Daniel Ek muốn phát triển Spotify thành siêu ứng dụng, không chỉ để nghe nhạc trực tuyến mà còn được dùng để kể chuyện, trò chuyện trực tiếp và phục vụ các nhà sáng tạo âm thanh mới nhằm thống trị thị trường âm thanh kỹ thuật số toàn cầu.
Mười năm trước, Daniel Ek thuyết phục các hãng thu âm và nghệ sĩ phát trực tuyến các bài hát trên nền tảng Spotify để vực dậy ngành công nghiệp âm nhạc đang ảm đạm. Hiện giờ, sau khi tích lũy được khối tài sản trị giá 4,4 tỉ đô la Mỹ, anh không tập trung quá nhiều vào các ngôi sao nhạc Pop nữa. Daniel Ek muốn phát triển Spotify thành siêu ứng dụng, không chỉ để nghe nhạc trực tuyến mà còn được dùng để kể chuyện, trò chuyện trực tiếp và phục vụ các nhà sáng tạo âm thanh mới nhằm thống trị thị trường âm thanh kỹ thuật số toàn cầu.
Cuối tháng 10, vào giờ ăn trưa tại lầu 71 trong tòa nhà chọc trời World Trade Center 4 trên phố Wall, Daniel Ek đang tản bộ dọc theo sàn bê tông bóng loáng của trụ sở Spotify. Anh đi ngang qua những tác phẩm điêu khắc hình tai nghe đẹp mắt được chế tác bằng kim loại màu sáng chói, phòng chờ sang trọng có ghế dài cho khách hàng quảng cáo quan trọng và phòng thu chương trình phát thanh (podcast) được thiết kế riêng cho ngôi sao lớn nhất. Sau đó, anh bước vào nhà ăn tự phục vụ lớn có sân khấu được trang bị ánh sáng phù hợp với các buổi biểu diễn ngẫu nhiên.
Căn phòng đang được sắp xếp để chuẩn bị cho bữa tối có sự tham gia của hội đồng quản trị Spotify và cả màn biểu diễn bất ngờ của anh em nhà Osborne – bộ đôi nhạc rock đồng quê sành điệu nổi tiếng với bài hát Stay a Little Longer đã được phát 180 triệu lần trên nền tảng âm nhạc trực tuyến của Daniel Ek. Spotify vừa báo cáo thu nhập quý 3. Daniel Ek, kỹ sư 38 tuổi, tự nhận mình là người hướng nội và hiếm khi trả lời phỏng vấn, là tâm điểm của sự kiện.
Anh chàng người Thụy Điển có giọng nói nhẹ nhàng, đầu cạo trọc cùng bộ râu quai nón, đã bắt đầu làm việc từ năm giờ sáng, họp qua video với các nhà phân tích tài chính, tham dự hàng loạt cuộc phỏng vấn và dẫn dắt cuộc họp với 200 nhân viên. “Thật không thể tin nổi vì đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên chúng tôi tổ chức ở đây sau hai năm,” Daniel Ek nói. Anh mặc quần jean đen, áo khoác da lộn màu đen và mang giày thể thao da bóng. “Cuộc gặp mang lại cảm xúc tuyệt vời và ấm áp. Mọi người đều ôm chầm lấy nhau và vỗ tay reo vui.”
Có vô số lý do để vui mừng. Sáng sớm hôm đó, Spotify công bố con số báo cáo hằng quý đáng kinh ngạc, tạo ra tâm lý hưng phấn tràn ngập khắp phố Wall, thị trường âm nhạc và trên truyền thông. Doanh thu đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số quảng cáo tăng 75% lên gần 375 triệu đô la Mỹ. Lượng người dùng hoạt động tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 380 triệu người. Số người đăng ký trả phí nghe nhạc trên nền tảng Spotify cũng tăng tương tự, đạt 170 triệu người. Cổ phiếu của hãng, vốn đứng giá trong phần lớn năm 2021, đã tăng 10%, khiến giá trị công ty tăng thêm năm tỉ đô la Mỹ và nâng vốn hóa thị trường của Spotify lên hơn 50 tỉ đô la Mỹ, lần đầu tiên kể từ mùa hè.
Công ty phát triển chặng đường dài kể từ khi Daniel Ek miễn cưỡng khoác nhanh bộ âu phục và đeo cà vạt, uống ít rượu whisky, để chụp hình cho trang bìa ấn bản danh sách 30 Under 30 đầu tiên của Forbes cách đây 10 năm. Thời điểm đó, tháng 1.2012, Spotify chỉ có 500 nhân viên, đạt doanh số 300 triệu đô la Mỹ và được định giá hai tỉ đô la Mỹ sau sáu tháng ra mắt dịch vụ này ở Hoa Kỳ.
Hiện nay, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của Daniel Ek được cung cấp ở 184 quốc gia, với 7.400 nhân viên và đạt doanh thu hằng năm 9,7 tỉ đô la Mỹ. Spotify niêm yết vào năm 2018. Tài sản của anh hiện tăng lên 4,4 tỉ đô la Mỹ từ 300 triệu đô la Mỹ tài sản trên giấy tờ vào năm 2012.
Sean Parker, đồng sáng lập trang web chia sẻ âm nhạc trực tuyến Napster trước khi trở thành chủ tịch đầu tiên của Facebook và nhà đầu tư của Spotify, cho biết: “Spotify giúp chuyển đổi hành vi tải lậu nhạc bản quyền của hàng trăm triệu người sang sẵn sàng trả tiền khi sử dụng dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Thật không nói quá khi tuyên bố rằng Daniel Ek đã cứu ngành công nghiệp âm nhạc.”
Dĩ nhiên, các hãng thu âm đang ăn nên làm ra. Khi Spotify bắt đầu cung cấp dịch vụ ở Hoa Kỳ vào năm 2011, doanh thu từ dịch vụ phát trực tuyến đạt 600 triệu đô la Mỹ, chiếm 4% doanh thu toàn cầu hằng năm của ngành công nghiệp thu âm. Vào năm 2020, các dịch vụ phát trực tuyến đã mang lại doanh số 13,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 62% doanh thu toàn ngành. Năm ngoái, Spotify đã trả năm tỉ đô la Mỹ cho các chủ sở hữu bản quyền, chủ yếu là các hãng lớn, và ước tính 500 triệu đô la Mỹ cho các nghệ sĩ thu âm. “Tôi không ngờ Spotify lại có ảnh hưởng tới văn hóa và tài chính lớn đến thế.”
Hiện anh còn muốn công ty phát triển lớn mạnh hơn nữa. Hãy cứ để các phương tiện truyền thông khác cạnh tranh nhau thu hút số lượng người xem, riêng Spotify sẽ cố gắng đạt được mục tiêu thống trị thị trường âm thanh kỹ thuật số trên thế giới. “Mọi người đều đánh giá thấp tiềm năng và giá trị của thị trường này. Đó phải là ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ. Chúng tôi sẽ chiếm lĩnh thị trường âm thanh,” Daniel Ek tuyên bố.
Phần lớn thị trường âm thanh vẫn còn phân mảnh và chủ yếu vẫn là âm thanh được phát tín hiệu theo dạng analog. Vì vậy, cho dù radio đã được phát triển trong 135 năm nhưng vẫn được ưa chuộng đến giờ. Theo công ty nghiên cứu quảng cáo WARC, mỗi ngày, nền tảng phát thanh truyền thống tiếp cận khoảng ba tỉ người và mang lại doanh thu quảng cáo lên tới 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Daniel Ek nói: “Riêng ở Hoa Kỳ, 2/3 tổng chi tiêu cho quảng cáo âm thanh vẫn dành cho đài phát thanh. Đó là một lượng lớn doanh thu cần phải chuyển sang các dịch vụ phát thanh trực tuyến.”
Anh đang phát triển Spotify trở thành nền tảng cần thiết cho tất cả âm thanh kỹ thuật số: không chỉ âm nhạc mà còn là tin tức, kể chuyện, trò chuyện trực tiếp, sách nói và giáo dục. Anh muốn cung cấp công cụ để trao quyền cho những người sáng tạo âm thanh thực hiện mơ ước phát minh các thể loại hoàn toàn mới khi phối hợp các âm thanh lại với nhau tạo thành không gian âm thanh mới. Tất cả đều sẽ áp dụng các thuật toán có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ của Spotify để cung cấp dịch vụ phát trực tuyến phù hợp với từng người nghe. Những gì TikTok, YouTube và Instagram đã làm để phát triển ảnh và video, Daniel Ek cũng muốn làm tương tự để phát triển thị trường âm thanh.
Mary Meeker, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Bond, đồng thời là tác giả của báo cáo nổi tiếng Internet Trends, cho biết: “Sở hữu những chiếc máy ảnh dễ sử dụng khiến việc sản xuất ra tác phẩm video không còn là điều quá khó khăn. Có rất nhiều cơ hội sáng tạo và tương tác âm thanh cho hàng triệu người.”
Khi Spotify (thành lập tại Thụy Điển) thu hút chú ý tại thị trường Hoa Kỳ vào năm 2011, ngành công nghiệp âm nhạc vẫn còn hỗn độn. Chậm chuyển đổi sang nhạc kỹ thuật số và mất doanh thu vì các trang web chia sẻ tập tin và vi phạm bản quyền như Napster, ngành ghi âm đã tụt dốc nghiêm trọng so với thời điểm vinh quang vào cuối những năm 1990, khi CD còn được ưa chuộng. Trong năm 2011, doanh thu của ngành ghi âm chỉ đạt gần 15 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn 40% so với doanh thu 24 tỉ đô la Mỹ trong mười năm trước đó.
Daniel Ek lớn lên trong khu phố Ragsved, khu vực ngoại ô của tầng lớp lao động ở Stockholm. Anh có tài năng bẩm sinh về âm nhạc và lập trình. Khi học trung học, anh tạo web cho các doanh nghiệp địa phương, sau đó bỏ học đại học ngay trong năm đầu tiên để xây dựng một công ty quảng cáo kỹ thuật số. Nhưng hoạt động một thời gian, anh bán công ty cho nhà tiếp thị trực tuyến Tradedoubler với giá hơn một triệu đô la Mỹ.
Mới 22 tuổi, Daniel Ek đã mua siêu xe Ferrari và sử dụng dịch vụ dành cho khách quan trọng (VIP) trong các câu lạc bộ đêm, nhưng rồi cũng đến thời điểm anh không còn hứng thú với cuộc sống hưởng thụ. Vì thế, anh chuyển sang tập trung nghiên cứu và phát triển các dịch vụ âm nhạc kỹ thuật số. Năm 2006, anh hợp tác với người đồng sáng lập của Tradedoubler, Martin Lorentzon – đồng sáng lập kiêm giám đốc của Spotify, sở hữu khối tài sản trị giá 5,8 tỉ đô la Mỹ nhờ vào nguồn thu từ dịch vụ phát trực tuyến này trong những ngày đầu.
Bộ đôi bắt đầu xây dựng trang web âm nhạc hỗ trợ quảng cáo tích hợp tính năng chia sẻ dễ dàng của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến iTunes, tốc độ của Google, tính năng chia sẻ của Facebook và thư viện bài hát khổng lồ của Napster – nhưng hợp pháp.
Thách thức cho họ là kỹ thuật của nền tảng và làm sao để tránh các vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền bằng công nghệ phát trực tuyến, đồng thời bảo đảm các thỏa thuận cấp phép với các công ty thu âm. Daniel Ek nghĩ nhiều về một thiết kế có thể hoạt động liền mạch trên máy tính bàn và điện thoại thông minh vốn đang rất được ưa chuộng. Các kỹ sư của anh đã tạo ra hệ thống phân phối thông minh bằng cách kết hợp các máy chủ, điện toán đám mây và chia sẻ dữ liệu ngang hàng cho phép hàng triệu người truy cập hàng chục triệu bài hát cùng một lúc.
Các luật sư chứng minh là thách thức còn lớn hơn thế. Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên Internet tràn lan trong nhiều năm qua khiến các hãng thu âm cảm thấy hoảng sợ khi phải từ bỏ quản lý bản quyền kỹ thuật số, đặc biệt là đối với nền tảng nghe nhạc trực tuyến miễn phí có quảng cáo. Sau khi Spotify ra mắt ở châu Âu, Daniel Ek mất hơn ba năm thương lượng để được cung cấp dịch vụ tại Mỹ. “Đáng lẽ Daniel có thể cung cấp dịch vụ ở Mỹ sớm hơn nếu đồng ý ký hợp đồng với những điều khoản có thể hủy hoại công ty,” Sean Parker nói. “Anh ấy có ý chí sắt đá để giải quyết tranh chấp với các hãng thu âm và các nghệ sĩ đang cố gắng trục lợi từ công ty.”
Ý chí sắt đá đó biến Spotify thành mỏ vàng cho cả các nhà đầu tư ban đầu lẫn ngành công nghiệp âm nhạc. Hiện giờ, những công ty trong ngành này giao dịch gần mức cao lịch sử. Tập đoàn Warner Music tăng 50% trong 12 tháng qua, với giá trị vốn hóa thị trường 20 tỉ đô la Mỹ. Universal, công ty gần đây tách khỏi công ty truyền thông khổng lồ Vivendi, có giá trị gần 50 tỉ đô la Mỹ.
Gây sốc hơn cả, Spotify vẫn giữ vị trí dẫn đầu ngay cả khi bộ ba khổng lồ ngàn tỉ đô – Apple, Alphabet và Amazon – tung ra các sản phẩm cạnh tranh. “Sự trở lại mạnh mẽ của Apple vào đầu những năm 2000 có trọng tâm là iPod – họ đã xây dựng thương hiệu với âm nhạc là nền tảng,” Sean Parker cho biết.
“Ít ai nghĩ rằng Spotify sẽ tồn tại khi ứng dụng iTunes được cài đặt sẵn trên hàng tỉ điện thoại iPhone và máy tính Mac.” Tất nhiên, Apple vẫn là công ty lớn trong lĩnh vực này, với khoảng 70 triệu người dùng đăng ký năm 2020 (YouTube Music có khoảng 50 triệu người dùng đăng ký và Amazon Music có 55 triệu người dùng đăng ký). Nhưng số người dùng của ba công ty lớn này vẫn còn thấp hơn so với con số 170 triệu khách hàng trả tiền của Spotify.
Tuy nhiên, Apple và Amazon không cung cấp dịch vụ nghe nhạc miễn phí có quảng cáo, trong khi Spotify lại cung cấp dịch vụ này và nhờ vậy đã thu hút thêm 220 triệu người dùng. Richard Greenfield của công ty nghiên cứu truyền thông LightShed Partners cho biết: “Trước đây, dịch vụ nghe nhạc miễn phí có quảng cáo chỉ là cách để đẩy số lượng đăng ký. Giờ đây, đó là loại hình kinh doanh lớn và Spotify không có đối thủ cạnh tranh”.
Công ty khởi đầu thuận lợi nhờ sản phẩm dễ sử dụng, dùng ở mọi nơi, danh sách bài hát có thể chia sẻ (hiện có khoảng bốn tỉ) và là công ty đầu tiên cung cấp mô hình phát trực tuyến được khách hàng ưa thích hơn là tải xuống có trả phí hoặc tải lậu. Ứng dụng cũng có khả năng gây nghiện: Một khi người nghe đã tạo được thư viện nhạc, họ sẽ ít suy nghĩ về việc chuyển sang dịch vụ khác. Sự phát triển chuyên sâu trong một lĩnh vực và sứ mệnh rõ ràng cũng hữu ích. “Những người giỏi nhất trong lĩnh vực âm thanh đến với Spotify vì chúng tôi là những người giỏi nhất trong lĩnh vực này. Đối với Apple, âm nhạc là ưu tiên thứ 27,” Daniel Ek nói. “Nếu bạn muốn chế tạo chiếc ô tô tự lái, đừng tìm đến chúng tôi.”
Mặc dù Spotify trở thành “thánh địa” âm nhạc mới nhưng cổ phiếu của công ty chưa tăng cao. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu tăng 4% – hiệu suất tệ hơn nhiều so với mức tăng hơn 30% của chỉ số S&P 500 và sàn Nasdaq. Các nhà đầu tư không thích biên lợi nhuận thấp của công ty và phần chi trả lớn cho các hãng thu âm lớn trong lĩnh vực này. Vì Spotify không sở hữu bản quyền nhạc được phát trực tuyến, nên 70% trong mỗi đô la thu về sẽ được trả cho những công ty sở hữu bản quyền (sau đó, tùy thuộc vào hợp đồng, trả cho các nghệ sĩ.)
Spotify chưa năm nào có lãi. Năm ngoái, công ty lỗ gấp ba đến 713 triệu đô la Mỹ. “Tôi chú trọng đến dòng tiền. Chúng tôi có dòng tiền dương và không phụ thuộc vào nhà đầu tư nào cả,” Daniel Ek nhún vai nói. “Chúng tôi chưa có lợi nhuận bởi vì chúng tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư. Khi chúng tôi không ngừng nỗ lực phát triển thì một ngày nào đó chúng tôi sẽ kiếm được lợi nhuận cao trong lĩnh vực này.” Anh đang đầu tư lớn vào chương trình podcast để đạt được mục tiêu trên.
Dịch vụ podcast trên Spotify chính là tiềm năng lớn xuất hiện bất ngờ. Vào năm 2017, Daniel Ek chú ý đến điều kỳ lạ đang xảy ra ở Đức, một trong những thị trường hàng đầu của công ty. Các hãng thu âm, để tối đa hóa dịch vụ phát trực tuyến, đã bắt đầu tải sách nói lên. Spotify được xây dựng chỉ thích hợp để nghe các bài hát với độ dài ba phút, không phù hợp với những chương sách dài 30 phút. Vì vậy người nghe cảm thấy bất tiện khi sử dụng. Tua đi và tua lại rất phức tạp. Các chương sẽ bị xáo trộn không theo thứ tự. Tuy nhiên, cũng có một vài cuốn sách được người nghe đánh giá cao và nằm chung bảng xếp hạng với những bản nhạc pop nổi tiếng nhất. Daniel Ek nói: “Điều này khẳng định chúng tôi có khả năng phát triển ngoài dịch vụ nghe nhạc.”
Chương trình podcast vốn là lĩnh vực mà Apple thống trị và dường như cần phải thay đổi cách thức hoạt động. “Podcast vẫn chỉ được tải về để nghe trên thiết bị điện tử cá nhân. Thật phức tạp để phát quảng cáo và lựa chọn nội dung. Bạn không thể phát chương trình podcast dễ dàng trong ô tô hoặc trên loa ngoài,” Daniel Ek nói. “Chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ chúng tôi xây dựng cho dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đều có thể thích hợp cho podcast.”
Ban đầu, phân khúc đó khởi đầu nhỏ lẻ và thất bại. Hầu hết mọi người đều xem Spotify là một công ty âm nhạc. Sau đó, Daniel Ek đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ podcast nhiều hơn. “Tôi nói với đội ngũ của mình rằng chúng ta đã công khai cam kết một tỉ đô la Mỹ đầu tư phát triển podcast. Họ nói với tôi toàn bộ thị trường đó có giá trị chưa đến một tỉ đô la Mỹ. Tôi cho rằng giá trị thị trường rồi sẽ đạt đến mức đó,” Daniel Ek cười nói. “Con số này đủ lớn để khiến chúng ta kinh sợ, đó mới là điều quan trọng. Tôi không đặt cược công ty vào dịch vụ này, nhưng cũng phải đủ để mọi người, bao gồm cả chúng ta, phải thực hiện một cách nghiêm túc.”
Spotify, doanh nghiệp với công nghệ vô cùng tiên tiến, hiện tập trung vào phát triển nội dung. Daniel Ek tuyển Dawn Ostroff, người điều hành các mạng lưới truyền hình Mỹ UPN và CW vào đầu những năm 2000 và sau này là Condé Nast Entertainment, để thực hiện các chương trình và xây dựng hệ thống quảng cáo để kiếm tiền. Năm 2019, Spotify trả 194 triệu đô la Mỹ cho công ty podcast uy tín Gimlet Media, 55 triệu đô la Mỹ cho nhà sản xuất chương trình phát thanh về tội phạm Parcast và 190 triệu đô la Mỹ cho Ringer, trang web thể thao và văn hóa của Bill Simmons. Để phát triển các công cụ, Spotify đã chi 154 triệu đô la Mỹ cho công ty sản xuất phần mềm cho các chương trình thu âm Anchor và 236 triệu đô la Mỹ khác để mua công ty phân phối nội dung và quảng cáo Megaphone.
Năm 2021, Spotify gây xôn xao dư luận khi ký thỏa thuận cấp phép trị giá 60 triệu đô la Mỹ với chương trình phát thanh Call Her Daddy của Alex Cooper và 100 triệu đô la Mỹ cho chương trình phỏng vấn trực tuyến The Joe Rogan Experience. Sau đó, công ty còn hợp tác với những nhân vật nổi tiếng gồm Barack và Michelle Obama, hoàng tử Harry và Meghan Markle, Kim Kardashian và nhà làm phim Ava DuVernay. Dawn Ostroff nói: “Đó là chiến lược nhiều cấp độ. Chúng tôi phải xây dựng nhiều danh sách podcast nhất có thể, thu hút các ngôi sao nổi tiếng trong lĩnh vực này và săn đón những tài năng hàng đầu hợp tác cùng làm chương trình phát thanh phát sóng trực tuyến trên nền tảng.”
Tháng 2.2021, Spotify ra mắt mạng quảng cáo riêng, cho phép các thương hiệu phát những quảng cáo nhắm đến đối tượng nghe các chương trình độc quyền trên nền tảng và những người nghe podcast. Trong khi Apple nổi tiếng keo kiệt trong việc chia sẻ dữ liệu thì Spotify làm ngược lại, cung cấp gói công cụ phân tích để giúp các thương hiệu và người sáng tạo đo lường hiệu quả các chiến dịch và cung cấp thông tin rõ ràng về khán thính giả.
Những người làm chương trình podcast thích các công cụ phân tích này. “Mượn hình ảnh ẩn dụ của hiệp hội Thể thao trường đại học quốc gia (NCAA), có thể nói, trước khi có Spotify, chúng ta là trường đại học theo mô hình tự chủ đang cố gắng cạnh tranh với các công ty lớn trong ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC),” Bill Simmons nói. “Chúng tôi đang thực hiện số lượng chương trình nhiều gấp đôi so với trước đây và chất lượng cũng như sự đa dạng của các chương trình thật đáng kinh ngạc.”
Kho dữ liệu của Spotify là nguồn thông tin vô cùng tuyệt vời. Bill Simmons nói: “Kho dữ liệu này giúp chúng tôi hiểu được người dùng sâu sắc và mang đến lợi thế không ngờ. Nhờ kho dữ liệu, chúng tôi xác định được những bước phát triển tiếp theo và những điều chúng tôi đang làm chưa đúng.”
Khi chương trình podcast bóng đá hấp dẫn của Bill Simmons khởi đầu kém hiệu quả, dữ liệu giúp anh nhận ra các đối thủ đã ra mắt các tập podcast trước khi mùa giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ bắt đầu để thu hút số lượng lớn người theo dõi. Vì vậy, Bill Simmons ra mắt chương trình sớm hơn và kết quả là số lượng người nghe tăng vọt.
Lydia Polgreen, ông chủ của Gimlet Media, sử dụng các chỉ số của Spotify để phát triển các chương trình phát thanh kể những câu chuyện tội phạm với cốt truyện đầy kịch tính mà thính giả rất muốn nghe cùng với lối kể chuyện đầy cuốn hút của Gimlet. (Những nhà cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến khổng lồ Netflix và Amazon Prime đã khai thác dữ liệu từ lâu để tìm kiếm cốt truyện và ngôi sao tiềm năng cho hàng loạt phim dài tập và phim ngắn.)
Tiếp đến là gì? Các mô hình doanh thu mới giúp những người sáng tạo tương tác tốt hơn với người hâm mộ – và kiếm tiền. Các phân khúc “miễn phí” và “trả phí” của Spotify vẫn được giữ nguyên, nhưng Daniel Ek sẽ bổ sung thêm nhiều lựa chọn cho phép người sáng tạo tính phí nội dung độc quyền, quyền truy cập sớm và trải nghiệm tương tác. Nội dung ý tưởng cơ bản hoàn toàn không khác với các trang web thành viên khác như Patreon – hoặc OnlyFans – nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với âm thanh.
Thỏa thuận hợp tác gần đây với nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử Shopify sẽ cho phép các nghệ sĩ bán vé và hàng hóa trên trang Spotify của họ. Dù mô hình là gì, Spotify hiển nhiên sẽ kiếm được một phần trong mỗi lần thương vụ – đây là nguồn doanh thu mới mà Spotify sẽ không phải chia sẻ với các hãng thu âm và nhà xuất bản.
Khi các mục tiêu phát triển chương trình podcast của Spotify dần thành công, Ek bắt đầu chuyển sang các định dạng khác. Tháng 11.2021, anh mua lại nền tảng sách nói Findaway để cạnh tranh với Audible, công ty dẫn đầu thị trường do Amazon sở hữu. Anh cũng đang phát hành những chương trình phát thanh kết hợp video (podcast video) trực tuyến.
Mùa hè năm nay, Spotify tung ra sản phẩm nội dung trực tiếp, Greenroom, để cạnh tranh với Clubhouse, ứng dụng trò chuyện trực tiếp đã bất ngờ nổi tiếng trong thời kỳ đại dịch. Ban đầu, Bill Simmons nghĩ Ek đang chạy theo xu hướng nhất thời. “Daniel đã tạo ra tình huống khéo léo. Anh ấy tuyên bố rằng chúng tôi giỏi nhất trong lĩnh vực âm thanh. Điều này có thể đúng hoặc không. Nhưng chúng tôi phải làm việc đó, tạo ra phiên bản tốt nhất và xem liệu sản phẩm đó có hiệu quả hay không.”
Daniel Ek thích mày mò, thích cải tiến chứ không hẳn là người có tầm nhìn xa về công nghệ với một kế hoạch tổng thể ổn định. “Tôi không có cái nhìn rõ ràng về tương lai như Steve Jobs,” anh nói khi đứng trong phòng thu các chương trình podcast đầy micro. “Nhưng tôi có định hướng. Nếu chúng tôi phát triển đủ nhanh, tôi biết cuối cùng chúng tôi sẽ đến đích.”