Công ty khóa kéo lớn nhất thế giới YKK vừa chuyển bộ phận kinh doanh toàn cầu từ Nhật Bản đến Việt Nam, quốc gia đang cung ứng khoảng một tỉ dây khóa kéo mỗi năm cho các thương hiệu thời trang hàng đầu.
Bạn là một tín đồ của các thương hiệu thời trang như Uniqlo, Nike, Adidas, Decathlon, Columbia nhưng có thể bạn không biết đến cái tên YKK. Đơn giản là vì YKK dường như đóng vai trò khiêm tốn, chỉ là một chiếc khóa kéo trên các sản phẩm.
Doanh nghiệp 89 năm tuổi này đứng đầu ngành công nghiệp khóa kéo toàn cầu trong nhiều thập niên. Chiếc khóa kéo YKK hiện diện khắp nơi trong ngành thời trang thế giới từ quần jean, đến áo khoác, túi xách, ví và thậm chí được dùng cho bộ quần áo của các phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng hơn nửa thế kỷ trước.
Tại Việt Nam, YKK sản xuất khoảng một tỉ dây khóa kéo mỗi năm, nếu nối lại thì dài gấp 92 lần chiều dài đường bờ biển Việt Nam hay 250 lần khoảng cách giữa Hà Nội – TP.HCM. Công ty có hai nhà máy ở hai miền Nam – Bắc (tại Đồng Nai và Hà Nam), 80% sản phẩm được phục vụ “xuất khẩu tại chỗ”, cung cấp đến các khách hàng lớn nhất như Uniqlo, Nike, Adidas, Decathlon và Columbia.
Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, YKK đưa bộ phận kinh doanh toàn cầu đến một quốc gia bên ngoài Nhật Bản và Việt Nam là cái tên được lựa chọn. Vì sao là Việt Nam? “Ở Việt Nam không chỉ có các công ty Việt Nam mà còn có các nhà sản xuất đa quốc gia. Đặt trụ sở bộ phận kinh doanh toàn cầu ở Việt Nam có thể nhìn ra được cả thế giới,” ông Toru Shikita, phó chủ tịch phụ trách bộ phận kinh doanh toàn cầu của YKK nói với Forbes Việt Nam trong buổi phỏng vấn độc quyền tại văn phòng công ty ở TP.HCM.
Với kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44 tỉ đô la Mỹ năm 2022, hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu hàng dệt may. Điều này tác động tích cực đến các công ty trong chuỗi cung ứng như YKK, trở thành lý do YKK chuyển trụ sở chính của bộ phận bán hàng toàn cầu từ Nhật Bản sang Việt Nam.
Dây khóa kéo là sản phẩm giao dịch ở thị trường B2B, với quy mô thị trường khóa kéo toàn cầu khoảng 14 tỉ đô la Mỹ năm 2022 và sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2023-2032 ở mức gần 7,8%, theo Market Research Future.
Ngoài YKK, một số công ty khóa kéo nổi bật trong ngành gồm Riri (Thuỵ Sĩ), SBS (Trung Quốc), YBS (Trung Quốc). Trong ngành công nghiệp thời trang, hai công ty lớn tại châu Á là YKK và SBS đang sản xuất hơn một nửa số lượng khóa kéo trên toàn cầu. SBS vươn lên vị trí thứ hai toàn cầu, xét về số lượng và thống trị ngành này ở Trung Quốc dù ra đời muộn hơn YKK 50 năm.
Hiện tại, YKK có mạng lưới hoạt động tại 72 quốc gia. Tập đoàn công bố đạt gần 353 tỉ yen doanh thu thuần mảng dây khoá kéo, nút (khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ) trong năm tài chính 2022 (từ tháng 4.2021–3.2022). Với khẩu hiệu “Little parts, big difference” (Những chi tiết nhỏ đem lại sự khác biệt lớn), hai mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn là dây khóa kéo, nút (đóng góp gần 44% doanh thu thuần) và AP (rèm, hệ vách cửa).
Hiện nay, 90% sản lượng khóa kéo của YKK sản xuất bên ngoài Nhật Bản. Năm tài chính 2022, tập đoàn này sản xuất hơn 10 tỉ dây khóa kéo, nếu nối lại dài khoảng ba triệu km, gấp 75 vòng xích đạo. Không chỉ tự sản xuất một số linh kiện như dây đồng, đục các răng cưa, tự dệt chỉ… YKK còn chế tạo thiết bị sản xuất khóa kéo.
YKK có mặt tại Việt Nam từ năm 1998. Một năm sau đó, công ty xây nhà máy đầu tiên tại khu công nghiệp Amata (Đồng Nai). Năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO, cú hích kéo theo nhiều công ty thời trang trên toàn cầu đến đầu tư sản xuất mở rộng kinh doanh, đưa Việt Nam thành một trung tâm gia công sản phẩm thời trang.
Sau nhà máy đầu tiên, năm 2018, YKK khởi công xây thêm nhà máy thứ hai tại Hà Nam nhằm tăng khả năng phục vụ các đối tác ngành thời trang. Sau 25 năm hiện diện, YKK Việt Nam tăng sản lượng sản xuất dây khóa kéo gấp 100 lần, số lượng nhân sự tăng gấp bảy lần, lên 2.800 người. Dự kiến cuối năm 2023, YKK hoàn tất mở rộng quy mô sản xuất nhà máy ở Hà Nam, nâng dần sản lượng cung ứng lên 1,3–1,5 tỉ sản phẩm/năm.
Việt Nam đang nằm trong tốp ba quốc gia sản xuất lượng lớn sản phẩm khóa kéo YKK, bên cạnh Trung Quốc và Bangladesh. Ông Toru Shikita cho biết YKK có nhà máy ở nhiều nước nhưng ít có nhà máy đủ quy trình từ A–Z, từ sản xuất các linh kiện đến lắp ráp thành phẩm như ở Việt Nam.
Hiện nay, hai nhà máy của YKK có thể dệt sợi thành băng vải, đục các răng cưa của dây kéo kim loại hay tự sản xuất đầu khóa thay vì phải nhập khẩu như giai đoạn đầu YKK tham gia thị trường. Theo thông tin tự bạch, dây khóa kéo của YKK Việt Nam có 30.000 màu, số lần kéo lên kéo xuống tối thiểu 1.000 lần tùy loại sản phẩm, thời gian giao hàng sau từ 5–10 ngày xác nhận đơn hàng tùy theo mặt hàng phức tạp hay đơn giản, số lượng nhiều hay ít.
Ông Toru Shikita cho biết, trước đây YKK Việt Nam phải nhập một số sản phẩm đầu khóa kéo từ các công ty YKK nước ngoài để cung cấp cho các khách hàng nội địa nhưng hiện nay, nhà máy ở Việt Nam đã sản xuất đa phần các sản phẩm của YKK.
Ngoài “xuất khẩu tại chỗ”, sản phẩm được xuất khẩu sang các nước như Campuchia và Myanmar. Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu thời trang như Nike, Adidas, Decathlon, và YKK Việt Nam cung cấp trực tiếp sản phẩm đến các nhà máy sản xuất, gia công cho các thương hiệu này.
Hơn 50% sản lượng giày, khoảng 26% tổng sản phẩm hàng may mặc của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Khoảng 15% quần áo thể thao của Adidas vào năm 2021 sản xuất ở Việt Nam. Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, hiện hợp tác với 69 nhà máy gia công và 11 nhà máy cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam.
“Chúng tôi tập trung các sản phẩm từ tầm trung trở lên. Đa phần sản phẩm của Uniqlo sử dụng khóa kéo YKK, còn Nike, Adidas khoảng 70–80%,” ông Toru Shikita cho biết. Một bài viết đăng trên Harvard Business Review năm 2022 cho biết YKK chiếm 40% thị phần theo giá trị và 20% thị phần theo số lượng khóa kéo toàn cầu.
Trong ngành dệt may, thời gian cung ứng là một yếu tố quan trọng đánh giá năng lực của nhà sản xuất. Với các hãng “thời trang nhanh”, họ cần nhà sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu về mẫu mã, sản lượng để có thể nhanh chóng đưa các mẫu thiết kế từ sàn diễn ra cửa hàng bán lẻ chỉ trong vài tuần.
Một số khách hàng lớn của YKK có yêu cầu cao hơn như đặt in logo của họ lên dây kéo. Trước đây, nhà máy tại Việt Nam chưa thể thực hiện điều này, YKK Việt Nam phải mất một tháng để nhập sản phẩm. Từ năm 2015, công ty thành lập bộ phận phát triển sản phẩm và đến nay có thể trực tiếp nhận đơn hàng của các thương hiệu trên, sản xuất cung ứng trong khoảng 10 ngày.
Ông Toru Shikita cho biết giai đoạn cao điểm sản xuất ngành may mặc tại Việt Nam kéo dài từ tháng ba đến tháng năm hằng năm cho các sản phẩm mùa thu đông. Tại Việt Nam, YKK áp dụng hệ thống tự động hóa từ năm 2018 để nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian giao hàng chỉ bằng phân nửa trước đây. “Trước đây nhân viên nhận đơn qua email, sau đó gắp từng dữ liệu nhập vào bảng đặt hàng. Tổng thời gian từ khi nhận email đến khi báo cho nhà máy mất năm ngày nhưng năm ngày đó cũng là chi phí cơ hội,” ông Shikita nói.
Vị này cho biết hiện nay, đa số nguyên vật liệu đầu vào để YKK Việt Nam sản xuất dây khóa kéo có thể mua từ nhà cung ứng nội địa, trừ một số vật liệu đặc thù phải nhập khẩu như dây đồng do YKK tự sản xuất.
YKK được thành lập vào năm 1934. Nhà sáng lập Tadao Yoshida tự mày mò thiết bị sản xuất dây khóa kéo rồi liên tục cải tiến cỗ máy sản xuất theo thời gian. Loại máy của riêng YKK, không được bán ra ngoài thị trường, góp phần tạo nên nét đặc trưng sản phẩm khóa kéo của công ty trên toàn cầu. Ngày nay, các chi tiết về cách thức hoạt động của máy móc YKK vẫn là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Toru Shikita cho biết, trong nhà máy sản xuất, một số máy móc dùng cho công đoạn sơn, xi mạ có thể được mua từ các nhà cung cấp máy công nghiệp, trong khi thiết bị sản xuất thanh trượt hay máy dùng để hoàn thiện dây kéo đều do YKK tự sản xuất. “Với máy mình tự sản xuất, các kỹ sư có thể tự nghiên cứu cải tiến, tiếp tục sản xuất máy móc tốt hơn. Đây không chỉ là bí mật công nghệ mà còn là lợi thế cạnh tranh,” ông chia sẻ.
Kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào đầu thập niên 1990, chi phí lao động thấp hơn các nước trong khu vực thường được xem như một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Năm 2011, tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 76 đô la Mỹ/tháng/người, tương đương 42,6% so với Thái Lan; 71,7% Trung Quốc, 72% Indonesia.
Sau 10 năm, tiền lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng gấp gần ba lần, nhanh hơn so với năng suất lao động. Khi chi phí nhân công Việt Nam tăng lên, một số thương hiệu thời trang nổi tiếng đã dịch chuyển sản xuất sang một số quốc gia láng giềng.
Theo Báo cáo năm 2020 của tổ chức Năng suất Châu Á (APO), năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Malaysia 40 năm, Thái Lan 10 năm và trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (gấp hai lần), Myanmar (gấp gần 1,6 lần). Nhà sản xuất khóa kéo hàng đầu thế giới như YKK làm cách nào để không bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành, đặc biệt khi chi phí lao động đang gia tăng?
Tự động hoá là chìa khóa góp phần giúp tăng năng suất lao động, ổn định chất lượng sản phẩm. Theo ông Toru Shikita, những công việc đơn giản, mang tính lặp đi lặp lại như bốc xếp hàng từ kho đến nơi sản xuất có thể dùng hệ thống tự động.
Con người cần tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo trì máy móc. YKK cũng đã chuẩn bị cho kịch bản khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế của các quốc gia như Việt Nam. Trong tương lai, công ty sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) kết nối tất cả các nhà máy trên thế giới cũng như liên kết dữ liệu, dự báo nhu cầu khách hàng và hàng tồn kho, tối ưu chuỗi cung ứng. Đầu năm 2022, họ vận hành dây chuyền sản xuất tự động tại Nhật Bản.
Ông Shikita, người có 13 năm điều hành YKK Việt Nam, được bổ nhiệm làm phó chủ tịch phụ trách bộ phận bán hàng toàn cầu của YKK từ tháng 4.2023. Năm 2009, khi được giao vị trí giám đốc điều hành YKK Việt Nam, ở tuổi 39 tuổi, ông là nhân viên trẻ nhất trong tập đoàn được giao vị trí này.
Hiện nay, ông Toru Shikita đặt niềm tin vào dư địa tăng trưởng trong dài hạn của ngành dệt may Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng đạt khoảng 70 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030. Ông chia sẻ quan sát, nếu được mời sang Nhật làm việc, có thể các nhân viên bán hàng bên Mỹ sẽ không thích thú nhưng sẽ sẵn sàng khi được mời sang Việt Nam làm việc.
“Khó tìm được nước nào chính trị ổn định, nhân viên tay nghề giỏi, chăm chỉ như ở Việt Nam. Để YKK tăng trưởng trong tương lai, Việt Nam và ASEAN là rất quan trọng,” ông Toru Shikita nói.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43