Với nhà sáng lập Mark Zuckerberg, metaverse sẽ là hướng đi giúp Facebook giải quyết được bài toán mạng xã hội này đang dần mất đi sức hút trong mắt giới trẻ.
Tỉ phú Mark Zuckerberg đã quan tâm và đầu tư không ít tiền vào metaverse (vũ trụ ảo). Chỉ tính riêng trong năm 2021, Facebook đã đầu tư hơn 10 tỉ USD, theo báo cáo doanh thu quý 3.2021 mạng xã hội lớn nhất thế giới gửi các nhà đầu tư. Chia sẻ với các nhà đầu tư trong cuộc hội nghị, ông chủ Facebook cho biết khoản tiền sẽ tăng qua từng năm.
Với Zuckerberg, metaverse, ý tưởng mới lạ của thung lũng Silicon sẽ vẽ nên tương lai của mạng xã hội bằng công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường) và VR (thực tế ảo). Đây cũng là hướng đi giúp công ty giải quyết được vấn đề hiện tại: mạng xã hội với hơn 3 tỉ người dùng toàn cầu đang dần mất đi sức hút trong mắt giới trẻ trong thập niên qua.
Công chúng cũng ngày càng quan tâm tới việc Facebook vi phạm luật chống độc quyền. Điều này đồng nghĩa công ty không thể thâu tóm đối thủ cạnh tranh tiềm năng khác (như đã làm với Instagram và cân nhắc mua lại TikTok cùng Snapchat) để giải quyết vấn đề.
Trong cuộc họp, Zuckerberg thừa nhận Facebook đang gặp khó trong việc giữ sức hút với người dùng trẻ tuổi. “Chúng tôi đang mài dũa lại các công cụ của mình để đặt giới trẻ làm kim chỉ nam phát triển”, ông cho biết, đồng thời cũng thừa nhận việc này sẽ ảnh hưởng tới nhóm người dùng lớn tuổi hơn. Nhóm người dùng này đã quá già với các doanh nghiệp có nhu cầu mua quảng cáo, đồng thời có xu hướng chia sẻ lan truyền thông tin sai sự thật – điều đã khiến Facebook khốn đốn.
Tuy giá trị khoản đầu tư mới được hé lộ, Facebook đã công bố rộng rãi về tham vọng dành cho metaverse. Zuckerberg sẽ thể hiện rõ ràng hơn dự định này và được cho là đang suy nghĩ về việc đổi tên công ty nhằm thể hiện định hướng tập trung vào metaverse. Sự “tái sinh” này có thể được công bố trong hội nghị Connect vào ngày 28.10 tới.
Facebook đã ra mắt một vài dòng kính thực tế ảo (VR) dưới thương hiệu Occulus công ty từng mua lại năm 2014. Công ty cũng từng giới thiệu phiên bản beta của nền tảng Horizon Words chỉ dành riêng cho những người có thư mời tham gia, với hi vọng sẽ khiến người dùng hào hứng với việc tạo ra một thế giới và các vật dụng ảo.
“Bạn sẽ cần bộ trang phục và công cụ ảo nếu ở trong metaverse. Trong 10 năm tới, mục tiêu của chúng tôi là đưa số người tham gia metaverse lên một tỉ và tạo ra hàng tỉ đô la lợi nhuận”, Zuckerberg chia sẻ với các nhà phân tích. Nhà sáng lập Facebook cho biết việc hình thành nền tảng là một chặng đường dài, qua đó cảnh báo Wall Street về việc bộ phận Reality Labs sẽ còn chịu lỗ trong nhiều năm tới.
Trên hết, Facebook có kế hoạch thay đổi cấu trúc báo cáo tài chính và chuyển đổi Reality Labs, đơn vị phụ trách chính cho dự án metaverse thành bộ phận chuyên biệt. Việc này thỏa hai mục đích: nếu metaverse thành hiện thực, báo cáo tài chính riêng biệt sẽ giúp cho những nhà đầu tư nắm rõ lộ trình phát triển của dự án. Còn ngược lại, Facebook vẫn sẽ có cơ hội đưa ra khả năng sinh lời từ các ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram.
Việc duy trì cả hai bộ phận sẽ tạo ra khó khăn và Facebook sẽ cần phải đưa ra giải thích phù hợp với những nhà đầu tư về khoản đền bù của thống kê tổng hợp. Điều này giúp các cổ đông tránh nhầm lẫn giữa việc chưa đem lại lợi nhuận của bộ phận VR với kết quả kinh doanh của Facebook hoặc Instagram.
Zuckerberg đã bổ nhiệm Andrew Bosworth, một người bạn lâu năm từng xây dựng nhiều tính năng đặc trưng của Facebook như NewsFeed và là thành viên cấp cao của Facebook, trở thành điều hành metaverse. Hiện Bosworth đang là phó chủ tịch của Reality Labs và sẽ thăng chức lên vị trí giám đốc công nghệ vào năm sau.
Metaverse đã thu hút sự chú ý từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Neal Stephenson vào năm 1992. Ban đầu, việc thương mại hóa công nghệ VR là một điều khó khăn. Cách đây 10 năm, Occulus đã phát triển mẫu kính VR đầu tiên. Tuy vậy, các phiên bản kính ra mắt sau khi công ty được Facebook mua lại lại tốn kém, bất tiện và không tích hợp ứng dụng phổ biến nào.
Các đối thủ cạnh tranh khác như Samsung và Google cũng tham gia vào đường đua, tập trung phát triển kính VR dành cho những mẫu smartphone. Tuy vậy chúng lại không đủ mạnh mẽ để đem lại đầy đủ trải nghiệm. Samsung, Microsoft và Sony đều có gần 2.000 bằng sáng chế công nghệ VR và AR, trong khi Facebook sở hữu gần 1.500 bằng sáng chế.
Magic Leap, một startup đặt tại Florida, từng kêu gọi được 4 tỉ USD trong 9 năm, nhưng đã thất bại khi chỉ có một sản phẩm ra mắt.
Facebook đã phải dùng khoảng 30 tỉ USD từ lợi nhuận hàng năm để thúc đẩy metaverse, nhưng Zuckerberg dường như không hề nản chí. “Chúng tôi tin tưởng metaverse sẽ tiếp nối mạng di động, mở ra một nền kinh tế sáng tạo khổng lồ và trở thành trụ cột quan trọng cho Facebook trong 10 năm tới”, ông cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
2 năm trước
Hypebeast lên kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq2 năm trước
Cách xây dựng thị trường xa xỉ trong metaverse