Doanh nghiệp

EQT mua lại Baring Private Equity Asia với giá 7,5 tỉ USD

2 năm trước
Tác giả Kevin Dowd

Quỹ đầu tư EQT ở Thụy Điển mua lại Baring Private Equity Asia ở Hong Kong để tăng tốc mở rộng thị trường sang châu Á.

Share
this:

EQT là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất ở châu Âu, hiện đang cố gắng thành công ở một lục địa khác.

Ngày 16.3, quỹ đầu tư Thụy Điển đã đồng ý mua lại Baring Private Equity Asia với giá 7,5 tỉ USD, một ví dụ hiếm hoi về công ty cổ phần tư nhân mua công ty cổ phần tư nhân khác cho tham vọng mở rộng thị trường toàn cầu của EQT. Có trụ sở ở Hong Kong, BPEA là công ty lớn trong khu vực cùng tên với nhiều thương vụ nổi tiếng trong hai thập niên qua và sở hữu khối tài sản 19,5 tỉ USD. Thương vụ mua lại sẽ nâng tổng tài sản EQT đang quản lý lên khoảng 100 tỉ USD, chỉ xếp sau CVC Capital Partners ở châu Âu.

Đây là thương vụ mới nhất trong kế hoạch EQT tăng tốc mở rộng thị trường kể từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2019. Theo Refinitiv, châu Á gần đây đã trở thành như một điểm nóng về cổ phần tư nhân, với toàn bộ hoạt động mua bán và sáp nhập trong khu vực tăng gần 50% vào năm ngoái. Khi EQT khảo sát tình hình, công ty đã quyết định mua một nhà đầu tư khác là cách tốt nhất để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Christian Sinding, CEO của EQT cho biết: “Chúng tôi nhận ra để có thể phát triển quy mô đó ở châu Á có lẽ sẽ mất 10 năm nữa.”

EQT và CEO Christian Sinding đang tăng cường mở rộng hoạt động vào châu Á thông qua một thương vụ mua lớn. Ảnh: © 2021 Bloomberg Finance LP/Forbes

BPEA hoàn toàn phù hợp. Sinding cho biết cả hai công ty đều tập trung đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ và công nghệ công nghiệp. EQT cũng bị thu hút bởi thành tích lâu dài lẫn năng lực gây quỹ của BPEA, bao gồm cả vòng gọi vốn 6,5 tỉ USD kết thúc hồi năm 2020.

EQT đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Thông qua đợt IPO, EQT trở thành công ty cổ phần tư nhân lớn đầu tiên trong nhiều năm tiếp cận thị trường đại chúng. IPO thành công. Kể từ đó, giá cổ phiếu của công ty đã tăng khoảng 288%, tăng vốn hóa thị trường lên khoảng 34 tỉ USD- gần gấp đôi vốn hóa thị trường của The Carlyle Group và chỉ kém Apollo Global Management vài tỉ đô la Mỹ.

BPEA là thương vụ mới nhất cũng lớn nhất trong các thương vụ mua lại gần đây. Tháng 1 năm ngoái, EQT mua lại Exeter Property Group với giá gần 1,9 tỉ USD, bổ sung thêm một nhà quản lý đầu tư bất động sản với tài sản trị giá 10 tỉ USD. Trong tháng 11, công ty trả 525 triệu USD để mua LSP, công ty mạo hiểm tập trung vào việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe.

Nhờ vào sự tăng trưởng đó, EQT đa dạng hóa các khoản đầu tư và tăng cường đổi mới sáng tạo. Công ty cũng mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ, lĩnh vực mà nhiều chuyên gia về cổ phần tư nhân đã xác định là lĩnh vực gây quỹ tuyệt vời tiếp theo.

“Nhờ quy mô tăng, chúng tôi có khả năng tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kỹ thuật số, AI, cùng với dự án liên quan đến tính bền vững — bất cứ lĩnh vực  cần thiết để giúp công ty lẫn tài sản tăng nhiều,” Sinding nói. “Và cũng để hướng đến phát triển thành một thương hiệu toàn cầu khi kênh tài sản tư nhân trở nên rất quan trọng. Chúng tôi biết rất rõ lượng vốn khổng lồ sẽ được chuyển từ tài sản tư nhân vào vốn cổ phần tư nhân trong 10 năm tới.”

Trở thành công ty đại chúng là một cách khác để xây dựng thương hiệu toàn cầu. Và địa vị công ty đại chúng của EQT là rất quan trọng để có thể thực hiện thỏa thuận với BPEA.

“Sẽ không thể thực hiện được nếu không trở thành công ty đại chúng,” Sinding nói. “Trở thành công ty đại chúng giúp chúng tôi kêu gọi được đầu tư để có được nguồn vốn mạnh hơn vì vậy chúng tôi thực sự có thể tài trợ cho những sáng kiến mới này. ”

Không giống như các công ty như Carlyle và Apollo nhận được ngày càng nhiều tín dụng tư nhân, EQT hầu như chỉ tập trung vào các chiến lược sở hữu cổ phần trực tiếp trong công ty. EQT cho biết thương vụ mua lại trong ngày 16.3 sẽ giúp trở thành công ty lớn thứ ba trong thị trường đầu tư tích cực toàn cầu, sau Blackstone và KKR.

EQT có kế hoạch chuyển đổi BPEA thành công ty ở châu Á thực hiện các hoạt động tương tự ở châu Âu và Bắc Mỹ. Jean Salata, CEO lâu năm của BPEA, sẽ gia nhập vào EQT với vai trò giám đốc bộ phận kinh doanh ở toàn khu vực Châu Á, hiện sẽ hoạt động với tên gọi BPEA EQT Châu Á. Salata là công dân Chile đã lãnh đạo công ty kể từ khi tiến hành mua lại quyền quản lý hồi năm 2000. Với giá trị tài sản ròng khoảng 2,9 tỉ USD, ông là nhà đầu tư cổ phần tư nhân giàu nhất ở Hong Kong, theo danh sách Người giàu Hong Kong mới nhất của Forbes.

EQT được thành lập vào năm 1994 với sự hậu thuẫn từ Investor AB, công ty mẹ của triều đại ngân hàng Wallenberg hùng mạnh ở Thụy Điển. Giá cổ phiếu đóng cửa của công ty trong ngày 16.3 ở Stockholm tăng khoảng 12%, thể hiện tín hiệu lạc quan của nhà đầu tư về việc tiếp quản BPEA.

BPEA đã tiến hành một số thương vụ mua lại lớn vào năm ngoái, bao gồm thương vụ mua bán tư nhân trị giá 2 tỉ USD của Virtusa và thương vụ mua Tricor từ Permira với giá gần 2,8 tỉ USD. Công ty đang tiếp tục kêu gọi đầu tư sau vòng gọi vốn lần đầu kết thúc hồi tháng 9.

Biên dịch: Gia Nhi