CEO Tập đoàn Banpu, Sinon Vongkusolkit đang thúc đẩy một cuộc cải tổ táo bạo nhằm biến tên tuổi lớn của ngành khai thác than đá Thái Lan thành doanh nghiệp năng lượng xanh. Tuy nhiên, hành trình này không hẵn sẽ dễ dàng.
CEO Tập đoàn Banpu, Sinon Vongkusolkit đang thúc đẩy một cuộc cải tổ táo bạo nhằm biến tên tuổi lớn của ngành khai thác than đá Thái Lan thành doanh nghiệp năng lượng xanh. Tuy nhiên, hành trình này hứa hẹn không suôn sẻ.
Tháng 9.2024, Sinon Vongkusolkit thành viên của một trong những gia tộc giàu nhất Thái Lan, xuất hiện tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) để đón mừng cột mốc quan trọng: niêm yết cổ phiếu BKV, hãng khai thác khí đốt tự nhiên tại Mỹ, trực thuộc Banpu, tập đoàn có trụ sở tại Bangkok, cũng thuộc sở hữu của gia đình vị doanh nhân 34 tuổi.
Chưa đầy 10 năm, BKV đã xây dựng được danh mục hàng ngàn giếng khai thác khí đốt tự nhiên tại Texas và Bắc Pennsylvania, trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch của Banpu. “Đây chỉ mới là khởi đầu,” vị CEO trẻ trung, lịch lãm của Banpu tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với NYSE TV vào ngày BKV chính thức lên sàn, huy động được 270 triệu USD và đạt mức định giá hơn 1,5 tỉ USD.
Nhận chức CEO vào tháng 4.2024, trước đó từng điều hành Banpu Next, đơn vị chuyên về giải pháp năng lượng thông minh thuộc tập đoàn, Sinon giờ đây tiếp nhận nhiệm vụ đầy thách thức: hiện thực hóa lộ trình trung hòa carbon và thúc đẩy việc mở rộng quy mô toàn cầu cho doanh nghiệp có doanh thu 5,2 tỷ USD.
Anh đặt mục tiêu giảm 20% lượng khí thải nhà kính từ các mỏ khai thác than và nhà máy nhiệt điện của Banpu trong vòng năm năm tới (từ gần chín triệu tấn CO2 năm 2023), hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, anh cũng lên kế hoạch giảm tỷ trọng doanh thu từ than đá từ 60% xuống dưới 50% vào năm 2030.
“Tôi tin rằng chúng tôi đã tìm ra giải pháp,” Sinon Vongkusolkit trả lời phỏng vấn bên trong trụ sở Banpu ở Bangkok. Từ đây có thể nhìn thấy những tòa nhà chọc trời mọc lên khắp thủ đô Thái Lan.
“Chúng tôi phải cân bằng giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để khử carbon trong năng lượng truyền thống.”
Ngay cả với Sinon, thành viên thuộc thế hệ thứ hai trong gia tộc Vongkusolkit, được đào tạo bài bản từ nhỏ để tiếp quản việc kinh doanh của gia đình và có trong tay ngân sách ba tỉ USD, đây vẫn không phải nhiệm vụ dễ dàng. Banpu là một trong những nhà khai thác than đá lớn nhất Đông Nam Á, sản xuất 35 triệu tấn than vào năm 2023 – mảng kinh doanh đầy lợi nhuận với biên lãi gộp 34%, ngang ngửa các tập đoàn khai thác than hàng đầu tại Indonesia.
Mọi thứ càng trở nên phức tạp khi giá than biến động mạnh, bóp nghẹt lợi nhuận của Banpu và giá cổ phiếu sụt giảm 20% trong năm qua. Năm 2023, lợi nhuận ròng giảm mạnh 87% xuống còn 160 triệu USD, sau khi đạt đỉnh 1,2 tỷ USD vào năm trước đó khi giá than và năng lượng tăng đột biến do căng thẳng địa chính trị. Chưa có dấu hiệu phục hồi trong chín tháng đầu năm 2024 khi Banpu báo cáo lợi nhuận ròng chỉ 46 triệu đô la Mỹ, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá than và khí đốt tự nhiên lao dốc.
Trong bối cảnh khó khăn này, giới phân tích nhận định chừng nào Banpu còn phụ thuộc vào than đá, kết quả kinh doanh của công ty trong ngắn và trung hạn vẫn phải chịu ảnh hưởng từ biến động giá than. Tuy nhiên, Sinon tiết lộ Banpu đã vạch ra lộ trình trung hòa carbon từ hơn một thập niên trước, khi quyết định không đầu tư vào các dự án khai thác than mới. Chiến lược này bắt nguồn từ cha của Sinon, Chanin Vongkusolkit, người đã rời vị trí CEO Banpu vào năm 2015 và trở thành chủ tịch công ty từ năm 2016. Sinon đã vạch xong kế hoạch sử dụng ba tỉ USD ngân sách “xanh hóa” cho Banpu từ nay đến năm 2030.
Khoảng 60% số vốn này sẽ được đầu tư vào khai thác khí đốt tự nhiên, sản xuất điện và công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2 (CCUS) – quy trình tách CO2 từ khí thải công nghiệp và bơm xuống lòng đất. Phần còn lại sẽ được dành cho danh mục năng lượng tái tạo của Banpu, bao gồm các trang trại điện mặt trời và điện gió trải dài khắp khu vực châu Á–Thái Bình Dương và Mỹ, sản xuất pin lithium cho xe điện, cũng như khai thác các loại khoáng sản chiến lược như nickel, bauxite và vàng.
Ngoài ra, Banpu cũng đầu tư vào công nghệ khai thác thế hệ mới nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành và giảm thiểu tác động môi trường.
Suppata Srisuk, phó chủ tịch cấp cao Công ty Bualuang Securities có trụ sở tại Bangkok, nhận định
“Chiến lược loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Banpu phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.”
Suppata Srisuk, Phó chủ tịch cấp cao Công ty Bualuang Securitie.
Tuy nhiên, Srisuk cũng lưu ý rằng Banpu cần chứng minh khả năng duy trì tài chính vững mạnh để theo đuổi mục tiêu này.
“Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào khả năng sinh lợi trước khi quyết định rót vốn vào công ty,” bà nói. Cá nhân Sinon tin tưởng chiến lược này là hướng đi đúng đắn, nhưng nhấn mạnh điều quan trọng là cân bằng giữa giảm phát thải carbon và đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.
“Trung hòa khí thải carbon là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta và cũng là cam kết của Banpu với xã hội. Đây không chỉ là bài toán chi phí, mà còn là cơ hội cho doanh thu và đổi mới,” Sinon khẳng định.
Gia tộc Vongkusolkit (có khối tài sản được Forbes ghi nhận dưới tên anh trai của Chanin là Isara trong danh sách thường niên 50 người giàu nhất Thái Lan) đã là tên tuổi lớn trong ngành sản xuất đường ở nước này thông qua Tập đoàn Mitr Phol trước khi mở rộng sang khai mỏ.
Năm 1983, gia đình này hợp tác với đối tác lâu năm, gia tộc Auapinyakul, để thành lập Banpu và vận hành một mỏ than nhỏ ở miền Bắc Thái Lan. Chanin, con út trong gia đình tám người con, được giao trọng trách điều hành công ty mới với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, bao gồm sở hữu cổ phần trong Erawan Group – doanh nghiệp điều hành gần 90 khách sạn tại Thái Lan, Philippines và Nhật Bản. Chanin Vongkusolkit lãnh đạo Banpu vươn lên thành tập đoàn năng lượng lớn với tổng tài sản gần 13 tỷ USD vào thời điểm hiện tại.
Ngoài các giếng khí đốt tự nhiên tại Mỹ, công ty còn sở hữu và vận hành nhiều mỏ than ở Úc, Indonesia, Trung Quốc và Mông Cổ. Thông qua công ty con Banpu Power Public Co. (Banpu Power), Banpu sản xuất và phân phối hơn 4.500MW điện năng tại khu vực châu Á–Thái Bình Dương và Mỹ, từ các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo.
Tại Thái Lan, Banpu Power nắm 50% cổ phần trong nhà máy nhiệt điện than công suất 1.434MW, đặt trong một khu công nghiệp ở một tỉnh phía Đông Thái Lan. Trong khi đó, Banpu Next tận dụng các chính sách ưu đãi của Chính phủ Thái Lan để thúc đẩy năng lượng tái tạo, đầu tư vào điện mặt trời, quản lý xe điện (EV) và sản xuất pin.
Chuyển giao quyền lực cho Sinon Vongkusolkit là kế hoạch dài hạn. Suốt nhiều năm, Sinon đã chứng minh bản thân đủ năng lực cho vị trí lãnh đạo công ty.
“Thú thực, ban đầu tôi không nghĩ mình sẽ tiếp quản công việc này,” anh nhớ lại. Nhưng là con cả trong một gia đình gốc Hoa, anh sớm nhận thức được trách nhiệm kế thừa di sản của cha mình (chị gái và em trai của Sinon không tham gia vào hoạt động kinh doanh của Banpu). Năm 12 tuổi, Sinon Vongkusolkit rời Thái Lan để học trung học tại Anh, sau đó tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế và Marketing tại Đại học Oxford Brookes và bằng thạc sĩ ngành Tài chính từ Đại học Regent London.
Trong những kỳ nghỉ ở đại học, Sinon đến Banpu làm việc và có dịp thăm quan các mỏ than của công ty tại Indonesia – trải nghiệm giúp anh trở nên hứng thú với công việc kinh doanh của gia đình.
“Chỉ khi bạn thực sự bước xuống mỏ than, bạn mới cảm nhận được quy mô khổng lồ của nó. Đó như một thành phố khai mỏ vậy,” anh chia sẻ. Chính những hình ảnh hàng trăm máy móc vận hành đồng bộ đã khiến anh nhận ra thách thức trong việc tối ưu hóa năng suất khai thác.
Sau khi tốt nghiệp năm 2014, Sinon trở về Bangkok và gia nhập Banpu với vai trò chuyên viên phân tích tại bộ phận tài chính, làm việc dưới sự dẫn dắt của giám đốc tài chính Somruedee Chaimongkol – người sau đó kế nhiệm cha anh làm CEO vào năm 2015.
“Bà ấy đã chỉ dạy tôi rất nhiều. Tôi được đào tạo theo thực chiến – kiểu như bị đẩy xuống nước và phải tự bơi lên (đi lên bằng chính sức mình). Nhờ đó, tôi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm một cách nhanh chóng,” Sinon cho biết.
Đến năm 2020, Sinon Vongkusolkit chuyển sang bộ phận quản lý dự án, chịu trách nhiệm triển khai chiến lược “xanh hơn và thông minh hơn” của Banpu. Tại đây, anh dẫn dắt nhiều thương vụ M&A (Mua bán và sáp nhập) trong lĩnh vực năng lượng sạch, mở đường cho việc điều hành Banpu Next vào năm 2022.
Trong hai năm tiếp theo, Sinon tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư mới, bao gồm chi 22 triệu USD mua lại 40% cổ phần của SVOLT Energy Technology (Thái Lan) – công ty sản xuất và phân phối pin Lithium-ion, cùng 70 triệu USD để nắm cổ phần kiểm soát tại Durapower (Singapore). Động thái này nhằm theo kịp nhu cầu ngày càng tăng về pin cho các phương tiện chạy điện như ô tô, xe buýt, xe tải và xe máy tại Đông Nam Á.
Thông qua Banpu Next, Banpu đã xây dựng danh mục năng lượng tái tạo với công suất 902MW từ các dự án trang trại điện mặt trời và điện gió, bên cạnh hệ thống điện mặt trời áp mái và điện mặt trời nổi trên mặt nước ở khắp châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ. Công ty đặt mục tiêu nâng công suất này lên 1.600MW trong năm 2025. Những dự án đầu tư mới sẽ tập trung vào các quốc gia Banpu đã hiện diện sẵn, Sinon nói, cho biết Indonesia, Trung Quốc và Mỹ chiếm khoảng 80% EBITDA 1,5 tỷ USD của Banpu.
Tuy vậy, Mỹ mới là thị trường tiềm năng nhất trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng vọt. BKV – công ty con của Banpu – khởi đầu là liên doanh giữa Banpu và Kalnin Ventures vào năm 2015, chuyên đầu tư vào dầu khí, trước khi Banpu nắm quyền sở hữu hoàn toàn vào năm 2020. Hoạt động khai thác của BKV trải dài trên các mỏ khí đốt tự nhiên Barnett Shale (Texas) và Marcellus Shale (Pennsylvania), tổng sản lượng ròng đạt 22,4 triệu m3 khí đốt mỗi ngày trong chín tháng đầu năm 2024.
“Đó là sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược, chọn đúng thời điểm và khát vọng của cả đội ngũ nhân sự,” Sinon, người đã chứng kiến cha mình xây dựng danh mục đầu tư khí đốt của Banpu tại Mỹ, nhận xét. Việc kinh doanh khí đốt hiện đóng góp khoảng 20% lợi nhuận trước thuế của công ty.
Để thực hiện cam kết trung hòa carbon, cuối năm 2023, BKV đã khởi động một trong hai dự án CCUS tại Texas, lấy tên gọi Barnett Zero, với khả năng lưu giữ 200 ngàn tấn CO2 mỗi năm – tương đương lượng khí thải mỗi ngày từ 40 ngàn ô tô. Sinon cho biết, công ty đặt mục tiêu nâng công suất CCUS lên 16 triệu tấn vào năm 2030, đồng thời thương mại hóa khí đốt trung hòa carbon giá trị cao, kèm theo tín chỉ carbon cho khách hàng công nghiệp muốn “xanh hóa” hoạt động kinh doanh.
Dù vậy, Sinon thừa nhận rằng dự án CCUS của Banpu vẫn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ theo Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022, một phần nhằm giảm chi phí sử dụng điện hộ gia đình và khí thải nhà kính. Nhưng dự án sẽ đối mặt với ẩn số từ việc Tổng thống Donald Trump sẽ định hình lại chính sách năng lượng Mỹ ra sao và điều đó sẽ tác động như thế nào đến thị trường.
“Khả năng thương mại hóa CCUS vẫn phụ thuộc vào trợ cấp và chính sách hỗ trợ. Nếu không có hỗ trợ tài chính, chi phí cao liên quan đến công nghệ này sẽ là rào cản lớn,” Udomkiat Bunworasate, đối tác và giám đốc quốc gia của Công ty tư vấn Roland Berger Thái Lan, nhận định.
Trong chín tháng đầu năm 2024, BKV báo lỗ ròng 85,4 triệu USD so với lợi nhuận thuần 79,4 triệu USD trong cùng kỳ năm 2023, do giá hàng hóa và sản lượng giảm, cùng các khoản lỗ chưa thực hiện trên sản phẩm phái sinh. Cùng kỳ, chi phí đầu tư giảm 60% xuống 57,3 triệu đô la Mỹ, bao gồm 7,7 triệu đô la Mỹ dành cho phát triển CCUS, vẫn cao hơn 44,4 triệu đô la Mỹ của năm trước.
Bất chấp những thách thức, vị CEO của Banpu vẫn lạc quan về tiềm năng của CCUS, tin rằng dự án có thể làm sạch khí đốt tự nhiên và vẫn tạo ra lợi nhuận.
“Thu giữ carbon sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành công nghiệp khí đốt. Chúng tôi tin rằng BKV vẫn còn nhiều dư địa để phát triển,” Sinon nói.
Để mở rộng quy mô, Banpu sẽ chủ yếu dựa vào dòng tiền. Nhưng với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu dưới 0,9 – thấp hơn nhiều so với mức trần 1,75 – Banpu có đủ dư địa tài chính để vay vốn hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư cho các thỏa thuận lớn hơn.
Sau khi IPO, cổ phiếu BKV đã tăng hơn 33%, vượt mốc 25 USD/cổ phiếu. Suppata Srisuk nhận xét việc niêm yết tại Mỹ giúp Banpu tiếp cận các nguồn vốn lớn hơn, đồng thời thu hút các nhà đầu tư và đối tác tiềm năng.
Trong thời gian tới, theo Sinon, than vẫn là nguồn năng lượng giá rẻ, giúp kiểm soát giá điện và duy trì năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế đang phát triển như Thái Lan.
Để tối ưu hóa hoạt động, anh cho rằng ứng dụng AI là giải pháp thiết thực. “Với khoảng cách trung bình 100km giữa mỏ than và cảng, chúng tôi có thể cải thiện hiệu suất, giảm chi phí và cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon,” Sinon cho biết. Doanh nhân này cũng lưu ý công ty con Indo Tambangraya Megah tại Indonesia đã bắt đầu đưa xe tải điện vào đội xe khai thác.
Dù than đá vẫn là “anh hùng thầm lặng,” Sinon khẳng định điều đó không có nghĩa phải dùng nó mãi mãi. “Chúng ta cần làm cho thế giới trở nên xanh hơn. Điều này cần thời gian và một sự chuyển đổi êm ái,” anh nói.
1 năm trước
7 tháng trước
Bài toán khó của Quy hoạch Điện VIII2 năm trước