Start-up

Đưa truyền hình lên mạng xã hội chinh phục streamer

3 năm trước
Tác giả Tuyết Ân

Startup của nhóm Phạm Ngọc Duy Liêm tạo ra nền tảng phát video trực tuyến đa kênh, khai thác tối đa nội dung trên các mạng xã hội.

Share
this:

Có ba tài khoản trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook và YouTube, chị Nguyên Thanh thường xuyên phát nội dung có tích hợp ứng dụng, game hiệu ứng để thu hút người dùng tương tác. Mọi việc với người điều hành nhóm cộng đồng quan tâm nội dung liên quan cha mẹ và trẻ trở nên đơn giản hơn khi phát qua GoStudio.

Chỉ cần một máy tính xách tay kết nối Internet, thông qua nền tảng GoStudio, chủ tài khoản có thể phát nội dung như một đài phát hình. Các phản hồi được đo lường và kiểm soát, kể cả gửi trực tiếp đến những người trong mạng kết nối. Chị nói: “Chi phí hằng tháng khoảng 1,7 triệu đồng, là khoản ‘không tưởng’ nếu chạy trên các kênh truyền thống.”

Về bản chất, có thể xem GoStudio là một cầu truyền hình trên mạng xã hội. Thay vì phát sóng từ trường quay, nội dung được phát trực tiếp, phát qua video call và có thể phát đồng thời trên sáu nền tảng như Facebook, Twitter, YouTube, Tik Tok… Trong giai đoạn thương mại điện tử phát triển, cộng với các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng tỉ người dùng trên thế giới, các công cụ hỗ trợ bán hàng qua mạng và cung cấp các nội dung qua video có cơ hội phát triển lớn. “Cách chúng tôi làm là tìm trên truyền hình những gì phù hợp có thể chuyển lên mạng xã hội,” Phạm Ngọc Duy Liêm, một trong ba nhà sáng lập GoStream giải thích về việc lựa chọn phát triển các nền tảng GoStream và GoStudio. 

Tại Việt Nam, theo số liệu của GoStream mỗi tháng có hơn hai triệu phiên livestream với hơn 50 ngàn nhà bán hàng. Trung bình mỗi ngày GoStream hỗ trợ khoảng 40 ngàn phòng bán hàng với cả trăm ngàn lượt phát. Liêm cho biết, số tài khoản đăng ký hiện gần 700 ngàn (cho cả hai dịch vụ GoStream và GoStudio), khoảng 8.000 tài khoản trả phí mang lại cho họ doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi tháng, 90% là người dùng trong nước, phần còn lại là các nhà bán hàng từ Đông Nam Á và Ấn Độ. 

“Họ đã đưa ra một khái niệm mới trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến đa kênh ‘video sales system’, cho phép các nhà bán hàng khai thác tối đa nội dung video bán hàng trên các nền tảng khác nhau để tạo ra doanh số,” ông Hoàng Đức Trung – giám đốc điều hành VinaCapital Ventures, nơi tham gia đầu tư vào GoStream vòng hạt giống và vòng series A, nói. Mô hình này được xem có tiềm năng ở Việt Nam và có thể mở rộng ra Đông Nam Á và thế giới trong bối cảnh hệ thống phân phối toàn cầu đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi COVID-19.

GoStream, theo giải thích của Liêm, như một kênh TV shopping trên mạng xã hội. Những năm 2010 có hơn 20 kênh TV shopping ở Việt Nam, có kênh phát suốt ngày. Tổng doanh thu một năm của các kênh này có lúc vượt cả chục ngàn tỉ đồng. Khi mạng xã hội phát triển, TV shopping bộc lộ các nhược điểm như tương tác một chiều, bán hàng và chốt đơn qua cuộc gọi; người bán khó cá nhân hóa nội dung theo kênh trực tiếp. “Nghiên cứu cho thấy đó là thị trường với quy mô hấp dẫn, có sẵn người mua và người bán, chúng tôi phát triển công cụ để họ dễ dàng thiết kế video và phát bất cứ lúc nào, trên bất kỳ nền tảng nào,” Liêm kể.

GoStream
Từ trái sang: Phạm Ngọc Duy Liêm, Nguyễn Trọng Hoàn và Nghiêm Tiến Viễn.

Năm 2017, Liêm cùng hai đồng sáng lập Nghiêm Tiến Viễn và Nguyễn Trọng Hoàn bắt tay phát triển GoStream, một nền tảng cho phép phát trực tiếp (livestream) hoặc chuyển những video quay sẵn thành các dạng livestream trên các mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Là ứng dụng dễ dùng, người dùng không cần cài phần mềm và dễ dàng tiếp cận lượng lớn người xem từ nhiều nền tảng, giúp họ phát triển cộng đồng trung thành với kênh bán hàng hoặc nội dung video họ cung cấp.

Người bán tương tác trực quan, có thể trả lời, chốt đơn hàng và xử lý trực tiếp. Trước đó, streamer bán hàng chỉ có thể phát trực tiếp trên Facebook, không chủ động thời gian. Hoặc ứng dụng các phần mềm trên máy tính để phát khá phức tạp, phù hợp với người có hiểu biết nhất định về kỹ thuật.

Sự mới mẻ của GoStream nhanh chóng thuyết phục streamer, chưa đầy nửa năm hàng trăm ngàn tài khoản tham gia phát sóng. Thời điểm đó, có rất ít sản phẩm tương tự. Khi thị trường được định hình rõ nét, GoStream có độ phủ tương đối tốt, quy mô đủ lớn để có được mức phí thấp. Năm 2019, GoStream ở vị trí thứ năm trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream trên Facebook nhiều nhất thế giới tính trong 30 ngày.

Nhóm của Liêm tiếp tục quan sát sự thoái trào của các gameshow truyền hình do giới trẻ muốn trở thành thành viên gameshow hơn là người xem. Từ thành công “kéo người” mua hàng từ tivi qua mạng xã hội, họ tiếp tục phát triển GoStudio, hỗ trợ sự dịch chuyển mô hình gameshow lên mạng xã hội.

Sản phẩm vô địch cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) 2020 nhưng ý tưởng được các nhà sáng lập thai nghén từ cuối 2017. Hồi đầu năm nay, VinaCapital Ventures công bố đầu tư một triệu đô la Mỹ để mở rộng quy mô cho GoStudio. Sau khi đoạt giải nhất Techfest 2020 tại Việt Nam, nhóm của Liêm đang chuẩn bị đưa GoStudio đến vòng chung kết Techfest thế giới 2021.

Họ ra mắt dịch vụ năm 2018, thuộc loại sớm trên thế giới. Lúc đó, các phần mềm phát trực tiếp được cài vào máy tính với nhiều công ty cung cấp sừng sỏ. GoStudio chọn hướng web, hỗ trợ người dùng không cần cài đặt, chỉ cần vài thao tác có thể phát, dễ dàng tương tác và xử lý theo thời gian thực. Do trình duyệt web thời điểm đó chưa thể tối ưu cho việc livestream, khiến máy tính quá tải khi phát đến 60 phút.

Vấn đề khó khăn nữa là GoStudio được thiết kế với nhiều lớp (layer) để người dùng có thể chèn video, hiệu ứng hay game… nên băng thông phải lớn, cần phần cứng máy tính mạnh. Theo Liêm, lúc đó trên thế giới chỉ vài công ty quan tâm mảng này nhưng chỉ làm 1-2 layer, trong khi họ quá nhiều layer nên ngốn hạ tầng gấp bội. Sản phẩm chỉ phù hợp với số ít khách hàng có tài nguyên mạnh sử dụng như VTV Cable, Tiki, Yeah1!… “Số khách hàng có hạ tầng phù hợp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi không ‘đánh’ được thị trường rộng,” Liêm nói.

Phạm Ngọc Duy Liêm: “Cách chúng tôi làm là tìm trên truyền hình những gì phù hợp có thể chuyển lên mạng xã hội.”

Khi nhóm kỹ thuật tìm cách giải quyết hạn chế thì cuối năm 2019, StreamYard, một startup tại Mỹ ra đời với mô hình tương tự nhưng băng thông tối ưu, trên cùng một livestream họ chỉ tốn băng thông bằng 1/10 và bộ xử lý CPU chỉ bằng 1/3. Đại dịch COVID-19 giúp StreamYard bứt tốc, sau 12 tháng họ đạt chín triệu lượt phát sóng và lợi nhuận hơn 30 triệu đô la Mỹ chỉ với đội ngũ chưa tới 20 người. Đầu năm nay, startup sự kiện trực tuyến Hopin chi 250 triệu đô la Mỹ mua lại StreamYard. “Trung bình mỗi tháng họ có tám triệu lượt người dùng trong khi chúng tôi ra trước cả năm mỗi tháng mới vài chục ngàn,” Liêm chia sẻ.

Đi trước về sau khiến đội của Liêm bị áp lực tối ưu trong thế rượt đuổi. Giữa năm 2020, GoStudio hoàn thiện và phổ biến thì phần lớn streamer Việt Nam đã dùng StreamYard, khiến họ rơi vào thế phải cạnh tranh ngược trên sân nhà. Bài học với Liêm: về công nghệ người Việt không thua kém, dự đoán được xu hướng thị trường và sản phẩm ra được theo kế hoạch. “Nhưng thua là về tầm nhìn lãnh đạo như tôi, thiếu tham vọng thống lĩnh thị trường, nhìn nó vẫn còn xa, lại xác định loanh quanh trong nước nên không đặt áp lực lên đội ngũ để sản phẩm đủ tầm ra thế giới,” Liêm nói.

Liêm so sánh, khi sản phẩm chưa xong thì rất cần cù nhưng sau đó tối ưu lại rất chậm. Việc giải bài toán từ 0 đến 1 rất nhanh, nhưng từ 1 đến 2-3 luôn chậm lại. Trong khi sản phẩm của các công ty nước ngoài ra xong, phần tối ưu rất nhanh và tốt hơn từng ngày. Mất 24 tháng để GoStudio hoàn thiện được nền tảng vận hành trong khi đối thủ chỉ mất 12 tháng. “Khi gặp sức ép, việc tối ưu chỉ trong vòng ba tháng, trong khi trước đó chúng tôi tự nghĩ không làm được, vì vậy trở nên đi sau trên thị trường,” Liêm nói.

Ông Hoàng Đức Trung đánh giá, khi đầu tư vào GoStudio, họ so sánh với nền tảng phát video trực tuyến StreamYard. StreamYard tập trung vào tính năng Video Conference trên livestream, trong khi GoStudio phát triển theo hướng Broadcasting Software dạng phần mềm như dịch vụ (SaaS), cung cấp trọn bộ giải pháp livestream, không chỉ ở tính năng Video Conference mà mở rộng sang livestream nhiều camera, chèn video, bán hàng, chơi game… “GoStudio đem lại sự linh hoạt, thỏa sức sáng tạo cho streamer, đem lại các khung hình chuyên nghiệp ngay trên livestream chỉ với laptop và webcam, đây là một kỹ thuật khó đã được đội ngũ GoStream phát triển và làm chủ,” ông Trung cho biết.

Liêm xác định GoStudio là giải pháp chính để họ ra thế giới. Nếu như bán hàng qua livestream phổ biến ở Đông Nam Á hay Trung Quốc thì ở thế giới cần nhu cầu live để chia sẻ thông tin, hội thảo, đào tạo, ra mắt sản phẩm. Họ định vị trở thành phần mềm phát live đa nền tảng “chỉ cần dùng một GoStudio phát khắp mọi nơi”. Đó là thị trường mang tính toàn cầu, “phần mềm streamer” cho người có nhu cầu phát nội dung trực tuyến lên đa nền tảng. Trên thị trường hiện một tài khoản cao cấp (account) của StreamYarh trả phí 49 đô la Mỹ/tháng so với GoStudio là 39 đô la Mỹ; với một tài khoản thông thường 25 đô la Mỹ và 10 đô la Mỹ. 

GoStream
Một doanh nghiệp Thái Lan đang livestream trên nền tảng GoStudio.

Là kỹ sư viễn thông, sau khi ra trường năm 2004, Liêm có 10 năm phụ trách kinh doanh hạ tầng tại VNPT. Các hãng bán thiết bị viễn thông đưa những người kinh doanh hạ tầng đến nhiều nước, trải nghiệm cho Liêm hình dung về thế giới Internet sẽ phát triển ra sao trước lượng dữ liệu khổng lồ tăng lên mỗi ngày. Với suy nghĩ video trực tuyến trở thành tương lai nghe nhìn, anh rời VNPT cùng đồng nghiệp thành lập mạng phân phối nội dung (CDN-Content Deliver Network) được công ty Sao Bắc Đầu bỏ vốn đầu tư. “Chúng tôi thống nhất câu chuyện giới trẻ sẽ dịch chuyển lên online nên ‘canh tác’ giữ chỗ, xong bán quảng cáo,” Liêm kể.

Video để cung cấp được trên Internet cần mạng CDN đặc biệt bởi kết nối liên tục và dung lượng cực lớn, cần hệ thống máy chủ khắp nơi. Họ tiếp cận các đài truyền hình và doanh nghiệp sản xuất nội dung như Đất Việt, BHD, Điền Quân… Năm 2016, hầu hết nội dung truyền hình cung cấp trên hệ thống qua CDN của họ. Việc kinh doanh đang tốt thì YouTube vào Việt Nam, hợp tác với nhà mạng và nhà cung cấp nội dung trong nước. Những công ty toàn cầu như Facebook hay YouTube sở hữu mạng kết nối khắp thế giới, khi lượng người dùng đông, họ thương thảo cung cấp nội dung cho các nhà mạng và đổi lại miễn phí máy chủ và băng thông.

“Cái bánh to YouTube ‘ăn’ hết,” Liêm nói và thừa nhận nền tảng họ ưu việt, lượng tải lớn, quy mô lớn, trong khi chi phí bằng không khiến họ mất lợi thế sân nhà. Không cạnh tranh nổi, họ dừng cuộc chơi. Thất bại đó để lại cho Liêm kinh nghiệm: “Mình không làm tốt nền tảng vì có thể tư duy nhanh nhưng không rộng, tính hệ thống không tốt nên làm gì quy mô lớn thì thường không ưu thế,” Liêm nói và cho biết đó là lý do anh định vị lại sản phẩm hiện tại.

Liêm sinh năm 1981, trong khi hai đồng sáng lập Nghiêm Tiến Viễn và Nguyễn Trọng Hoàn thế hệ 9X. Theo ông Trung, mấu chốt tạo ra sự khác biệt cho GoStream là kết hợp được kinh nghiệm cùng sức trẻ và sáng tạo của nhau, kết hợp được kiến thức cả hai lĩnh vực kỹ thuật và kinh tế. Ông Trung nói: “Kinh nghiệm thực chiến thị trường của Liêm đã kết hợp tốt với sức trẻ, khả năng sáng tạo và kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm của hai đồng sáng lập.” 

Theo ông Trung, bên cạnh tiềm năng luôn tồn tại rủi ro với GoStudio, đó là sự xuất hiện của nhiều đối thủ trong và ngoài nước khi livestream có sức hấp dẫn quá lớn. GoStream phải hết sức tập trung tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu người dùng nếu không muốn bị bỏ lại sau trong cuộc đua đầy thử thách. “Chúng tôi muốn đồng hành cùng GoStream hướng đến vị trí dẫn đầu toàn cầu, tuy nhiên trước hết phải chinh phục được streamer Việt Nam, thắng các đối thủ ngay trên sân nhà,” ông Trung nói.

Nhóm của Liêm năm nay dự định đẩy mạnh GoStudio vì thị trường hiện đã rõ nét và có người dẫn dắt. Nếu livestream bán hàng chủ yếu ở châu Á thì trên thế giới live mang tính cá nhân hóa và đi vào tin tức, sân chơi rộng gấp nhiều lần. “Dĩ nhiên không thể vươn vai là bằng người dẫn đầu nhưng phải bằng mọi cách chinh phục streamer,” Liêm nói và cho biết việc đầu tiên là giành lại thị trường trong nước, thuyết phục người dùng sử dụng sản phẩm có cùng công nghệ nhưng chi phí thấp hơn, dịch vụ thân thiện hơn.

—-

Tựa theo bản in “Chinh phục streamer”, Forbes Việt Nam số 92, tháng 4.2021.