Quản trị

Đồng cảm là kỹ năng quan trọng tạo nên nhà lãnh đạo có tầm

Share
this:

Thái độ đồng cảm luôn là kỹ năng quan trọng dành cho những nhà lãnh đạo, nhưng đang có ý nghĩa và mức độ ưu tiên mới.

Thái độ đồng cảm luôn là kỹ năng quan trọng dành cho những nhà lãnh đạo nhưng hiện nay càng có ý nghĩa và mức độ ưu tiên mới. Khác với hướng tiếp cận mềm dẻo, thái độ đồng cảm có thể thúc đẩy kết quả kinh doanh rất tốt.

Thể hiện sự đồng cảm luôn đem lại sự tích cực tới mọi người. Nghiên cứu mới còn chỉ ra tầm quan trọng đối với toàn bộ mọi khía cạnh, từ đổi mới sáng tạo cho đến tình hình giữ chân nhân sự tiếp tục ở lại làm việc trong doanh nghiệp.

Một nhà lãnh đạo giỏi phải là tổng hòa của toàn bộ kỹ năng lãnh đạo để tạo sự gắn bó, hạnh phúc và năng suất làm việc, và thái độ đồng cảm đứng đầu trong danh sách những kỹ năng nhà lãnh đạo cần phải nắm bắt và thực thi đúng.

Thái độ đồng cảm của lãnh đạo đem lại lợi ích cho cả nhân viên và tổ chức. Ảnh: Getty / Forbes

Ảnh hưởng từ sự căng thẳng

Thái độ đồng cảm là rất quan trọng vì mọi người đang phải chịu nhiều căng thẳng. Dữ liệu chỉ ra những căng thẳng đó bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, khiến cho cuộc sống và công việc của chúng ta đảo lộn.

  • Sức khỏe tâm thần. Theo báo cáo toàn cầu từ Qualtrics, có 42% số người bị suy giảm sức khỏe tâm thần. Cụ thể, 67% cho biết có gia tăng căng thẳng, trong khi có 57% gia tăng rối loạn lo âu và 54% kiệt quệ cảm xúc, 53% cảm thấy buồn bã, 50% cáu gắt, 28% gặp khó khăn trong việc tập trung, 20% mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc và 15% không thể suy nghĩ. Còn 12% là gặp khó khăn trong việc cân bằng nhiều thứ trách nhiệm của họ.
  • Đời sống cá nhân. Theo báo cáo từ Occupational Health Science, ta không có được giấc ngủ trọn vẹn là do căng thẳng công việc. Nghiên cứu của trường ĐH Illinois cho thấy, khi nhân viên nhận được email thô lỗ về công việc, họ sẽ có xu hướng tiêu cực và ảnh hưởng tới đời sống cá nhân, nhất là trong hôn nhân. Ngoài ra, nghiên cứu từ ĐH Carleton chỉ ra khi một người gặp phải thái độ khiếm nhã tại nơi làm việc sẽ cảm thấy mình yếu kém về khả năng làm cha mẹ của họ.
  • Năng suất, thay đổi nhân sự và trải nghiệm khách hàng. Theo nghiên cứu được Academy of Management Journal (tạp chí Học viện Quản lý) công bố, khi một người gặp phải điều thô lỗ tại nơi làm việc, năng suất của họ giảm sút và có xu hướng không giúp đỡ người khác. Một nghiên cứu mới từ đại học Georgetown cho thấy hành động khiếm nhã tại nơi làm việc đang tăng lên và ảnh hưởng ngày càng rộng, gồm giảm năng suất làm việc và khả năng phối hợp nhóm, làm giảm đi trải nghiệm khách hàng và khiến tình trạng nhân viên nghỉ việc gia tăng.

Sự đồng cảm đem lại kết quả tích cực

Thái độ đồng cảm có thể là “liều thuốc” hữu hiệu và góp phần nhiều tích cực cho cá nhân và đội ngũ nhân sự, khi chúng ta đang phải trải qua những thời điểm khó khăn, “sức tàn lực kiệt” hay không cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc. Một nghiên cứu từ Catalyst đối với 889 nhân viên cho thấy sự đồng cảm có một số ảnh hưởng đáng kể:

  • Đổi mới sáng tạo. 61% nhân viên có xu hướng trở nên sáng tạo hơn khi có nhà lãnh đạo đồng cảm so với chỉ 13% nếu lãnh đạo của họ kém đồng cảm.
  • Gắn bó. 76% người nhận được sự đồng cảm từ lãnh đạo cho biết họ gắn bó với công việc hơn so với 32% người có lãnh đạo kém đồng cảm.
  • Duy trì nhân sự của doanh nghiệp. 57% phụ nữ da trắng và 62% phụ nữ da màu cho biết gần như không suy nghĩ đến việc rời bỏ nơi làm việc khi thấy hoàn cảnh sống của mình được công ty tôn trọng và trân quý. Nhưng khi họ không thấy như vậy, chỉ 14% phụ nữ da trắng và 30% phụ nữ da màu cho biết gần như không cân nhắc thôi việc.
  • Tính hòa nhập. 50% những người có lãnh đạo đồng cảm cho biết nơi làm việc của họ có tính hòa nhập, so với chỉ 17% nếu lãnh đạo có ít thái độ đồng cảm.
  • Công việc – cuộc sống. Khi một người cảm nhận lãnh đạo của họ đồng cảm hơn, 86% cho biết có thể xử lý được nhu cầu của công việc và cuộc sống, giải quyết được các trách nhiệm của bản thân, gia đình và công việc. Trong khi đó, nếu lãnh đạo không đồng cảm, chỉ khoảng 60% làm được điều đó.

Một yếu tố khác là phối hợp. Theo nghiên cứu được Evolutionary Biology công bố, khi đưa có sự đồng cảm khi đưa ra quyết định, điều này sẽ tăng hợp tác và giúp cho mọi người trở nên thấu hiểu hơn. Đồng cảm tạo ra nhiều đồng cảm hơn.

Sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của Qualtrices cho thấy khi những nhà lãnh đạo nhận thức hơn về đồng cảm, mọi người sẽ có được sức khỏe tâm thần tốt hơn.

Lãnh đạo bằng sự đồng cảm

Lãnh đạo có thể thể hiện sự đồng cảm thông qua hai cách.

Đầu tiên, họ có thể quan tâm đến suy nghĩ của người khác thông qua đồng cảm về nhận thức (Đặt trong vị trí của người khác, tôi suy nghĩ thế nào?). Lãnh đạo cũng có thể tập trung vào cảm nhận bằng sự đồng cảm về cảm xúc (Ở vị trí của họ, cảm giác của tôi là…).

Nhưng lãnh đạo thành công nhất không chỉ từ việc quan tâm đến người khác, mà còn bày tỏ sự lo lắng và thăm hỏi trực tiếp về những khó khăn, lắng nghe phản hồi của nhân viên.

Lãnh đạo không nhất thiết phải là chuyên gia về sức khỏe tâm thần để thể hiện sự quan tâm và chú ý tới người khác. Chỉ cần kiểm tra, hỏi thăm và gợi ý cho nhân viên về những gì mà họ muốn chia sẻ. Lãnh đạo cũng có thể tìm hiểu về những hỗ trợ của công ty đối với sức khỏe tâm thần để có thể đưa ra những nguồn hỗ trợ bổ sung.

Nhà lãnh đạo giỏi cần hành động. Lãnh đạo biết “biến lời nói thành hành động” sẽ giúp cho mọi người cảm thấy tin tưởng hơn và có được cảm nhận rất lớn về sự gắn bó và cam kết.

Trên hết, hiểu biết về tình cảnh của một người nào khác nên được thể hiện bằng lòng trắc ẩn và hành động. Sự đồng cảm trong hành động là thấu hiểu về những trắc trở của nhân viên và đưa ra hỗ trợ. Ghi nhận quan điểm và tổ chức buổi thảo luận về sức khỏe để xây dựng giải pháp làm việc tốt hơn.

Ghi nhận quan điểm và lời khuyên mới từ các thành viên sẽ giúp cho công ty đạt được thành công lớn hơn. Có câu “Mọi người có thể không nhớ những gì mà ta đã nói, nhưng lại ấn tượng về những gì ta đã làm cho họ”.

Tóm lại, sự đồng cảm đem lại mối quan hệ và văn hóa làm việc tích cực trong tổ chức cũng như thúc đẩy kết quả kinh doanh. Đó có thể không phải là kỹ năng mới nhưng lại mang tầm quan trọng mới.

Biên dịch: Minh Tuấn