multi-media / Megastory

Forbes Việt Nam số 106: Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất

Sự phân hóa giữa các ngành nghề khiến lần đầu tiên trong 10 lần thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, số “tân binh” xuất hiện nhiều nhất từ trước đến nay – chín công ty lần đầu tiên gia nhập danh sách.

vào năm 2013, Forbes Việt Nam lần đầu tiên thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất, qua một thập niên, có 138 doanh nghiệp được vinh danh nhưng chỉ có chín công ty có mặt đầy đủ 10 lần. Sự thay đổi lớn nhất qua thời gian là những lĩnh vực như cao su tự nhiên, dịch vụ dầu khí, khai thác khoáng sản, các đại diện ít ỏi dần hoặc biến mất, trong khi các lĩnh vực dịch vụ tài chính, bất động sản, sản xuất… số đại diện ngày càng nhiều hơn. Cơ cấu doanh nghiệp trong danh sách cũng phần nào phản ánh cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển từ những ngành khai thác tài nguyên thô và thâm dụng lao động sang lĩnh vực dịch vụ, sản xuất có hàm lượng chất xám và kỹ thuật cao hơn.

Do đại dịch COVID-19, năm qua một số ngành được hưởng lợi đột biến từ giãn cách xã hội, sự rối loạn của chuỗi cung ứng và logistics, giá nguyên liệu hàng hóa tăng cao. Những sắc màu này được thể hiện trong danh sách khi ghi nhận chín công ty mới lần đầu tiên xuất hiện. Một lát cắt khác cho thấy những sự thay đổi, sự lớn mạnh của các công ty niêm yết và cả nền kinh tế Việt Nam sau một thập niên. Trong Danh sách 50 công ty niêm yết đầu tiên của Forbes Việt Nam, “Clb các công ty tỉ đô” chỉ có sáu cái tên nhưng trong danh sách năm 2022 có 22 công ty vốn hóa trên một tỉ đô la Mỹ. Tổng lợi nhuận của các công ty trong danh sách lần thứ 10 đạt hơn 193 ngàn tỉ đồng, tăng bốn lần so với danh sách lần đầu tiên. Tổng doanh thu của các công ty trong danh sách năm 2022 gấp ba lần tổng doanh thu của danh sách năm 2013.

Bìa báo số 106: 50 công ty niêm yết tốt nhất

DANH SÁCH


Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 10 của Forbes Việt Nam ghi nhận chín công ty lần đầu tiên có mặt, con số cao nhất từ trước tới nay. Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 193.183 tỉ đồng, tăng 10,7% so với danh sách năm 2021. Tổng doanh thu các công ty trong danh sách đạt 1.192.754 tỉ đồng. Các ngành tăng trưởng tốt nhất về lợi nhuận trong năm qua gồm ngân hàng, chứng khoán, nguyên liệu, dịch vụ logistics. Ngân hàng cũng là ngành có nhiều đại diện nhất trong danh sách năm nay với bảy đại diện. Sau 10 lần thực hiện danh sách, có 138 công ty đã được vinh danh, trong đó có chín công ty có mặt cả 10 lần gồm: Bảo Việt, Dược Hậu Giang, FPT, Hòa Phát, Masan Group, REE, PV Gas, Vinamilk và Vietcombank. Kỷ lục về doanh thu trong danh sách năm 2022 vẫn là Petrolimex, trong khi đó Hòa Phát vượt qua Vietcombank trở thành công ty giữ lợi nhuận kỷ lục

CÂU CHUYỆN TRANG BÌA

Tái tạo tăng trưởng

Bữa tiệc trên thị trường chứng khoán Việt Nam kéo dài suốt hai năm qua không dành cho cổ đông Vinamilk. Tổng giám đốc Mai Kiều Liên làm gì để đưa công ty quay lại quỹ đạo tăng trưởng? – Giang Thanh

“Cạnh tranh tạo động lực cho sự phát triển”

— Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk

NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT


Đường đến ngôi số 1


Hóa chất Đức Giang khép kín chuỗi giá trị và hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng vọt, đưa cổ phiếu công ty vươn lên đỉnh cao nhất trong lịch sử hoạt động. – Tuyết Ân

Con tàu vượt sóng

Nửa thế kỷ gắn với ngành tàu biển, ông Vũ Ngọc Sơn đã tận dụng thời cơ trong đại dịch đưa Hải An, công ty non trẻ nhất trong ngành bứt phá thành đội tàu quy mô
hàng đầu. – Tuyết Ân

Đất vàng sân bay


Khai thác một phần nhà ga hàng hóa tại Tân Sơn Nhất, công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn duy trì tăng trưởng trong đại dịch. – Minh Tâm

Vẽ chân dung khách hàng


Masan Group thực hiện tham vọng chuyển đổi từ mô hình bán lẻ truyền thống lên hệ sinh thái tiêu dùng – tài chính thông minh. – Trọng Nam

Vụ mùa bội thu


Hưởng lợi từ giá bán, Đạm Phú Mỹ có năm kinh doanh thành công nhất kể từ khi thành lập. Hồng Trà

Thách thức của KIDO


Trở lại ngành bánh kẹo và phát triển chuỗi F&B, KIDO tìm kiếm động lực tăng trưởng mới khi đã vững chân ở ngành kem và dầu ăn. Nhưng có không ít thách thức đối với người chơi “mới mà cũ” này. Minh Tâm


DANH SÁCH


2000 công ty lớn nhất thế giới


Bất chấp những thách thức do đại dịch, cuộc chiến đang diễn ra và thị trường không thể dự đoán trước, các công ty đại chúng lớn nhất thế giới đã cố gắng tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm ngoái. Tuy nhiên, báo cáo thu nhập có các chỉ số lành mạnh che giấu thực trạng mới của nền kinh tế: không có gói kích cầu của chính phủ, giá trị cổ phiếu thấp hơn nhiều do lạm phát và thị trường giảm đã cản trở phục hồi kinh tế.

Tỉ phú bán giày


Thương vụ IPO của Campus Activeware, công ty bán giày nhiều hơn Nike và Adidas ở Ấn Độ, góp phần đưa người sáng lập bước vào hàng ngũ tỉ phú

Con đường may rủi


Người đứng đầu Viva Republica đưa siêu ứng dụng Toss tiến lên giai đoạn mới với cú hích lớn ở Đông Nam Á và vòng tài trợ bom tấn đang được tiến hành.


Đón đọc những bài viết không thể bỏ qua trên Forbes Việt Nam số 106