Startup Endowus đã huy động thành công 35 triệu USD với mục tiêu mở rộng dịch vụ quản lý tài sản tại thị trường Hong Kong.
Hôm 9.8, Endowus – công ty khởi nghiệp về quản lý tài sản có trụ sở tại Singapore, nhận hậu thuẫn tài chính từ quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore EDBI – thông báo đã hoàn tất vòng gọi vốn mới, với số vốn huy động 35 triệu USD. Lần gọi vốn này có sự tham gia từ các nhà đầu tư mới gồm Citi Ventures, MUFG Innovation Partners và bốn gia đình tỉ phú tại châu Á.
Vòng gọi vốn trên còn có sự tham gia từ nhóm nhà đầu trước đó gồm UBS Next, Prosus Ventures, Lightspeed Venture Partners và Singtel Innov8. Qua đó, nâng tổng số vốn mà công ty sáu năm tuổi nhận về lên 95 triệu USD. Endowus từ chối tiết lộ mức định giá mới nhất.
“Các nhà đầu tư hiện nay hướng tới những giải pháp dựa trên dữ liệu và ưu tiên kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu về lối sống và quản lý tài sản. Với công nghệ mạnh mẽ và sản phẩm có sự đổi mới, đội ngũ Endowus đã phát triển thành công nền tảng quản lý tài sản hàng đầu thị trường và đặt nền móng cho thành công trong tương lai,” Everett Leonidas, giám đốc Citi ventures khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết trong thông cáo báo chí về vòng gọi vốn mới nhất của Endowus.
Từng năm trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch năm 2022, Endowus cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư thông qua trang web và ứng dụng do công ty này phát triển. Trên nền tảng của Endowus, người dùng có thể quản lý tài sản tiết kiệm hoặc đóng góp vào các chương trình hưu trí, chẳng hạn như Quỹ tiết kiệm trung ương của Singapore. Endowus, có số tài sản được tư vấn (AUA) hơn 5 tỉ USD, cho biết doanh thu trong năm 2022 tăng 80% sau khi công ty hoàn tất việc mua lại quỹ quản lý tài sản nhiều gia đình (MFO) Carret Private hồi tháng 10.2022.
Hướng tới tương lai, Endowus đặt mục tiêu mở rộng quy mô tại Hong Kong, nơi công ty bắt đầu hoạt động từ tháng 4.2023. Tại đây, công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn về quản lý tài sản kỹ thuật số, bao gồm nền tảng độc lập chỉ thu phí từ khách hàng, giúp các nhà đầu tư tiếp cận danh mục 15 mô hình đa quỹ. Endowus cũng cung cấp nền tảng tự quản lý có tên gọi Fund Smart, với hơn 200 quỹ từ 40 nhà quản lý quỹ, và dịch vụ quản lý tài sản tư nhân dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Chúng tôi đang có vị thế vững chắc tại Singapore và mở rộng sang những thị trường mới trên thế giới, với nguồn nhân lực và công nghệ mạnh mẽ này. Chúng tôi đã phát triển nền tảng công nghệ dành riêng cho việc hoạt động tại Hong Kong, với chiến lược tiếp cận thị trường rất khác so với Singapore. Kết quả là chúng tôi đã có nhiều khoản đầu tư và nhận về những phản hồi ban đầu rất tích cực từ khách hàng,” Samuel Rhee, đồng sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Endowus, cho biết trong buổi phỏng vấn với Forbes Asia.
Các công ty tham gia lĩnh vực công nghệ quản lý tài sản (wealthtech), ứng dụng công nghệ trong quản lý tài sản, có thể đối mặt với nhiều thách thức từ những đối thủ đã khẳng định chỗ đứng.
Theo báo cáo về lĩnh vực Fintech toàn cầu của Boston Consulting Group và QED Investors đưa ra hồi tháng 5.2023, thị trường tiềm năng dành cho những công ty wealthtech vẫn còn hạn chế, vì các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao có thể phụ thuộc nhiều hơn vào tư vấn của con người và sản phẩm kém thanh khoản, bên cạnh những yếu tố khác.
Theo sau đại dịch COVID-19, các startup wealthtech đã thu hút những nhà đầu tư tại châu Á. Vào tháng 11.2022, ADDX, sàn giao dịch chứng khoán sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) có trụ sở tại Singapore, đã huy động thành công gần 20 triệu USD để tiếp tục phát triển nền tảng quản lý tài sản cho khách hàng tổ chức.
Trước đó, hồi tháng 6.2022, startup Fintech có trụ sở tại Việt Nam Finhay đã huy động thành công 25 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B do Openspace Ventures (OSV) và Vietnam Investments Group (VI Group) đồng dẫn dắt.
Trong năm 2021, sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến của Indonesia, Ajaib đã trở thành kỳ lân công nghệ sau khi huy động thành công 153 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B, nhận về mức định giá hơn 1 tỉ USD.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 tháng trước
Singapore hy vọng tăng trưởng 1% – 3% GDP năm 2025