại một số doanh nghiệp lớn nhất và uy tín nhất trong khu vực. Danh sách năm nay là những thành viên mới, họ được lựa chọn vì những thành tựu và nỗ lực của họ trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp.
Đón đọc những bài viết không thể bỏ qua trên Forbes Việt Nam số 125 & 126