Việt Nam không thể chậm trễ trong việc rà soát chính sách hiện hành cách toàn diện để tìm hướng đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo vị thế cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Khu vực FDI đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế trong nước: thu hút khoảng 5,1 triệu lao động, chiếm khoảng 73%–74% giá trị xuất khẩu, đóng góp khoảng 28% ngân sách và chiếm 23,4% vốn đầu tư vào nền kinh tế giai đoạn 2016–2019.
Dòng vốn FDI không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng trưởng, cải thiện cán cân thương mại trong nước mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến dầu khí và nhiều lĩnh vực khác.
Trong quá khứ, hầu hết các biện pháp thu hút vốn FDI của Việt Nam dựa vào chính sách ưu đãi thuế. Tháng 10.2021, Việt Nam nằm trong nhóm 136 quốc gia thuộc Diễn đàn Hợp tác chung của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tham gia vào Tuyên bố chung về việc thực hiện chống Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS2.0).
Ngược dòng thời gian, BEPS 1.0 ra đời vào năm 2012 do các nước OECD khởi xướng nhằm tìm kiếm một giải pháp ứng phó với việc các công ty đa quốc gia lợi dụng sự khác biệt về chính sách thuế của các vùng lãnh thổ, thực hiện chuyển lợi nhuận giữa các nước nhằm trốn thuế hoặc chỉ phải nộp một mức thuế thấp.
Trong bối cảnh nền kinh tế số hóa phát triển mạnh mẽ, nhiều công ty đa quốc gia có thể kinh doanh trên phạm vi toàn cầu nhưng không cần thành lập bất kỳ văn phòng hay trụ sở nào tại các quốc gia khác mà vẫn có thể tạo ra thu nhập khổng lồ.
BEPS 2.0 ra đời với mục đích đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia, tránh các biện pháp đơn phương, đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia sẽ trả thuế một cách công bằng ở các thị trường mà họ kinh doanh. Hiểu một cách ngắn gọn BEPS 2.0 gồm hai trụ cột, được gọi là Trụ cột 1 và Trụ cột 2, cụ thể:
Trụ cột 1 áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 20 tỉ euro, giảm dần xuống 10 tỉ euro trong vòng 7 năm và có tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu lớn hơn 10%. Đối với các công ty này, 25% khoản lợi nhuận thặng dư trên 10% (khoản A) sẽ phải phân bổ cho các quốc gia mà các công ty này có hoạt động kinh doanh theo một công thức nhất định. Hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới sẽ nằm trong diện điều chỉnh này.
Trụ cột 2 áp dụng cho các công ty có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro. Theo đó, các tập đoàn này sẽ phải trả mức thuế tối thiểu 15% trên thu nhập tính theo nguyên tắc của Trụ cột 2 tại mỗi vùng lãnh thổ mà công ty đó có hoạt động. Nếu mức thuế suất thực tế nhỏ hơn 15%, họ sẽ phải trả một khoản thuế bổ sung theo các quy tắc tính toán nhất định.
Các nguyên tắc của Trụ cột 2 hoạt động theo một cơ chế tương đối phức tạp, nhưng ý nghĩa của nó lại khá đơn giản: các công ty đa quốc gia phải trả phần thuế của mình một cách công bằng tại tất cả các quốc gia mà họ có hoạt động.
Trụ cột 2 được xem là một bước tiến lịch sử về cải cách thuế quốc tế, đặc biệt là cơ sở đặt dấu chấm hết cho những “thiên đường thuế”, những quốc gia và vùng lãnh thổ không đánh hoặc đánh thuế thu nhập rất thấp, nơi các công ty đa quốc gia “giấu” lợi nhuận của họ thông qua việc thành lập các công ty vỏ bọc (công ty không cần phải có bất kỳ nhân viên hoặc hoạt động nào trong khu vực tài phán).
Việt Nam chưa có công ty nào lọt vào danh sách Trụ cột 1 và có thể được chia sẻ quyền đánh thuế trong khoản A. Trong khi đó, Trụ cột 2 dự báo sẽ ảnh hưởng tới thu hút vốn FDI của Việt Nam. Chính sách thuế từ trước đến nay vẫn thuộc về lựa chọn của mỗi quốc gia, việc triển khai phân bổ lại quyền đánh thuế cho các quốc gia, đặt ra quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu, có thể sẽ vô hiệu hóa vũ khí cạnh tranh thu hút vốn FDI bằng ưu đãi thuế.
Trụ cột 2 có thể khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang cạnh tranh thu hút nguồn vốn FDI như Việt Nam phải thực sự lo lắng. Với BEPS 2.0, các biện pháp ưu đãi thuế trên tiêu chí thu nhập, vốn được sử dụng rộng rãi hiện nay như một công cụ thu hút đầu tư, sẽ bị giảm hiệu lực.
Thực tế cho thấy trong hơn 30 năm qua, Việt Nam thu hút đầu nước ngoài chủ yếu qua việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ưu đãi thuế luôn là một công cụ thu hút đầu tư quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến Việt Nam. Thậm chí, có thể nói đây là một tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng và quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia khi họ cân nhắc đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam hay các quốc gia láng giềng.
Khi Trụ cột 2 được áp dụng, các công ty đa quốc gia thuộc điều chỉnh của Trụ cột 2 có mức thuế suất hiệu quả (effective tax rate) tại Việt Nam thấp hơn 15%, có thể sẽ phải nộp thuế suất bổ sung (top-up tax) tại nước họ đặt trụ sở chính. Điều này làm giảm tác dụng của ưu đãi thuế mà các công ty con của họ đã và đang hoặc sẽ được hưởng tại Việt Nam. Vì vậy, nếu bỏ ưu đãi thuế, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn so với trước đây.
Việc này không chỉ hạn chế sự chuyển dịch, hạn chế đầu tư từ các tập đoàn lớn mà cả từ các công ty vệ tinh trong chuỗi cung ứng. Kết quả, Việt Nam đối diện với nguy cơ sụt giảm cả về số lượng và chất lượng vốn đầu tư nước ngoài. Ở cấp vĩ mô, điều này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia, cũng như sự tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Phản ứng chính sách của mỗi quốc gia trong việc thực thi BEPS 2.0 sẽ khác nhau nhưng đều đảm bảo không bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh “nâng hạng” sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Theo nghiên cứu gần đây của OECD, ảnh hưởng của Trụ cột 2 đối với các nền kinh tế đang thực thi chính sách ưu đãi thuế là khác nhau. Trụ cột 2 không loại bỏ hoàn toàn tác dụng của các biện pháp ưu đãi thuế nhưng có tác dụng hạn chế các biện pháp ưu đãi thu hút đầu tư hiệu quả thấp:
• Ưu đãi thuế vẫn có thể áp dụng với các công ty không nằm trong phạm vi của Trụ cột 2. Do vậy chính sách thu hút đầu tư có thể cân nhắc đến các nhóm đối tượng là các nhà đầu tư khác nhau không thuộc phạm vi điều chỉnh, như các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro.
• Áp dụng thuế suất thuế tối thiểu nội địa để tránh bị mất nguồn thu thuế.
• Các công ty có hoạt động đầu tư thực chất – đầu tư nhiều vào tài sản hữu hình và sử dụng nhiều lao động – càng lớn thì càng ít chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2 vì họ có thể được lợi thế từ khoản giảm trừ thu nhập dựa trên thực chất (substance-based income exclusion-SBIE) theo công thức của Trụ cột 2 và do đó số thuế phải nộp bổ sung sẽ ít đi.
• Các ưu đãi thuế có mục đích cụ thể sẽ ít khả năng bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2 hơn các ưu đãi thuế mà điều kiện rộng, cào bằng. Ví dụ sử dụng các ưu đãi nhằm vào một số loại thu nhập hoặc chi phí cụ thể thay vì ưu đãi có tiêu chí rộng, vì Trụ cột 2 tính toán thuế bổ sung trên cơ sở hòa chung tất cả các khoản thu nhập của một công ty đa quốc gia tại mỗi vùng lãnh thổ.
• Các ưu đãi dựa trên chi phí liên quan đến chi tiền lương hoặc chi cho các tài sản hữu hình có thể ít bị tác động bởi Trụ cột 2 hơn các ưu đãi dựa trên thu nhập, vì các ưu đãi này đi kèm với việc doanh nghiệp phải tăng chi cho các yếu tố thuộc khoản giảm trừ thu nhập.
• Các ưu đãi thuế cho phép doanh nghiệp thu hồi nhanh chi phí đầu tư tài sản hữu hình thông qua khấu hao nhanh hay ghi luôn vào chi phí không bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2.
• Các khoản ưu đãi bằng tiền hoặc theo hình thức các khoản giảm trừ thuế có thể được hoàn cũng không bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2, vì quy tắc Trụ cột 2 cho phép ghi nhận các khoản hỗ trợ này là thu nhập của doanh nghiệp, giống với hạch toán kế toán.
Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp FDI, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các doanh nghiệp đều thể hiện nỗ lực cao trong việc tuân thủ quy định pháp luật về thuế của Việt Nam. Nghiên cứu của OECD chỉ ra các hàm ý chính sách để chính phủ các nước, trong đó có chính phủ Việt Nam cần hành động sớm.
Khi Trụ cột 2 làm giảm hiệu quả của việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế trước đây, các công ty đa quốc gia chịu tác động của Trụ cột 2 sẽ buộc phải xem xét các yếu tố khác ngoài thuế như cơ sở hạ tầng, thị trường tiêu thụ, môi trường chính sách kinh doanh, sự ổn định chính trị, chất lượng lao động và các biện pháp hỗ trợ đầu tư ngoài thuế khác để quyết định địa điểm đầu tư.
Trụ cột 2 là cú hích để nhiều nước, trong đó có Việt Nam không thể chậm trễ trong việc rà soát các chính sách hiện hành một cách toàn diện, tìm ra hướng đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo vị thế cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
————————————-
Theo Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022.
Ghi chú dành cho độc giả: Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.
3 tháng trước
Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam3 tháng trước
Để không phụ thuộc vào vốn FDI2 năm trước