Sáng tạo

Dự án tái tạo cá mập đầu tiên trên thế giới đạt thành công

Hai chú cá trong dự án quốc tế tái tạo cá mập ngựa vằn đầu tiên trên thế giới bơi thành công và sắp được thả vào môi trường biển tự nhiên trong thời gian tới.

Share
this:

“Cá bơi được rồi!” một trong những thành viên trong nhóm vui sướng hét lên. Nhà khoa học Nesha Ichida không biết ai đang reo mừng, mắt cô chăm chú nhìn chú cá mập đốm nhỏ trên tay nhấp nhô trên mặt nước biển ấm áp màu ngọc lam.

Là một thành viên của họ Stegostomatidae, cá mập ngựa vằn (Stegostoma tigrinum) cô đang nuôi có tên Kathlyn – và Kathlyn là chú cá mập nhỏ làm nên lịch sử vĩ đại.

Nesha Ichida nhẹ nhàng đưa cá mập vằn chưa trưởng thành đến nhóm người chăm sóc để kiểm tra sức khỏe lần cuối cho chú cá vào ngày trước khi được thả về tự nhiên. Ảnh: David Doubilet And Jennifer Hayes/ National Geograph/Forbes

Kathlyn luồn lách khỏi tay Nesha ở vùng biển thuộc đảo Wayag của Indonesia, lần đầu tiên chú bơi ra biển khơi. Kathlyn và Charlie (cá mập ngựa vằn đực được thả vào ngày hôm đó) là niềm hi vọng cho các nhà khoa học làm việc tại thủy cung trên khắp thế giới hợp tác với nhau để xây dựng lại quần thể cá mập ngựa vằn hoang dã bị tuyệt chủng do đánh bắt quá mức để lấy vây cá mập.

Là một loài cá mập lớn có màu sắc thay đổi hoàn toàn theo độ tuổi, loài vật này sống trong rạn san hô nông ở vùng biển nhiệt đới ấm áp. Khi cá mập ngựa vằn già đi, chúng lột bỏ các sọc đen trắng để tạo thành những chấm đen nhỏ trên cơ thể rám nắng, gần giống với loài báo.

Loài này có khả năng luồn lách vào các kẽ hở cũng như hang động hẹp để tìm thức ăn, chẳng hạn như cá nhỏ, ốc sên, nhím biển, cua cũng như nhiều động vật không xương sống nhỏ khác.

Một ngày trước khi hai chú cá mập đầu tiên, Charlie và Kathlyn, được thả vào tự nhiên, những người chăm sóc đo và kiểm tra sức khỏe của chúng lần cuối. Ảnh: David Doubilet And Jennifer Hayes/ National Geograph/Forbes

Ngư dân bắt cá nhám vằn để lấy thịt, có thể bán tươi hoặc muối khô ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, ngư dân còn lấy gan vì cung cấp vitamin, súp vi cá mập được làm từ vây của chúng.

ReShark là một dự án quốc tế nhằm thả cá mập ngựa vằn nuôi trong bể thủy cung vào các khu bảo tồn biển như Raja Ampat với sự giúp đỡ của nhà khoa học và bảo mẫu cá mập. Được thực hiện với 75 đối tác từ 15 quốc gia, 44 thủy cung lai tạo những loài săn mồi hiền lành này từ trứng, đến cá con và cá lớn.

Giống như Kathlyn và Charlie, những chú cá mập con sẽ được thả vào khu bảo tồn biển trong thời gian tới. Dự án đánh dấu những nỗ lực đầu tiên nhằm khôi phục cá mập ở những khu vực chúng tuyệt chủng… và phải mất nhiều năm mới xuất hiện lại.

Nhà khoa học Nesha Ichida thả chú cá mập vằn thứ hai trong ngày ở đảo Wayag của Indonesia. Ảnh: David Doubilet And Jennifer Hayes/ National Geograph/Forbes
 

“Mặc dù các nhà khoa học luôn tái tạo động vật trên cạn, nhưng chưa ai thử làm điều tương tự với loài cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng – cho đến tận bây giờ. Hai con cá mập con đầu tiên, Charlie và Kat, được thả thành công, trong khi nhóm hi vọng sẽ thả thêm 500 con nữa trong vài năm tới,” thông cáo báo chí của National Geographic cho biết.

Các nhà khoa học hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều dự án như vậy để tái tạo các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng khác, từ từ ‘xây dựng lại’ quần thể đang gặp khó khăn cũng như giúp chúng tăng số lượng cần thiết.

“Tập thể ReShark cam kết đảm bảo rằng cho dù chúng tôi làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới, công việc đó sẽ diễn ra cùng với cộng đồng địa phương, cơ quan chính phủ và quan chức cũng như nhà bảo tồn hàng đầu,” trang web của dự án cho biết.

“Mục tiêu chúng tôi nhắm đến nhằm đảm bảo những nỗ lực bền vững, tôn trọng văn hóa và gia tăng giá trị cho cả môi trường địa phương cũng như cộng đồng sống bên cạnh.”

Biên dịch: Gia Nhi