Ngày 15.5, các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu đã phê duyệt gói thầu khổng lồ trị giá 69 tỉ USD của Microsoft mua lại nhà phát triển trò chơi điện tử Activision Blizzard.
Đây có thể là một thỏa thuận sáp nhập lớn nhất trong ngành công nghệ nhiều thập niên qua. Chưa đầy một tháng trước đó, các cơ quan quản lý ở Vương quốc Anh không phê chuẩn thương vụ mua lại khổng lồ này vì lo ngại ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường.
Ủy ban châu Âu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, đã thông báo ủy ban sẽ chỉ phê duyệt thỏa thuận này sau khi Microsoft đồng ý cho phép người dùng chơi game Activision trên các dịch vụ đám mây khác.
Trong thông cáo, ủy ban cho biết Microsoft, nhà sản xuất máy chơi game Xbox, đồng ý “giải quyết tất cả” các mối lo ngại ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của cơ quan quản lý, tạo điều kiện dễ dàng cho Microsoft vì hiện hãng vẫn đang cạnh tranh với Nintendo và Sony, nhà sản xuất của PlayStation.
Thỏa thuận Microsoft mua lại Activision vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài EU: cơ quan Cạnh tranh và Quản lý thị trường của Vương quốc Anh, cơ quan giám sát chống độc quyền của Anh, thông báo sẽ ngăn cản thỏa thuận này vì lo ngại thương vụ sẽ kìm hãm sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp trò chơi trên nền tảng đám mây mới phát triển (Activision là công ty sản xuất trò chơi điện tử khổng lồ trong ngành, phát triển nhượng quyền trò chơi điện tử Call of Duty và World of Warcraft).
Microsoft cũng phải đối mặt với những rào cản pháp lý ở Hoa Kỳ, sau vụ kiện vào tháng 12 của ủy ban Thương mại Liên bang nhằm ngăn cản thỏa thuận này do những mối lo ngại về hành vi độc quyền vốn sẽ “ảnh hưởng” đến các đối thủ cạnh tranh của Xbox trong “một ngành kinh doanh trò chơi trên nền tảng đám mây và nội dung đang tăng trưởng nhanh” (Microsoft đang chống lại vụ kiện).
Mặc dù Microsoft hiện đã nhận được sự đồng ý từ EU nhưng sự chấp thuận này không mang lại cho công ty công nghệ khổng lồ bước tiến cuối cùng để hoàn tất thương vụ mua lại. Những nhượng bộ gần đây của Microsoft liên quan đến trò chơi trên nền tảng đám mây có thể giúp hãng đạt được nhiều tiến triển hơn trong việc kháng cáo ở Hoa Kỳ.
Nhưng theo New York Times lập luận đó có thể khó thuyết phục Anh vì cơ quan Cạnh tranh và Quản lý thị trường hiếm khi thay đổi quyết định. Còn The Verge đưa tin Microsoft sẽ tham gia phiên điều trần liên quan đến vụ kiện của FTC vào ngày 2.8, trong khi đó Microsoft có thể mất vài tháng kháng cáo quyết định của cơ quan quản lý Anh.
Đầu năm ngoái, Microsoft đã công bố thỏa thuận này, đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay. Sau khi nghe thông báo trên, các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả Sony đều lo ngại đồng thời cho biết công ty sợ rằng hãng sẽ ngăn cản người dùng PlayStation chơi game Activision.
Để giải quyết mối lo ngại này, Microsoft đề nghị một thỏa thuận kéo dài 10 năm với Sony hồi tháng 12 để cung cấp các bản phát hành Call of Duty của Activision cùng lúc trên cả hai máy chơi game, trong khi đó chủ tịch Brad Smith của Microsoft lập luận rằng điều đó sẽ “tốt cho những người chơi game” trong bài bình luận đăng trên Wall Street Journal.
Tuy nhiên, mối lo ngại chính của cơ quan quản lý đối với thỏa thuận này bắt nguồn từ sự ra đời của trò chơi trên đám mây, mang đến cho người chơi chọn lựa các game điện tử trực tuyến phổ biến mà không phải mua máy chơi game đắt tiền như Xbox, PlayStation hoặc Nintendo Switch.
Tháng trước, cơ quan quản lý của Anh cho rằng thương vụ mua lại của Microsoft sẽ “có nguy cơ làm mất dần sự đổi mới này” vì người chơi không còn sự lựa chọn này khi chơi game do Activision sản xuất, cũng như “làm thay đổi tương lai của thị trường trò chơi trên nền tảng đám mây đang phát triển nhanh,” cho dù Microsoft bác bỏ tuyên bố đó.
Ủy ban châu Âu cũng nhận thấy thỏa thuận này có thể không “ảnh hưởng nhiều đến sự cạnh tranh trên thị trường máy chơi game,” ít nhất là ở châu Âu, ngay cả khi Microsoft ngừng cung cấp game Activision trên PlayStation.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Microsoft đánh cược tương lai vào trí tuệ nhân tạo
Microsoft công bố lợi nhuận cao hơn kỳ vọng của phố Wall
2 năm trước
6 tháng trước
Microsoft điều chỉnh dịch vụ Xbox Game Pass