Jimmy Buffett biến những rung cảm yên ả và những giai điệu miền nhiệt đới ngập nắng thành đế chế phong cách sống và nguồn tài chính hàng tỉ đô la Mỹ.
Mỗi ngày trôi qua giống như một kỳ nghỉ đối với Jimmy Buffett. Khi Forbes gặp ca sĩ kiêm nhạc sĩ này vào tháng 12.2022, ông vừa từ Bahamas trở về. Rất nhanh sau đó, ông sẽ đáp máy bay tới St. Barts, thiên đường vùng biển Caribe, nơi ông sinh sống từ 30 năm nay. “Chúng tôi đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc ở hòn đảo nhỏ đó,” Buffett chia sẻ.
Ngày làm việc của ông cũng có thể xem là thời gian giải trí. Buffett, 76 tuổi, gây dựng nên sự nghiệp cùng khối tài sản tỉ đô bằng cách chắt lọc những cảm hứng vô tư hòn đảo thành những bài hát nổi tiếng, hàng hóa, chuỗi nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, thậm chí cả những cộng đồng cư dân khép kín. Năm mươi năm trải nghiệm dưới ánh mặt trời rực rỡ đã mang lại kết quả xứng đáng: Forbes ước tính giá trị tài sản ròng hiện tại của Buffett là một tỉ đô la Mỹ. (Ông từ chối bình luận về tài sản của mình.)
Mọi chuyện khởi nguồn vào đầu thập niên 1970, khi Buffett đến Key West, Florida, sau một vài năm làm một nhạc sĩ đồng quê non trẻ ở Nashville. Buffett chia sẻ với Forbes: “Toàn bộ ý tưởng về việc sở hữu một thương hiệu hay bất cứ thứ gì chưa bao giờ nảy ra trong đầu tôi cho đến khi tôi đến Key West.”
Trên dải cát nhỏ bé đó, chỉ cách Havana 160km, ông chơi nhạc tại các câu lạc bộ địa phương và dần dần rèn giũa thanh âm nhạc rock miền nhiệt đới đặc trưng của mình, kết hợp dân ca, calypso, rock và pop để tạo ra một thể loại mới khó quên.
Bước đột phá của ông là album năm 1997 mang tên Changes in Latitudes, Changes in Attitudes với những giai điệu vui tươi, dễ hiểu trong bản hit Margaritaville. Album LP này thành đĩa bạch kim trong năm đó và Margaritaville trở thành bài hát bất hủ đối với những người hâm mộ trung thành của ông, những người tự gọi mình là Parrothead.
Thỏa thuận cấp phép năm 1984 với hãng bia Corona đã tăng thêm thời lượng phát sóng trên đài phát thanh của ông và giúp thúc đẩy thị phần bia nhập khẩu của thương hiệu bia lager tăng từ 2% lên 17% chỉ trong bốn năm.
Khi càng nổi tiếng, Buffett phát hiện ra ngày càng có nhiều áo thun nhái tại các cửa hàng ở Key West, được bán mà không có sự chấp thuận của ông – và tên của ông thường bị viết sai chính tả thành “Buffet.” Ông muốn sở hữu thương hiệu cá nhân của mình, vì vậy đã hợp tác với người bạn lâu năm Donna “Sunshine” Smith để mở cửa hàng áo thun Margaritaville đầu tiên ở Key West vào năm 1985.
“Nếu bạn là nghệ sĩ, muốn kiểm soát cuộc sống của mình, thì bạn phải trở thành một doanh nhân, dù muốn hay không,” Buffett nói với Forbes vào năm 1994. “Vì vậy, có kiểu doanh nhân xuất thân từ nghệ sĩ.”
Cửa hàng đó về sau biến thành một đế chế bao gồm các tiểu thuyết bán chạy nhất (chẳng hạn Tales from Margaritaville năm 1989), một vở nhạc kịch Broadway, hãng thu âm Mailboat Records và một đài phát thanh trên Internet.
Ba mươi năm trước, ông gặp John Cohlan – cựu giám đốc tài chính sở hữu công ty đầu tư vào một loạt chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Cohlan sau đó trở thành CEO của Margaritaville Holdings và biến liên doanh này thành tổ chức cấp phép toàn cầu hiện đang phát triển, mang lại doanh thu 2,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 – không bao gồm mảng kinh doanh rượu với doanh thu ước tính 400 triệu đô la Mỹ của Buffett (theo một nguồn tin thân cận với công ty).
Thương hiệu Margaritaville hiện diện ở hơn 30 khu nghỉ dưỡng nằm rải rác từ Manhattan và Palm Springs đến Cộng hòa Dominica và Mexico. Có 150 nhà hàng theo chủ đề Buffett, cả độc lập lẫn bên trong các khu nghỉ dưỡng trên khắp Hoa Kỳ và vùng biển Caribe, phục vụ margarita tên “Who’s to Blame” và món cơm Jammin’ Jambalaya của Jimmy. Ông cũng mở sòng bạc ở Louisiana và Puerto Rico.
Thương hiệu Margaritaville cũng bao gồm quần áo và hỗn hợp đồ uống đông lạnh, phao bơi và bộ bóng ném. Ngoài ra còn có các mối hợp tác riêng về mặt hàng bia rượu: bia Landshark và rượu mạnh nhiệt đới (hợp tác với AB InBev), rượu tequila Margaritaville và tất nhiên, margarita và cocktail pha sẵn (cả hai sản phẩm này đều hợp tác với Sazerac).
Những dự án mạo hiểm mới nhất của ông hứa hẹn sẽ còn mang lại nhiều niềm vui hơn nữa: Các chuyến du ngoạn mang tên Margaritaville at Sea trên biển Caribe hai đêm ba ngày, mang du khách đến nghỉ dưỡng ở các cộng đồng dân cư Florida và Nam Carolina, hiện là nơi cư trú của hàng ngàn chú vẹt đuôi dài Boomer.
Các tài liệu mà Forbes xem xét cho thấy Buffett nắm giữ 28% cổ phần của công ty cấp phép ước tính trị giá 180 triệu đô la Mỹ, cộng với 60 triệu đô la Mỹ khác từ việc kinh doanh bia và rượu tequila. Phần tài sản còn lại của ông bao gồm khoảng 570 triệu đô la Mỹ tích lũy được trong suốt thời gian lưu diễn và bán đĩa, danh mục âm nhạc trị giá 50 triệu đô la Mỹ và bộ sưu tập sáu ngôi nhà, bốn chiếc máy bay, du thuyền trị giá 140 triệu đô la Mỹ và cổ phần trong tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway do Warren Buffett điều hành (mặc dù mọi người vẫn đồn đại, nhưng thực tế cả hai không có quan hệ họ hàng).
Kết quả này không tệ đối với một người sinh ra và lớn lên ở Pascagoula, Mississippi, xuất thân từ gia đình làm nghề bắt cua và đi thuyền, từng đi hát rong khi còn học đại học và làm việc một thời gian ngắn cho chuyên trang huyền thoại của ngành âm nhạc Billboard.
Thành công vượt bậc của ông gây ấn tượng mạnh mẽ ngay cả với “nhà tiên tri xứ Omaha,” người giàu thứ năm thế giới và cũng là bạn cũ của ông. “Tôi ước gì có nhiều anh chàng Jimmy Buffett hơn, nhưng ông ấy là duy nhất,” Warren Buffett nói với Forbes. “Bảo Jimmy thêm tên tôi trong di chúc của anh ấy nhé!”
DANH VỌNG VÀ TIỀN TÀI
Khi Forbes 400, bảng xếp hạng những người giàu nhất nước Mỹ, ra mắt vào năm 1982, chỉ có hai nghệ sĩ vào danh sách: Yoko Ono và Bob Hope. Trong hai thập niên sau đó, sáu cái tên khác được vinh danh. Chỉ có ba trong số tám người đầu tiên trở thành tỉ phú (mãi đến năm 2006, tài sản trị giá hàng tỉ đô la Mỹ mới trở thành điều kiện để vào danh sách Forbes 400).
Sau đó là giai đoạn bùng nổ tài sản của người nổi tiếng: Trong tám năm qua, có 11 ngôi sao trở thành tỉ phú (mặc dù 2 ngôi sao Kylie Jenner và Kanye West đã tụt hạng sau đó). Trong năm nay, có ba gương mặt mới: Jimmy Buffett, LeBron James và Tiger Woods. Dưới đây là một số nhân vật đáng chú ý.
Yoko Ono
Lần đầu vào danh sách năm 1982, $150 triệu
Gần hai năm sau khi John Lennon bị sát hại, Ono xuất hiện trên danh sách Forbes 400. Phần tiền bản quyền âm nhạc của The Beatles mà bà được thừa kế từ người chồng quá cố chiếm phần lớn trong khối tài sản trị giá 150 triệu đô la Mỹ của bà. Bà cũng sở hữu 250 con bò ở ngoại ô New York, trị giá khoảng 7,5 triệu đô la Mỹ, đi kèm với các khoản trợ cấp thuế hấp dẫn.
Bob Hope
Lần đầu vào danh sách năm 1982, $280 triệu
“Nếu tài sản của tôi trị giá hơn 50 triệu đô la Mỹ, tôi sẽ đá vào mông các anh,” Hope đe dọa vào năm 1983 sau khi xuất hiện trên Forbes 400 với tài sản ròng trị giá 200 triệu đô la Mỹ. Sau đó, Forbes thuê một chuyên gia thẩm định để ước tính nguồn tài sản lớn nhất của ông, các bất động sản khổng lồ ở California mà ông nắm giữ. Hóa ra diễn viên hài này đã sai – nhưng chúng tôi cũng sai nốt. Tài sản của ông, bao gồm cả một số cổ phiếu RCA và các khoản đầu tư nhỏ từ dầu mỏ ở Texas (ông đã kiếm được một triệu đô la Mỹ đầu tiên khi đầu tư vào dầu mỏ với Bing Crosby nhiều thập niên trước đó) là gần 115 triệu đô la Mỹ, khiến ông bị loại khỏi danh sách năm 1984, vốn yêu cầu mức tối thiểu 150 triệu đô la Mỹ.
Steven Spielberg
Lần đầu vào danh sách năm 1987, $225 triệu • tài sản ròng hiện tại: $4 tỉ
“Tôi là một con bạc,” Spielberg nói với Forbes vào năm 1994, năm ông trở thành tỉ phú giải trí đầu tiên. “Tôi đã không nhận lương gần chục năm nay rồi.” Thay vào đó, ông thuyết phục các hãng phim trả tiền cho các bộ phim của ông để đổi lấy một phần tổng doanh thu. Forbes ước tính số tiền ông thu được từ bộ phim bom tấn Jurassic Park năm 1993 là 250 triệu đô la Mỹ theo thời giá bấy giờ. Kể từ đó, các bộ phim của vị đạo diễn ba lần đoạt giải Oscar đã thu về hơn 10 tỉ đô la Mỹ và ông nhận được một phần tiền mặt từ mỗi vé bán ra tại các công viên giải trí Universal nhờ những bộ phim ăn khách như loạt phim Indiana Jones.
Oprah Winfrey
Lần đầu vào danh sách năm 1995, $340 triệu • tài sản ròng hiện tại: $2,5 tỉ
Người dẫn chương trình ra mắt trong danh sách Forbes 400 vào năm 1995, thay thế Bill Cosby – nghệ sĩ giải trí được trả lương cao nhất thế giới trong thời gian ngắn – là người Mỹ gốc Phi duy nhất trong danh sách. Năm 2003, bà “phá vỡ trần kính” khác, trở thành nữ tỉ phú da đen đầu tiên. Thành công của chính bà, cộng với việc khởi động các chương trình truyền hình dài hơi như Dr. Phil, Rachael Ray và Dr. Oz, đã giúp tạo dựng gia sản giàu có ban đầu của bà.
Michael Jordan
Lần đầu vào danh sách năm 2015, $1 tỉ • tài sản ròng hiện tại: $2 tỉ
Huyền thoại bóng rổ đã trở thành vận động viên tỉ phú đầu tiên vào 2014. Ông kiếm được hơn 90 triệu đô la Mỹ sau 15 năm chơi ở giải NBA – nhưng đã kiếm được nhiều hơn ngoài sân đấu: 1,8 tỉ đô la Mỹ trước thuế từ quan hệ hợp tác với Nike và những doanh nghiệp khác. Thành tựu lớn nhất của ông: mua Charlotte Hornets. Ông mua phần lớn cổ phần của nhượng quyền thương mại NBA vào năm 2010, khi đội này được định giá 175 triệu đô la Mỹ. Hiện đội được định giá 1,7 tỉ đô la Mỹ.
Jay-Z
Lần đầu vào danh sách năm 2020, $1 tỉ • tài sản ròng hiện tại: $2,5 tỉ
Tỉ phú đầu tiên của hip-hop đã tăng hơn gấp đôi tài sản của mình chỉ sau bốn năm, nhờ cổ phần trong Uber và Block (ông ngồi trong hội đồng quản trị) cũng như các tác phẩm nghệ thuật của Jean-Michel Basquiat. Nguồn tài sản lớn nhất của ông là hai dòng sản phẩm đồ uống có cồn.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43