Vì sao Bắc Kinh lại tự gây tổn thất cho những doanh nghiệp khổng lồ công nghệ của họ, bằng loạt quy định mới?
Cá nhân tôi cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình đang cảnh cáo các nhân tài công nghệ Trung Quốc: ngừng tập trung vào mảng công nghệ tiêu dùng hấp dẫn như cho vay trực tuyến, gọi xe công nghệ, các game vừa chơi vừa học và những loại hình tương tự.
Ông Tập ngụ ý các công ty hãy chú tâm đến các công nghệ cốt lõi về mặt chiến lược, ví dụ thiết bị bán dẫn. Mục tiêu của ông là đến năm 2025, Trung Quốc có khả năng tự đáp ứng ít nhất 70% nhu cầu trong lĩnh vực công nghệ chủ chốt – hiện đang giậm chân tại chỗ do sự yếu kém trong chiến lược quan trọng nhất của tất cả các công nghệ này.
Nhắc lại một chút về lịch sử. Tháng 11 của 50 năm trước, công ty Intel của Hoa Kỳ đã đặt nền móng cho kỷ nguyên kỹ thuật số với bộ vi xử lý đầu tiên trên thế giới – 4004. Dự án bắt đầu năm 1969, khi họ hợp tác cùng Busicom của Nhật Bản với thỏa thuận độc quyền cung cấp 4004 cho các máy tính.
Intel giữ bản quyền cho các mục đích sử dụng khác, bao gồm cả việc sử dụng cho máy tính cá nhân vào cuối thập niên 1970. Intel, công ty vừa thiết kế vừa sản xuất chip, chưa bao giờ rời khỏi vị trí dẫn đầu doanh số bán hàng toàn cầu nói chung và hưởng lợi nhờ quy mô toàn cầu.
Trung Quốc cần thiết bị bán dẫn. Đây là nước tiêu thụ thiết bị bán dẫn nhiều thứ hai trên thế giới, dù nhu cầu hiện thấp hơn một chút nhưng sẽ sớm bắt kịp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tụt hậu rất xa so với Hoa Kỳ trong lĩnh vực chế tạo các bộ vi xử lý tiên tiến, cung cấp sức mạnh cho mọi thứ từ các trang trại máy chủ khổng lồ cho đến năm tỉ chiếc điện thoại di động trên toàn cầu. Cho đến nay,
vai trò chính của Trung Quốc trong thế giới bán dẫn là công xưởng lắp ráp và đóng gói.
Trong hàng ngũ các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới không có công ty nào có trụ sở tại đại lục – đây là điểm yếu chiến lược của Bắc Kinh. Trong số 15 công ty thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo doanh số, có tám công ty ở Hoa Kỳ. Châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan, mỗi nơi có hai công ty. Nhật Bản có một.
Thiết bị bán dẫn là mặt hàng có lượng giao dịch nhiều thứ tư trên thế giới (tính theo giá trị), sau dầu thô, dầu thành phẩm và xe hơi, nên thật khó hiểu vì sao Trung Quốc vẫn chưa có mặt trong tốp 15. Người ta đoán ông Tập biết bảng xếp hạng này sẽ không thể duy trì nếu Trung Quốc đạt mục tiêu độc lập về công nghệ cốt lõi vào năm 2025.
Các công ty thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc là Huawei – tại Thâm Quyến, chuyên về thiết kế và SMIC – tại Thượng Hải, chuyên gia công. Cả hai đang cạnh tranh trên thị trường toàn cầu; và đều không nằm trong tốp 15 thế giới tính theo doanh số thiết bị bán dẫn. (Tất nhiên, cũng như Apple, phần lớn doanh thu của Huawei đến từ điện thoại di động chứ không phải từ các con chip).
Huawei là công ty đẳng cấp thế giới, nhưng khả năng thâm nhập vào các thị trường chiếm phần lớn GDP toàn cầu đã bị hạn chế do các chính sách của chính quyền cựu tổng thống Trump.
Do đó, chỉ còn SMIC là công ty Trung Quốc tụt hậu trong cuộc đua giành sự độc lập trong công nghệ cốt lõi. Tính đến năm 2020, thị phần gia công chip trên toàn cầu của SMIC chỉ đạt 4%, so với 18% của Samsung và 50% của TSMC (thị phần của công ty này thậm chí còn cao hơn, ở mức 80%, nếu xét trên thị trường sản xuất chip tiên tiến).
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng công nghệ của SMIC đi sau TSMC từ 3-4 năm. Khoảng cách này buộc SMIC phải cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng – điện thoại, thiết bị gia dụng, xe hơi giá rẻ. Điều gì có thể đẩy SMIC lên tốp đầu? Chính là Huawei. Gã khổng lồ công nghệ ở Thâm Quyến cần một đối tác nhà máy hàng đầu từ khi các chính sách của Trump (năm 2020) khiến Samsung và TSMC không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Huawei.
Trung Quốc sẽ phải phát triển ngành kinh doanh thiết bị sản xuất chip đẳng cấp thế giới. Mục tiêu không hề dễ dàng. Khắc các bóng bán dẫn lên silicon trong phạm vi 5 nanomet – sợi tóc của con người dày khoảng 90.000 nanomet – là một kỳ tích công nghệ. Rất ít công ty làm được.
Khoản đầu tư cần thiết để đạt được ước mơ độc lập về công nghệ cốt lõi của ông Tập, chỉ riêng trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn, ước tính trị giá từ 1-3 ngàn tỉ đô la Mỹ. Nhưng ngoài tiền, họ còn phải đặt niềm tin vào các nhà khoa học, kỹ sư, các bộ óc tư duy đột phá, táo bạo, cùng kinh nghiệm và nguồn tài trợ sáng tạo cần thiết để biến mục tiêu thành hiện thực. Điều này không thể tự động xảy ra nhờ chỉ đạo từ trên xuống. Đồng thời, Intel, Samsung, TSMC và các hãng khác cũng sẽ không ngồi yên.
Bài đăng trên Forbes Việt Nam, số 99, tháng 11.2021.