Sáng sớm ngày 3.4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng mới lên hầu hết bạn hàng thương mại trên toàn cầu. Có thể dễ dàng nhìn thấy, châu Á chiếm phần nhiều trong danh sách này.
Với nền kinh tế số 2 thế giới, mức thuế đối ứng là 34%, cộng với 20% trước đó, như vậy trong nhiệm kỳ 2 ông Trump đã tăng thuế hàng hóa từ Trung Quốc thêm 54%.
Các bạn hàng châu Á khác như Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Thái Lan, Đài Loan (TQ) và Indonesia, đều chịu thuế đối ứng từ 30% trở lên.
Theo nhiều chuyên gia, có 2 vấn đề chính các nước đang thảo luận. Một là, đây có phải là mức thuế cao nhất Hoa Kỳ có thể áp đặt hay chưa? Các nước cần làm gì để đàm phán giảm mức thuế đó xuống? Hai là, tác động trực tiếp và gián tiếp trong ngắn hạn là gì? Cần làm gì để giảm tác động?
Hoa Kỳ tính toán sòng phẳng với nhiều quốc gia đang phát triển, thậm chí chậm phát triển, cho thấy họ xem thâm hụt thương mại là ưu tiên lớn nhất cần giải quyết. Các quốc gia châu Á, nhất là những nước nghèo sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của Hoa Kỳ, để làm cán cân thương mại hài hòa hơn. Ví dụ tăng mua hàng.
Hàng hóa Mỹ thường khá đắt so với thu nhập bình quân của nhiều nước châu Á, nên đây không phải lựa chọn tối ưu. Ví dụ Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Việt Nam đã chủ động giảm thuế nhiều mặt hàng, nhưng cũng không có sự miễn trừ nào từ Nhà Trắng.
Việt Nam đã cố gắng mua nhiều máy bay Boeing và thiết bị của Lockheed Martin, nhưng theo không ít chuyên gia, để cán cân thương mại hài hòa là chuyện hoàn toàn khác, bởi bản chất 2 nền kinh tế không giống nhau.
Có ý kiến nhận xét, với thuế đối ứng vừa công bố, Đông Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. Không chỉ xuất khẩu giảm, vốn đầu tư cũng có thể bị rút bớt, nhất là những công ty muốn tận dụng thị trường Đông Nam Á để xuất vào Hoa Kỳ nhằm hưởng chênh lệch thuế. Việt Nam đã thành công với chiến lược “Trung Quốc cộng 1”, giờ đây cách tiếp cận này suy yếu nghiêm trọng, vì thuế quan không còn chênh lệch nhiều.
Một vấn đề nữa với Đông Nam Á, là hàng hóa từ Trung Quốc đổ về nhiều hơn do khó xuất sang Hoa Kỳ. Thị trường nội địa của Trung Quốc cần thời gian để hấp thụ hàng hóa không thể xuất khẩu, đặc biệt là đồ tiêu dùng. Do đó, Đông Nam Á trở thành thị hàng thay thế tiềm năng nhất.
Giảm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á muốn đa dạng hóa thị trường. Thái Lan đang đàm phán thỏa thuận với EU. Tương tự là Ấn Độ và Indonesia. Tuy vậy để thành công trong chiến lược mới, đòi hỏi tương đối nhiều thời gian, nên ngắn hạn doanh nghiệp khả năng cao vẫn khó khăn.
Về viễn cảnh trả đũa, các nước châu Á ngoại trừ Trung Quốc, nhìn chung đều thận trọng. Họ muốn đàm phán để được miễn trừ hoặc nhượng bộ. Do bản chất bất đối xứng, ASEAN không có nhiều thứ để trả đũa Mỹ. Tuy nhiên khả năng hàng hóa Hoa Kỳ tiêu thụ chậm hơn, do bị người dùng quay lưng.
Để giảm thiệt hại, một số quốc gia đã tính tới phương án hạ lãi suất, hỗ trợ lĩnh vực bị ảnh hưởng thậm chí giảm giá đồng nội tệ. Trung Quốc đã thực hiện những bước đi này từ nhiều năm qua. Một số chuyên gia Trung Quốc cho biết, chủ động phá giá đồng nhân dân tệ có thể bù đắp chi phí thuế quan, nhưng rủi ro là các dòng vốn chảy ra.
Khi thị trường Hoa Kỳ ảm đạm, khả năng cao nhiều nước châu Á sẽ tăng cường gắn kết với Trung Quốc, EU và Trung Đông.
Nhiều chuyên gia nhận xét, thuế quan giúp Hoa Kỳ giảm phụ thuộc hàng hóa châu Á, nhưng về địa chính trị, nó giúp nền kinh tế số 2 thế giới gia tăng ảnh hưởng.
(Biên dịch: NVP)
1 tháng trước
Mỹ và Ukraine cơ bản đồng ý thỏa thuận khoáng sản1 tháng trước
Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng âm trong quý 1.2025?2 tháng trước
Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp con người bất tử?