multi-media / Megastory

Dinh Tổng lãnh sự Pháp 150 tuổi lần đầu mở cửa đón công chúng tham quan

Dinh Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, một trong những kiến trúc biểu tượng của Đông Dương thế kỷ 19, lần đầu tiên mở cửa đón công chúng tham quan.

Tòa dinh thự này là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại TP.HCM cùng với các thiết kế khác như Dinh Norodom (1868-1873, nay là Dinh Độc Lập), Đại chủng viện Thánh Giu-se (1863) hoặc Nhà thờ Đức Bà (1877-1880), Bưu điện Thành phố (1886-1891).

Tòa nhà tiêu biểu cho kiến trúc Đông Dương thế kỷ 19, từng là nơi ở của thống đốc quân đội thuộc địa và tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Kỳ. Sau năm 1954 là Dinh Đại sứ Pháp ở miền Nam và từ năm 1975 tòa nhà là tư dinh của các tổng lãnh sự Pháp. Nằm trong chuỗi hoạt động “Những ngày Di sản châu Âu” và kỷ niệm 150 năm tòa dinh thự, lãnh sự Pháp lần đầu tiên mở cửa cho công chúng tham quan.

Dinh thự 150 tuổi này gắn với công viên 1.5 ha, có nhiều cây cổ thụ quý cùng tuổi với dinh thự. Khu vườn được tu sửa năm 2000, trở thành nơi cho các loài chồn hương, sóc và chim quý hiếm chọn sinh sống.

Trung tâm dinh thự là phòng khánh tiết chuyên tổ chức các sự kiện của tổng lãnh sự với thiết hòa quyện văn hóa Đông – Tây, với tâm điểm là bức tranh sơn mài “Vườn xuân” của danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1939 (trên tường bên phải).

Nhiều hiện vật, đồ nội thất theo phong cách triều Nguyễn hoặc do người Pháp mang sang, có tuổi thọ lâu đời được trưng bày trong dinh thự.
Tủ muỗng nĩa ở góc hành lang. Nhiều món đồ làm bằng bạc khắc chữ tắt theo thời kỳ chế tác như N (Napoléon III), GG (toàn quyền), RF (Cộng hòa Pháp)…
Cầu thang xoắn ốc làm từ tàu chiến của Pháp với cấu trúc cho phép tháo rời và di chuyển khi cần thiết.

Bức bình phong gỗ sơn mài với 8 mảng riêng biệt được trưng bày trên tường phòng khánh tiết. Nhiều hiện vật trưng bày trong dinh thự được chuyển đến từ Dinh Norodom (nay là Dinh Độc Lập) và từ lãnh sự quán cũ của Pháp tại Đà Nẵng.

Phòng ăn lớn của dinh thự, nơi lãnh sự chiêu đãi quan khách.

3 bia mộ không hài cốt ở cuối khuôn viên dinh thự khắc biểu tượng Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Do thái giáo, với ý nghĩa tưởng nhớ các binh lính trong cuộc chiến tại Việt Nam bất kể quốc tịch, tôn giáo hay màu da.


Bên cạnh giá trị lịch sử, dinh thự còn là nơi được thiết kế đặc biệt về kỹ thuật thi công và kiến trúc, công trình sử dụng vật liệu cát trộn với mật mía, khung tòa nhà bằng thép và kim loại, gạch được nhập từ Pháp.

Những ngày Di sản châu Âu là sáng kiến được Pháp khởi xướng năm 1984, theo đó công chúng sẽ được viếng thăm các công trình kiến trúc thường ngày không mở cửa đón khách do sử dụng cho mục đích hành chính, ngoại giao… Sự kiện thành công đã được mở rộng ra toàn liên minh châu Âu và trở thành “Những ngày di sản châu Âu” kể từ năm 2000.

Năm nay là lần thứ 39 Những ngày Di sản châu Âu được tổ chức với chủ đề tôn vinh “Di sản bền vững” hướng đến tính thời sự trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.