Tài chính

ECB có thể sắp giảm lãi suất trong những ngày tới

2 tuần trước
Nguồn: Yahoo News

Theo một số nguồn tin, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự tính giảm lãi suất trong tuần này, giữa bối cảnh triển vọng tăng trưởng u ám và bất ổn chính trị ở 2 nền kinh tế lớn nhất.

Share
this:

Nếu diễn ra, đây là lần cắt giảm thứ ba liên tiếp của ECB, nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay, tiêu dùng và đầu tư tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt – Ảnh: CFI

Từ giữa năm 2022, ECB tăng lãi suất mạnh để kìm chế giá năng lượng và thực phẩm, nhưng gần đây tình trạng giảm phát và kinh tế khu vực eurozone tăng trưởng chậm, khiến cho việc hạ lãi suất trở thành ưu tiên.

Dữ liệu kinh tế không lạc quan tạo ra suy đoán rằng, ECB sẽ giảm lãi suất sớm, có thể vào ngày 12.12 tới. Mức cắt giảm giống lần trước là 0,25%. Theo Capital Economics, mặc dù có lý do để ECB mạnh tay giảm 0,5%, nhưng phần lớn thành viên dường như ưu tiên thận trọng.

Nếu giảm 0,25%, lãi suất của ECB sẽ dừng ở 3%. Nhiều quan chức EU thời gian qua lo ngại về tăng trưởng yếu, muốn ECB thay đổi chính sách, không nên quá tập trung vào giảm lạm phát.

Lạm phát của eurozone đạt đỉnh 10,6% cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine, cộng với tác động tiêu cực từ Covid-19 chưa được khắc phục. Ví dụ đứt gãy các chuỗi cung ứng. Lạm phát trở lại mục tiêu 2% tháng 9.2024 nhưng tăng lại lên 2,3% vào tháng 11.

Trong bài phát biểu tuần trước tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy, tăng trưởng sẽ yếu hơn trong ngắn hạn, do sự chậm lại của lĩnh vực dịch vụ và sản xuất hàng hóa.

Phát biểu trên báo hiệu ECB có thể thay đổi lãi suất. Tuy nhiên, trở ngại về chính trị đang làm tăng khó khăn cho Ngân hàng Trung ương có trụ sở tại Frankfurt này.

Đức – nền kinh tế đầu tàu, đang hướng tới cuộc bầu cử vào tháng 2.2025, sớm hơn bảy tháng so với dự kiến, sau khi liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào tháng 11. Ngay cả trước khi có biến động chính trị, kinh tế Đức cũng chật vật với suy thoái lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng yếu. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho toàn bộ khu vực eurozone.

Chính phủ của Thủ tướng Pháp Michel Barnier sụp đổ chỉ sau hai tháng. Ảnh: NDTV

Tại Pháp – nền kinh tế số hai, Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức sau khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn chính trị kéo dài hơn một năm qua.

Nếu quyết định giảm lãi suất của ECB được thông qua ngày 12.12, nó sẽ diễn ra trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khoảng một tuần. Thị trường cũng kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm khoảng 0,25% lãi suất.

Ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng, được cho cũng ảnh hưởng đến cuộc họp của ECB. Một số quan chức cảnh báo, nếu Hoa Kỳ áp thuế như vị cựu Tổng thống đe dọa, kinh tế EU sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

ECB từ lâu nhấn mạnh, quyết định của họ được đưa ra dựa trên số liệu của nền kinh tế. Bà Lagarde cam kết sẽ không đi theo bất kỳ lộ trình cụ thể nào.

Ngân hàng HSBC dự báo, sau đợt cắt giảm lãi suất ngày 12.12, năm 2025 ECB sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm nữa.

(Biên dịch: NVP)