First Citizens Bank đã đồng ý mua lại số tài sản của SVB có giá trị 72 tỉ USD, với mức chiết khấu 16,5 tỉ USD từ FDIC.
Vào ngày 27.3, First Citizens Bank thông báo đã đồng ý mua lại Silicon Valley Bank (SVB) cùng với các khoản tiền gửi và khoản vay, hai tuần sau khi SVB sụp đổ và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) trước đó đấu giá không thành công ngân hàng này.
Theo thỏa thuận, First Citizens Bank, ngân hàng có trụ sở tại Bắc Carolina, Mỹ, đã đồng ý mua lại số tài sản của SVB có giá trị 72 tỉ USD, với mức chiết khấu 16,5 tỉ USD từ FDIC. Trong thông cáo báo chí, First Citizens Bank cho biết sẽ tiếp nhận các khoản tiền gửi trị giá 56 tỉ USD của SVB.
Kể từ ngày 27.3, 17 chi nhánh của SVB sẽ hoạt động như một bộ phận trực thuộc First Citizens Bank, song sẽ không có sự thay đổi nào ngay lập tức về tài khoản của khách hàng.
FDIC cho biết vẫn sẽ tiếp nhận số tài sản khác và chứng khoán của SVB, với giá trị vào khoảng 90 tỉ USD. Cơ quan này cũng sẽ có quyền tăng giá số cổ phiếu trị giá 500 triệu USD trong First Citizens Bank.
Theo ước tính của FDIC, Silicon Valley Bank sẽ không thể chi trả khoản tiền 20 tỉ USD cho Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) của cơ quan này.
Thông tin First Citizens Bank mua lại SVB đã mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán, với chỉ số FTSE 100 của sở giao dịch chứng khoán London (LSE) tăng 1% khi mở cửa phiên giao dịch, còn chỉ số Euro Stoxx 50 của thị trường Eurozone (khu vực đồng tiền chung châu Âu) tăng hơn 1% trong phiên giao dịch sáng ngày 27.3 (theo giờ địa phương). Trong khi đó, nhóm chỉ số chứng khoán tại Mỹ gồm S&P 500 Futures, Dow và Nasdaq Futures lần lượt tăng 0,4%, 0,4% và 0,2% trong phiên giao dịch đầu giờ ngày 27.3.
Vào đầu tháng 3.2023, các cơ quan quản lý Mỹ đã can thiệp và tiếp quản Silicon Valley Bank, nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ số tiền gửi không được bảo hiểm sau khi ngân hàng này sụp đổ do khách hàng rút tiền hàng loạt. Việc SVB, sở hữu số tài sản có tổng giá trị 209 tỉ USD, trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai nước Mỹ đã dấy lên những lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng. Trong một tuần qua, ngân hàng dành cho tiền mã hóa có trụ sở tại New York Signature Bank cũng tuyên bố phá sản và được cơ quan quản lý Mỹ tiếp quản.
Vào ngày 25.3, New York Community Bancorp đã chốt lại thỏa thuận mua lại Signature Bank, bao gồm 38 tỉ USD tài sản với mức chiết khấu 2,7 tỉ USD.