Deutsche Bekleidungswerke tại Việt Nam được mệnh danh là “nhà máy xanh,” đại diện cho triết lý và giá trị của tập đoàn Royal Spirit Group.
Mười một năm trước, tại vùng ngoại ô Tây Bắc của thủ đô Dhaka (Bangladesh), một vụ chập điện làm bùng lên đám cháy lớn ở nhà máy may mặc Tazreen giữa lúc hàng trăm công nhân đang làm việc. Trong tòa nhà tám tầng, ngọn lửa bắt nguồn từ kho sợi tầng trệt, nhanh chóng lan rộng lên các tầng trên, trong khi hệ thống chống cháy và thoát hiểm hoạt động không hiệu quả.
Các đội cứu hỏa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận để kiểm soát đám cháy. Sau hơn 12 tiếng giải quyết thảm họa, một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra, tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, 124 người chết và hơn 200 người bị thương.
Thảm họa Tazreen là cú sốc đối với ngành công nghiệp may mặc thế giới, gợi lại cuộc tranh luận quan trọng về quyền công nhân và trách nhiệm xã hội của các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là bước ngoặt đối với cá nhân ông Thomas Hebestreit, nhà sáng lập và CEO của Royal Spirit Group.
“Là đời thứ ba trong gia đình làm nghề may mặc ở Đức, tôi cảm thấy ngành thời trang nhanh, giá rẻ tạo ra những tổn hại lớn cho xã hội và môi trường, và thảm họa ở Bangladesh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cả thế giới, trong đó có tôi,” ông nói.
Với vai trò lãnh đạo một hãng thiết kế thời trang và may mặc hàng đầu của đặc khu Hồng Kông – Trung Quốc, thảm kịch ở Bangladesh, nơi gia công chính của các đối tác thân quen, thôi thúc Thomas tính toán những thay đổi.
Trả lời phỏng vấn độc quyền của Forbes Việt Nam, Thomas Hebestreit cho biết, từ hơn 10 năm trước, ông quyết định đã đến lúc công ty ông không chỉ cần có những cơ sở sản xuất sản phẩm bền vững mà cần phải góp phần chấm dứt sự tồn tại của mô hình công xưởng giá rẻ (sweatshops).
Nhân chuyến công tác sang Việt Nam, Thomas trực tiếp đưa phóng viên Forbes Việt Nam xuống KCN Long Hậu thăm nhà máy may mặc Deutsche Bekleidungswerke (DBW). Đây là cơ sở sản xuất đầu tiên Royal Spirit Group đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 25 triệu đô la Mỹ, được khánh thành năm 2017. Ông nói: “Tôi quyết tâm xây dựng được một nhà máy kiểu mẫu, đại diện cho chuẩn mực sản xuất may mặc hàng đầu thế giới. Thế là DBW ra đời”.
Khu liên hợp sản xuất năm tầng với gần 15.000m2 mặt sàn, tập trung sản xuất hàng dệt kim và hàng may mặc thời trang cao cấp. Ngoại trừ khoảng 2.000m2 kho ở tầng một, toàn bộ tòa nhà được trang bị điều hòa tổng và hệ thống lọc không khí công suất lớn.
Giám đốc nhà máy DBW, bà Penny Ooi Pei-pei, cho biết đây là nhà máy may mặc đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn xanh LOTUS Bạch Kim với nhiều đặc điểm kiểu mẫu tại thời điểm ra mắt, ví dụ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như xăng sinh học và pin quang điện (165.1 kWp), qua đó giảm 44,3% lượng năng lượng tiêu thụ trên toàn bộ công trình.
Nhà máy cũng áp dụng phương pháp tái chế để xử lý 93% lượng phát thải trong xây dựng, với khu vực riêng để phân loại và tập kết các sản phẩm tái chế. 98% diện tích của nhà máy được thiết kế với tầm nhìn ra bên ngoài, tối ưu về ánh sáng. DBW hiện sử dụng lò hơi do bên thứ ba cung cấp với yêu cầu sử dụng nguyên liệu sinh khối, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Một điểm đáng chú ý khác của dự án là việc sử dụng mái xanh với diện tích trên 1.000m2 để trồng các loại rau, hoa tạo quang cảnh cho nhà ăn công nhân nằm trên tầng thượng. Công trình DBW cũng được xây dựng 100% bằng nguyên vật liệu tại chỗ để giảm tối đa khí thải carbon.
Nói về những tiêu chuẩn này, Thomas Hebestreit cho rằng, với một số tiền lớn gần như “phi lý” cho một nhà máy cỡ nhỏ như DBW, việc đạt chuẩn công trình xanh cao nhất là tất nhiên. Mối quan tâm của ông đối với kinh doanh bền vững không nằm ở máy móc nhà xưởng hiện đại đắt tiền mà nằm nhiều hơn ở nguồn nhân lực.
“Kể từ năm 2012, tôi dành ba năm để đi tìm một nơi phù hợp tạo ra một hình mẫu về nhà máy may mặc. Tôi muốn thể hiện với thế giới, chúng tôi có thể sản xuất hàng may mặc trong điều kiện làm việc tốt cho nhân công,” CEO tập đoàn Royal Spirit Group nói.
Khảo sát từ Nam Á sang Đông Nam Á, Thomas và cộng sự Victor Chu đã quyết định chọn Việt Nam vì trình độ lao động của nhân lực. “Để loại bỏ mô hình công xưởng giá rẻ, chúng tôi cần tập trung vào sản phẩm trung và cao cấp. Để làm được những sản phẩm như vậy, ngoài Trung Quốc chỉ có Việt Nam mới có nhân công đủ khả năng về tay nghề,” Thomas Hebestreit giải thích.
DBW hiện có hơn 800 công nhân. Phần lớn tập trung ở phân đoạn se chỉ trên tầng bốn, với máy se và ghế ngồi được đặt làm riêng, phù hợp với thể trạng của người Việt. Những cỗ máy se chỉ cho phép công nhân có thể ngồi tại chỗ thao tác, không phải đứng lên kéo chỉ quanh trục như tại các nhà máy gia công giá rẻ.
Các phần còn lại như đan vải, tạo sơ đồ mẫu, trải và cắt vải được tự động hóa phần lớn với giàn máy móc tân tiến, được điều khiển đồng bộ trong cả khu nhà. Hệ thống đèn LED, điều hòa không khí và quạt thông gió được bố trí khoa học, giúp công nhân tránh mỏi mắt, nhức đầu. Hệ thống loa thông báo được dùng để phát nhạc nhiều lần trong ngày, nhắc nhở công nhân nghỉ và thể dục nhẹ tại chỗ, để luôn ở trong tâm trạng làm việc thoải mái.
Mỗi một nhân sự vào làm việc tại DBW sẽ được đào tạo liên tục trong nhiều tháng, học việc, làm quen với quy trình và hệ thống máy móc hiện đại trong nhà máy. Bà Penny Ooi Pei Pei cho biết công ty không chỉ chú ý điều kiện làm việc, đào tạo mà còn cố gắng đưa ra mức lương thưởng, đãi ngộ tốt hơn các đối thủ cùng ngành, cùng khu vực 10–15%.
Cùng Hebestreit sáng lập Royal Spirit Group năm 1998, với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác, Victor Chu nhận xét, nhân công kinh nghiệm tại DBW là “ngang ngửa trình độ nhân công ở Trung Quốc”.
Ông Thomas Hebestreit cho rằng chất lượng nhân lực ở DBW chứng minh quan điểm của ông, rằng đầu tư vào con người và sản phẩm giá trị cao là con đường đúng đắn, thay vì chạy theo gia công giá rẻ. Từ gốc là công ty may mặc Royal Spirit với các sản phẩm đại chúng, Thomas Hebestreit đã liên tục thâu tóm thêm các hãng thiết kế, các thương hiệu thời trang có phân khúc cao hơn.
Hiện tại, tập đoàn nắm trong tay những thương hiệu trung đến cao cấp như Toni, Rosner, Carlisle, Etcetera, Desoto và gia công cho các đối tác chuyên về thời trang thiết kế như Eileen Fisher, ALC, Theory. Là cơ sở sản xuất thứ hai của tập đoàn tại Việt Nam, DBW đạt được điểm hòa vốn ngay trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh và có lời sau đó.
“Nguyên liệu tại DBW chủ yếu được nhập từ Ý, đương nhiên đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn về bền vững của châu lục, đều dễ dàng truy xuất nguồn gốc, thành phần,” Thomas Hebestreit nói khi được hỏi về tính bền vững của nguyên liệu và thành phẩm.
Ông cho biết thêm, khâu đóng gói và vận chuyển cũng phải tuân theo những quy chuẩn khắt khe về bền vững môi trường, như bao bì phân hủy được, tiết kiệm, khoa học tối đa về vật liệu. “Sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu 100% với giá thành từ 250 đến 2.000 đô la Mỹ cho một món đồ, tôi khá chắc là khách hàng của mình không chỉ thoải mái về tài chính mà còn vô cùng khó tính với những thứ họ mua,” ông nói.
Tuy doanh số bán hàng của DBW tăng nhanh nhưng hiện cũng mới đạt 25 triệu đô la Mỹ, chiếm chưa đến 8,5% tổng doanh số tập đoàn. Trò chuyện với Forbes Việt Nam, Thomas Hebestreit không giấu tham vọng thúc đẩy sự phát triển của DBW.
Ông và Chu đạt được một số bước tiến trong tuyển dụng nhân sự cấp cao bên cạnh các thương vụ mua bán sáp nhập. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình DBW hay chỉ là cải tạo mở rộng nhà máy vấp phải một vấn đề vĩ mô lớn: quỹ đất khu công nghiệp xanh tại Việt Nam ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
Trong chuyến thị sát 10 năm trước, Thomas đã bỏ qua các quỹ đất tại Hải Phòng và Quảng Ninh, chọn Long Hậu. Bây giờ, giá thuê tại đây đã lên tới 250 đô la Mỹ/m2, Thomas lại phải thường xuyên ra Bắc tìm quỹ đất mới. Khó khăn là vậy, nhưng lãnh đạo Royal Spirit Group đều nhất trí: Việt Nam là điểm đến phù hợp cho doanh nghiệp.
Kiên định với sản xuất hàng giá trị cao và triết lý đầu tư vào nhân lực chuyên môn tốt, Thomas Hebestreit nói chắc nịch: “Trong trung hạn, nhìn quanh khu vực, tôi thấy chỉ có Việt Nam là nơi tôi có thể đổ tiền vào mà thôi”.