Chỉ số Nhà quản trị mua hàng – Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 tiếp tục ở mức dưới 50 điểm do đơn đặt hàng mới giảm mạnh.
Trong báo cáo vừa được S&P Global công bố hôm 1.7, PMI của ngành sản xuất Việt Nam ở mức 48,9 điểm, giảm 0,9 điểm so với tháng 5. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm.
Tác nhân chính khiến PMI tháng 6 giảm là do số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ nhưng tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng trước, S&P đánh giá.
Nhu cầu giảm đặc biệt mạnh ở các thị trường xuất khẩu khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, tương đương mức của tháng 5.2023 và là mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 9.2021. Một số người trả lời khảo sát cho biết thuế quan của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm đã khiến việc làm, hoạt động mua hàng và hàng tồn kho giảm trong tháng 6.
Số lượng nhân công giảm tháng thứ chín liên tiếp với tốc độ giảm nhanh hơn nhiều so với tháng 5. Các công ty hoạt động mua sắm vào tháng 6, tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đã giảm mạnh hơn vào cuối quý 2.
Hoạt động sản xuất đối mặt với áp lực chi phí đầu vào tăng dù tốc độ tăng giá đầu ra yếu. Ở những nơi chi phí đầu vào tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và sự giảm giá của tiền đồng so với đô la Mỹ.
Chi phí đầu vào tăng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá cả đầu ra, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 5 tháng vừa qua.
Cuối cùng, niềm tin kinh doanh tiếp tục hồi phục với hy vọng về tình trạng thị trường ổn định hơn và căng thẳng thương mại giảm bớt. Tuy nhiên, mức độ lạc quan vẫn thấp hơn so với trung bình của lịch sử chỉ số.
Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: “Nửa đầu năm 2025 mang nét đặc trưng của sự biến động và bất ổn, đặc biệt là liên quan đến hoạt động thương mại. Niềm tin kinh doanh đã hồi phục ở mức nhất định nhưng tâm lý tích cực chủ yếu dựa vào hy vọng về một bức tranh ổn định hơn trong thời gian tới.”
Tâm lý lạc quan trong thận trọng cũng được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ghi nhận. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý2. 2025 ở mức 61,1 – giảm nhẹ so với quý trước trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là sự lạc quan có kiểm soát.
Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert chia sẻ: “Gần ba phần tư lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư – xu hướng nhất quán qua những kỳ BCI gần đây. Xu hướng này chứng tỏ một niềm tin vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.”
Một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tâm lý thị trường hiện nay là sự bất định xoay quanh các biện pháp thuế đối ứng của Mỹ. Lo ngại về những điều chỉnh thuế quan khó lường tiếp tục tạo áp lực lên các kế hoạch trung và dài hạn lên doanh nghiệp, nhất là những công ty có chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Tuy nhiên, những chính sách thuế quan phần lớn vẫn chưa được ghi nhận có tác động đáng kể về mặt tài chính với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Chỉ 15% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã phải chịu các khoản phạt do vi phạm hợp đồng, đơn hàng bị chậm hoặc hủy, hay phải tái đàm phán giá cả. Đặc biệt, 5% thậm chí báo cáo mức lợi nhuận ròng tích cực tính đến thời điểm khảo sát.
Một trong những công cụ then chốt giúp doanh nghiệp duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh thương mại toàn cầu phức tạp chính là giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi thuế quan, củng cố niềm tin với các đối tác quốc tế.
Việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể xác minh sản phẩm trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham
Theo khảo sát BCI, 56% doanh nghiệp – chủ yếu là các tập đoàn quy mô lớn – cho biết họ nộp chứng từ C/O hàng tháng. Trong khi phần lớn doanh nghiệp nhận được C/O trong khoảng 3–5 ngày làm việc (5% nhận trong 24 giờ làm việc) vẫn còn 12% phản ánh tình trạng chậm trễ kéo dài hơn một tuần, có thể dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí hoạt động.
“Khi những biến động địa chính trị tiếp tục tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể xác minh cho sản phẩm trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết,” ông Jaspaert nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam duy trì sự kỳ vọng tích cực nhưng thực tế. Dữ liệu BCI quý 2 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự ổn định kinh tế còn 50%, giảm 8 điểm phần trăm so với quý trước.
“Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không đồng nghĩa với xu hướng bi quan gia tăng. Thay vào đó, nó phản ánh kỳ vọng thận trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động khó lường.
Phần lớn doanh nghiệp không dự đoán tình hình sẽ xấu đi, cho thấy đây là một giai đoạn ‘tạm dừng để quan sát,” ông Thue Quist Thomasen – CEO của Decision Lab, đối tác thực hiện khảo sát BCI cho biết.