Kinh doanh

Ecomine muốn trở thành mỏ sapphire trung hòa carbon đầu tiên

Đưa ra nhiều giải pháp khai thác bền vững, Ecomine đặt mục tiêu trở thành mỏ sapphire trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới.

Share
this:

Ngành đá quý và trang sức đang hướng đến mục tiêu khai thác bền vững, thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo an toàn cho thợ mỏ.

Những giải pháp này đang được các chuyên gia triển khai tại Ecomine, mỏ sapphire rộng 8.093 m2 ở Palmadulla (Sri Lanka).

Tổ hợp Ecomine có tiềm năng trở thành mỏ sapphire trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới, với mô hình tuân thủ những chuẩn mực đạo đức và có khả năng nhân rộng trên toàn cầu.  

Ecomine ở Sri Lanka nằm trong khu vực nổi tiếng với trữ lượng sapphire màu tuyệt vời. Ảnh: Ecomine/ Forbes

Là dự án cộng đồng về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và khai thác bền vững, nhiều chuyên gia ở Ecomine hiện đang tích cực hỗ trợ, hướng đến xây dựng một cộng đồng khai thác mỏ bền vững ngay cả khi sản lượng đá quý giảm.

Tổ hợp này được một nhóm kỹ sư người Sri Lanka và Đức, phối hợp với các nhà tư vấn nông nghiệp, các chuyên gia quản lý bền vững thiết kế. Hiện Ecomine có 8 nhân công, đều là những trụ cột trong gia đình.

Tại đây, khu nhà ở dành cho công nhân khai thác mỏ không chỉ được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu mà còn có khu nhà kính và hệ thống aquaponic (kết hợp nuôi cá và trồng cây) dùng năng lượng mặt trời. Hiện nhà kính có trang trại cá koi và rô phi, giúp thợ mỏ kiếm thêm thu nhập.

Tổ hợp Ecomine gồm khu nhà kính, mỏ khai thác, nhà cộng đồng, và hệ thống năng lượng mặt trời. Ảnh: Ecomine/ Forbes 

Vợ của các thợ mỏ sẽ phụ trách nuôi và bán cá, góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào hiệu quả khai thác sapphire.

Johannes Joost, chuyên gia người Đức, đã tới Sri Lanka để giúp xây dựng hệ thống aquaponic cho Ecomine. Ông cũng nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia nông nghiệp Chiranjaya Pathirana, người phụ trách việc lắp đặt và thả giống ở các bể cá.

Nằm cách thủ đô Colombo của Sri Lanka khoảng ba giờ về phía đông nam, Ecomine là dự án của công ty kinh doanh đá quý CEYLONS Munich (Đức). Công ty được thành lập vào năm 2016 để sản xuất và bán lẻ đá quý cho các đơn vị kinh doanh kim hoàn, các xưởng gia công trang sức.

CEYLONS Munich sẽ giới thiệu những viên sapphire màu được khai thác ở Ecomine trong triển lãm Đá quý Tucson vào năm 2024. Ảnh: CEYLONS Munich/ Forbes

Công ty nổi tiếng về đá sapphire chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng và được khai thác bền vững. Ngoài ra, công ty còn được chú ý đến nhờ cam kết về chuỗi cung ứng minh bạch, các sáng kiến thân thiện với môi trường.

Với mong muốn thay đổi ngành công nghiệp đá quý, CEYLONS Munich đã triển khai nhiều hoạt động khai thác bền vững trong ngành trang sức xa xỉ.

Peter Janowski và Leander Schorr cùng đối tác liên doanh, Mewan Gunawardena, là những nhà đồng sáng lập Ecomine. Janowski và Schorr cũng đồng sở hữu CEYLONS Munich.

Gunawardena, chủ ngân hàng người Sri Lanka, giải thích trong email: “Chúng tôi mong muốn thay đổi hoạt động buôn bán đá quý bằng cách thúc đẩy tính minh bạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng khai thác mỏ ở quê hương.”

“Kỹ sư Sudaththa Ariyasena giúp chúng tôi lập trình, tìm cách tối ưu hệ thống năng lượng mặt trời. Ruchira Herath, kỹ sư xây dựng, thì hỗ trợ thiết lập hệ thống lọc nước,” Gunawaderna nói thêm.

Những thợ mỏ và nhà sáng lập Ecomine cam kết biến dự án thành mỏ sapphire màu đầu tiên trên thế giới trung hòa carbon. Ảnh: Ecomine/ Forbes

“Ecomine cam kết giảm khí thải carbon trong hoạt động khai thác nhờ sử dụng 100% năng lượng tái tạo, chủ yếu dùng năng lượng mặt trời và thủy điện,” ông cho biết.

“Thông qua những tấm pin mặt trời hiện đại, tổ hợp tạo ra được nguồn điện dùng cho hoạt động khai thác. Ngoài giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, năng lượng mặt trời cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính, từ đó góp phần bảo vệ môi trường,” ông nói.

Ngoài ra, máy bơm nước dùng năng lượng mặt trời cũng làm giảm ô nhiễm tiếng ồn.

Nhà kính với hệ thống aquaponic ở Ecomine giúp thợ mỏ kiếm thu nhập khi tạm ngừng khai thác sapphire trong mùa mưa. Ảnh: Ecomine/ Forbes

Peter Janowski cho biết: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu hoạt động và khai thác không phát thải carbon, duy trì điều kiện làm việc sạch sẽ, an toàn, đồng thời tạo thêm nhiều nguồn thu nhập cho thợ mỏ và gia đình họ, cũng như xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.”

“Khu vực này nổi tiếng về những viên sapphire lớn với chất lượng rất cao. Bước đầu, dự án cộng đồng đã mang lại những kết quả hứa hẹn,” ông nói với Forbes.

Là một nhà tư vấn quản lý chiến lược, chuyên về phát triển bền vững và số hóa, Janowski có bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật của đại học Nottingham (Anh) và từng làm trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

“Với Ecomine, chúng tôi cam kết tạo ra những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Chúng tôi đặt ra mục tiêu tối ưu hóa hệ thống Aquaponic để phù hợp với điều kiện môi trường tại địa phương và mang lại sản phẩm chất lượng cao,” Janowski giải thích.

Đối tác người Sri Lanka và các thành viên của CEYLONS Munich gặp nhau tại nhà cộng đồng ở Ecomine. Ảnh: CEYLONS Munich/ Forbes

Ecomine thuê vợ của một trong những thợ mỏ, Samantha Jayasinghe, để điều hành hoạt động nuôi trồng thủy sản. Họ sống cách mỏ 100 m trong những ngôi nhà tre.

Từ tháng 1.2023 đến ngày 20.12.2023, những nhà sáng lập Ecomine đã nhận được số tiền hỗ trợ lên tới 36.725 EUR (40.431 USD) thông qua chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Chiến dịch vẫn đang tiếp tục vì dự án cần tới 100.000 EUR (110.098 USD) để duy trì hoạt động.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ của viên sapphire xanh Sri Lanka. Ảnh: CEYLONS Munich/ Forbes 

“Khi dự án thành công, chúng tôi sẽ liên hệ với chính phủ Sri Lanka. Khai thác bền vững như cách chúng tôi đang thực hiện có thể mang lại lợi ích cho người dân tại đây, cho môi trường và ngành đá quý, trang sức toàn cầu. Chúng tôi dự định đề xuất chính phủ thay đổi một số quy định về khai thác mỏ,” Janowski nói.

Biên dịch: Gia Nhi

————————

Xem thêm:

Kinraden tăng trưởng nhờ thiết kế trang sức bền vững
Những bộ trang sức đẹp nhất tại Liên hoan phim Cannes