Doanh thu dịch vụ từ các thị trường nước ngoài Viettel đầu tư lần đầu tiên vượt mốc 70.000 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD) – tương đương với doanh thu từ thị trường trong nước.
Trong thông cáo về kết quả kinh doanh gửi báo chí hôm 3.1, tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội cho biết năm 2022 nguồn ngoại tệ chuyển về nước gần 500 triệu USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua. “Tính lũy kế đến hết năm 2022, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài,” báo cáo cho biết.
Doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm 2022 đạt khoảng 163.800 tỉ đồng, tăng 6,1% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 43.100 tỉ đồng, tăng 3% – là mức cao nhất trong năm năm qua và tiệm cận lại mức lợi nhuận của “giai đoạn hoàng kim” 2014-2017.
Tập đoàn quân đội cũng cho biết mức đóng góp vào ngân sách nhà nước năm qua khoảng 38.000 tỉ đồng, tương đương mức trước dịch năm 2019.
“Đóng góp vào mức tăng trưởng của năm qua trên tất cả lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số và sản xuất công nghiệp công nghệ cao”, Viettel cho biết.
Viettel tiếp tục giữ vững vị trí nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Việt Nam với 54% thị phần, tốc độ tăng trưởng này bằng 1,5 lần mức trung bình ngành trên thế giới.
Năm qua tập đoàn quân đội ghi nhận sự bứt phá ở các lĩnh vực: giải pháp và dịch vụ số; thương mại điện tử và logistics; và an ninh quốc phòng.
Doanh thu từ các giải pháp công nghệ thông tin tăng 58%. Đáng chú ý với thuê bao Viettel Money vượt mốc 5 triệu và nền tảng truyền hình OTT TV 360 cũng đạt mốc 10 triệu người xem. Tập đoàn quân đội cũng ra mắt Viettel Cloud, một trong hệ sinh thái điện toán đám mây được đánh giá đa dạng nhất Việt Nam hiện nay.
Song song với các giải pháp chuyển đổi số cung cấp cho các ngành giáo dục, y tế và giao thông, Viettel triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho chính quyền 35 tỉnh thành và xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 20 địa phương.
Ở lĩnh vực an ninh quốc phòng, viện Hàng không Vũ trụ Viettel ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỉ đồng. “Viettel đã nghiên cứu, làm chủ và chế tạo thành công các loại khí tài chiến lược quan trọng, trở thành hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Hệ sinh thái hạ tầng viễn thông 5G của Viettel đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G,” báo cáo nêu.
2022 là năm đầu tiên Viettel hoạt động dưới sự điều hành của thế hệ lãnh đạo mới với nhiều nhân sự trẻ được bổ sung hầu hết ở thế hệ 7X và 8X. Cùng với chủ tịch – tổng giám đốc tập đoàn Tào Đức Thắng là các vị trí chủ chốt lãnh đạo từ 8 tổng công ty thành viên…
Tập đoàn quân đội bắt đầu lập công ty đầu tư ra nước ngoài năm 2007 với thị trường đầu tiên tại Campuchia, đến nay hiện diện tại 10 thị trường quốc tế ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi với tổng quy mô dân số khoảng 240 triệu.
1 tháng trước
Tham vọng tỉ đô của TowerCo số 1 Việt Nam2 năm trước