Tiêu điểm

Dự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịch

2 năm trước
Minh Thiên

Tại diễn đàn kinh doanh “Con đường phía trước”, sự kiện thường niên lớn nhất của tạp chí Forbes Việt Nam diễn ra ngày 9.12.2021, ông Bruce Delteil, giám đốc hợp danh công ty McKinsey & Company Việt Nam chia sẻ góc nhìn tương lai về nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch.

Share
this:

Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện với những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Chúng ta có thể thấy các ngành sản xuất chậm lại, các nhà đầu tư chần chừ khi phong tỏa xảy ra. Nhưng bên cạnh đó có những yếu tố lạc quan như tỉ lệ tiêm chủng ngày càng cao và các khu cách ly, phong tỏa giảm.

Khi nhìn lại một năm trước và nhìn về năm 2022, McKinsey & Company Việt Nam nhìn thấy những kịch bản phục hồi khác nhau. Các kịch bản xây dựng dựa trên việc quốc gia kiểm soát COVID-19 như thế nào. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam giảm sút nhưng chúng tôi tin sau đó sẽ phục hồi mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa dự báo GDP sẽ tăng trưởng dương vào năm tới.

Xét về cấu trúc nền kinh tế, những ngành đang tăng trưởng ở cấp số nhân có thể kể là chứng khoán và thương mại điện tử. Về hoạt động đầu tư, câu hỏi là các nhà đầu tư có tiếp tục đầu tư các dự án như trước khi đại dịch xảy ra như dự định hay không. Chúng tôi đánh giá viễn cảnh này tương đối khả quan dù có thận trọng.

Về sản xuất, COVID-19 đã làm thay đổi vài xu hướng. Liệu trong tương lai Việt Nam có tăng giá trị cao hơn trong ngành sản xuất hay không. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể. Ngoài ra, về kinh tế số, dịch vụ tài chính, việc áp dụng công nghệ đã diễn ra một cách “vô tiền khoáng hậu”, nghĩa là ở quy mô lớn hơn các quốc gia mà chúng tôi quan sát.  

Cần xem xét trong các chuỗi giá trị ngành nghề, đâu là những giá trị có thể dịch chuyển lên trên và giúp ngành sản xuất Việt Nam chạm đến các mô hình kinh tế mới trong tương lai.

Về sản xuất, có một vài điểm nhấn đối với kinh tế Việt Nam. Hoạt động sản xuất phục hồi khả quan, dù tỉ lệ giá trị chưa tăng theo tỷ lệ thuận. Đây là vấn đề liên quan đến tính chuyên biệt hóa: khi càng chuyên biệt hóa chúng ta càng nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sau những tác động của COVID-19 trong hai năm qua, thì liệu COVID-19 sẽ làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam thế nào trong tương lai. Có một số xu hướng chính: 1. Chuyển đổi số mạnh mẽ; 2. Hành vi tiêu dùng thay đổi; 3. Cách thức làm việc thay đổi; 4. Tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, xã hội và quản trị (ESP); 5. Tính đa kênh (omnichannel). Mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp vì vậy sẽ thay đổi trong tương lai để đáp ứng các hành vi mới, thúc đẩy trải nghiệm trên các kênh và khu vực.

Yếu tố đặc biệt quan trọng tôi muốn nhắc đến là chuỗi cung ứng của Việt Nam. Các doanh nghiệp dẫn đầu nền kinh tế đều nhìn thấy nhu cầu tiêu dùng bị sụt giảm đáng kể do dịch bệnh, sự thiếu hụt về nguyên liệu và tiếp theo là năng suất giảm. Câu hỏi là khi nhu cầu phục hồi, năng suất sẽ tăng thế nào? Trả lời cho câu hỏi này chính là: công nghệ và năng suất.

Tuy nhiên có một số thử thách: Thứ nhất là năng suất của lực lượng lao động, điều này quan trọng vì chúng ta hướng đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ. Nghĩa là phải đối diện với thử thách vừa tăng năng suất vừa áp dụng công nghệ. Một số dữ liệu cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có năng suất thấp trong khu vực.

Diễn đàn kinh doanh

Mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam 10 năm là năng suất lao động sẽ tăng cao hơn, nhiều doanh nghiệp nhờ đó mới có thể tăng trưởng. Nhìn lại ba năm trước, khi nói về tăng dữ liệu trên điện toán đám mây chúng ta xem như đã đủ nhưng những thước đo về công nghệ và hiệu suất đã tăng tốc nhiều chục lần trong cuộc khủng hoảng. Liệu chúng ta có theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy hay không. Khi tôi hỏi các doanh nghiệp về áp dụng công nghệ vào sản xuất, liệu họ có thể tăng 10 lần thì không nhiều doanh nghiệp trả lời được.

Khảo sát của McKinsey tại các quốc gia với câu hỏi: có sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Kết quả cho thấy Việt Nam xếp hạng nhất, nghĩa là Việt Nam đã sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghệ mới. Điều này cho thấy đã có sự sẵn sàng để thay đổi. Chúng ta đã nhận thấy sự thay đổi của chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam có thể kết hợp để tăng năng suất và gia tăng giá trị sản xuất trong toàn chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, chúng tôi nhìn thấy một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế hậu đại dịch là sự xuất hiện của hệ sinh thái kết hợp các ngành nghề khác nhau ví dụ như fintech trong dịch vụ tài chính. Vì sự thay đổi này, có thể có những công ty mới ra đời làm thay đổi cục diện các ngành nghề.

——————————————————————————–

Xem thêm
Forbes Việt Nam khai mạc Diễn đàn Kinh doanh 2021: Hướng tới tương lai
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021
Trang thông tin chính thức của sự kiện Diễn đàn Kinh doanh 2021