Ngày 8.12, quan chức các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã thống nhất những quy định quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện nhằm nỗ lực tiến hành giám sát pháp lý đối với công nghệ này.
Các nhà lập pháp EU đã đạt được thỏa thuận về những điều khoản chính của Đạo luật AI. Đây sẽ là đạo luật quản lý AI đầu tiên trên thế giới để cố gắng cho phép sử dụng công nghệ hữu ích mà vẫn ngăn ngừa được rủi ro.
Theo New York Times, thỏa thuận này được đưa ra sau ba ngày thảo luận tại Brussels, bao gồm phiên họp kéo dài 22 giờ từ 6.12 đến 7.12.
Những dự thảo trước của Đạo luật nhằm hạn chế cách cơ quan thực thi pháp luật, chính phủ và công ty dịch vụ như nhà cung cấp nước lẫn điện có thể sử dụng công nghệ này, đồng thời thực hiện yêu cầu các công ty AI lớn như OpenAI, Microsoft và Google phải minh bạch hơn.
Quy định còn yêu cầu hình ảnh tạo từ AI phải dán nhãn giống như Hoa Kỳ đang nỗ lực thực hiện.
Đạo luật này chưa thể chính thức có hiệu lực thi hành vì cần phải được 27 quốc gia thành viên nhất trí. Ngoài ra, nhiều chi tiết kỹ thuật vẫn cần được hoàn thiện.
Theo Reuters, Đức và Pháp đưa ra những đề xuất bao gồm yêu cầu công ty ghi lại quá trình đào tạo hệ thống, cũng như cho biết những bước công ty thực hiện để giảm thiểu rủi ro và tiến hành kiểm toán. Ngoài ra, hai quốc gia còn muốn cho phép các công ty tự điều chỉnh.
Vào năm 2018, EU đã bắt đầu thảo luận về những quy định quản lý AI. Ba năm sau, dự thảo đã đưa ra lấy ý kiến, nhưng những quy định không đề cập đến các mô hình “đa năng” như công cụ phổ biến ChatGPT và Bard của Google.
Trong khi đó, Hoa Kỳ nỗ lực giám sát AI, tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa nhất trí các quy định để có một luật toàn diện như Đạo luật AI trên. Cuối tháng 10, Nhà Trắng đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế rủi ro mà AI có thể gây ra.
“Thỏa thuận lịch sử,” ủy viên châu Âu Thierry Breton đăng trên X (Twitter) trong ngày 8.12. “Đạo luật không chỉ là quy phạm pháp luật mà còn là nền tảng cho nhà nghiên cứu cũng như startup ở EU dẫn đầu cuộc đua AI toàn cầu. Kỳ tích sẽ xảy ra.”
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Startup AI lo sợ sắc lệnh mới có thể bóp nghẹt sự sáng tạo
OpenAI thành lập bộ phận giám sát và quản lý AI