Dtcpay sẽ đưa dịch vụ thanh toán bằng tiền mã hóa đến các doanh nghiệp kinh doanh trong những dịch vụ cao cấp như khách sạn hạng sang.
Giữa bối cảnh khó khăn của thị trường tiền mã hóa ảnh hưởng tiêu cực đến sự quan tâm từ các nhà đầu tư dành cho nhóm tài sản có tính biến động cao, Dtcpay – công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại Singapore đã thành công trong việc tạo ra một thị trường ngách, tạo điều kiện thuận lợi để đưa thanh toán bằng tiền mã hóa được quy định đến các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cao cấp.
Dtcpay có danh sách dài các doanh nghiệp chấp nhận dịch vụ thanh toán bằng tiền mã hóa từ công ty này. Trong số đó có Pontiac Land – một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore thuộc sở hữu của tỉ phú Kwee Liong Tek và gia đình. Vào tháng 6.2023, Dtcpay huy động thành công 16,5 triệu USD từ vòng gọi vốn tiền Series A do Kwee Liong Tek, giữ vai trò chủ tịch của Pontiac Land dẫn dắt.
Kanny Lee, CEO Dtcpay cho biết theo sau khoản đầu tư trên, Pontiac Land sẽ sớm áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền mã hóa cho một số khách sạn của tập đoàn này. Lee cho biết thêm điều này cũng sẽ mang đến cho Dtcpay cơ hội tiếp cận với hàng nghìn đơn vị bán hàng thuộc Pontiac Land.
“Sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, thị trường sẽ phát triển và giúp các doanh nghiệp còn trụ vững có sức bật trở lại mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi đang trong giai đoạn tăng trưởng khi thị trường vẫn ghi nhận nhu cầu, đặc biệt là các tổ chức tài chính như Dtcpay sẵn sàng gia nhập thị trường và đáp ứng nhu cầu của khách hàng,” Kanny Lee chia sẻ từ văn phòng của Dtcpay trong một buổi phỏng vấn trực tuyến.
Dtcpay cho phép các đơn vị bán hàng xử lý thanh toán bằng cả tiền định danh và tiền mã hóa. Khi khách hàng thanh toán bằng tiền mã hóa, Dtcpay sẽ giảm thiểu biến động giá của tiền mã hóa bằng cách ngay lập tức chuyển đổi thành tiền định danh, để đơn vị bán hàng có thể nhận lại chính xác số tiền hóa đơn, Lee cho biết.
Khoản đầu tư cá nhân của Kwee Liong Tek vào Dtcpay diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp tiền mã hóa vẫn đang quay cuồng với những vụ bê bối và các công ty trong ngành đệ đơn phá sản, “thổi bay” 1.800 tỉ USD trong giá trị vốn hóa của loại tài sản này. Dtcpay từ chối tiết lộ mức định giá của công ty.
Mặc dù vậy, John Tay – giám đốc quỹ đầu tư tư nhân Kwee & Partners của Kwee Liong Tek nhận định quan hệ hợp tác với Dtcpay có sức hút, mở ra cơ hội cho Pontiac Land mở rộng các lựa chọn thanh toán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Không có gì gian lận về nền tảng công nghệ blockchain cho tiền mã hóa. Thực chất, công nghệ này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi hơn nữa và ngành công nghiệp Web3 vô cùng hứa hẹn. Việc xuất hiện nhiều hành vi gian lận và sự cố có sức ảnh hưởng tiêu cực phần lớn do mọi người sử dụng công nghệ sai cách, có ý định lừa đảo và lách quy định quản lý, vốn được tạo ra để bảo vệ người dùng, khách hàng và doanh nghiệp,” Tay cho biết.
John Tay cho biết Capella Hotel Group, công ty của Pontiac Land sẽ là nơi đầu tiên áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền mã hóa. Những nơi khác sẽ cần thêm thời gian để triển khai.
Tuy tiền mã hóa vẫn còn một chặng đường dài để được ứng dụng rộng rãi, nhưng một vài doanh nghiệp truyền thống nhận thấy nhu cầu từ người tiêu dùng. Thương hiệu thời trang Ralph Lauren nằm trong số những cái tên mới nhất bước chân vào lĩnh vực tiền mã hóa, khi chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa tại cửa hàng mới ở Miami, nơi được xem như “thủ phủ” tiền mã hóa, từ tháng 4 qua.
Những cái tên khác đã hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán bằng tiền mã hóa gồm Google Cloud, Sotheby’s và thương hiệu thời trang Charles & Keith của anh em tỉ phú nhà Wong từ Singapore.
Theo Lee, dịch vụ thanh toán số trở nên phổ biến và ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với những công ty được quản lý đã trở thành “bàn đạp” thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Dtcpay.
Ông cho biết công ty khởi nghiệp này ghi nhận số lượng khách hàng tăng 250% trong nửa đầu năm 2023, thu hút phần lớn doanh nghiệp từ những mảng kinh doanh cao cấp như đại lý xe hơi hạng sang và phòng khám y tế chuyên khoa.
Trong quý 1.2023, Dtcpay cho biết đã xử lý khối lượng giao dịch có giá trị hơn 50 triệu đô la Singapore (37,7 triệu USD). Lee cho biết không có con số tương đương vì công ty chỉ được cấp giấy phép tài sản kỹ thuật số để cung cấp các dịch vụ được quản lý tại Singapore vào tháng 8.2022. Kanny Lee kỳ vọng giá trị giao dịch sẽ đạt mức tăng trưởng kép vào cuối năm 2023. Dtcpay chuẩn bị tiến sang hai thị trường Hong Kong và Dubai trong năm nay và năm 2024.
“Nhiều đơn vị bán hàng ghi nhận giá trị từ việc dùng tiền mã hóa cho các giao dịch có giá trị cao, vì khoản phí gas cho những nền tảng blockchain (phí giao dịch) tương đối thấp. Giả sử như bạn bỏ ra số tiền 250.000 USD để mua một chiếc xe, thì phí gas 2 USD sẽ hợp lý hơn rất nhiều so với các khoản thanh toán truyền thống tính phí từ 2-4% trên tổng giao dịch,” Lee cho biết.
Tiền thân là Digital Treasures Center, Dtcpay do Alice Liu, Band Zhao và Sam Lin đồng sáng lập vào năm 2019. Đầu năm 2023, Kanny Lee gia nhập và phụ trách quá trình mở rộng quy mô hoạt động bên ngoài Singapore.