Huy động vốn quốc tế, Shire Oak International, công ty năng lượng Anh, đặt cược vào nhu cầu chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam với loại hình phát triển điện mặt trời áp mái.
Ngày 18.11.2021, Shire Oak International (SOI) đã ký hợp tác chiến lược với công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI) và công ty Đầu tư Năng lượng Tái tạo Hòa Bình (HRE), phát triển dự án điện mặt trời áp mái công suất 42MW tại khu công nghiệp Hòa Bình Long An. Dự án này thuộc hàng quy mô nhất tới nay được triển khai tại Việt Nam.
Kể từ năm 2017, khi chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo được ban hành, hàng trăm nhà đầu tư đã nhảy vào lĩnh vực điện mặt trời, đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có tốc độ phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất thế giới. Không giống như phần lớn nhà đầu tư xây dựng trang trại điện mặt trời quy mô lớn, SOI hợp tác với các doanh nghiệp, bỏ tiền đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái rồi sau đó bán điện với mức giá thấp hơn so với Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN).
“Việt Nam ở vị trí đặc ân mà thiên nhiên ban tặng. Đây là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi nhất mà tôi có thể hình dung cho năng lượng tái tạo,” Mark Shorrock, sáng lập, giám đốc điều hành của SOI nói.
“Tôi nghĩ rằng sau Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là quốc gia quan trọng trên thế giới xét về khía cạnh biến đổi khí hậu.” Sau ba năm đến Việt Nam, SOI đang vận hành 64MW điện mặt trời áp mái, thuộc nhóm các nhà phát triển điện mặt trời áp mái có quy mô lớn trên thị trường. Mark cho biết SOI có 140 triệu đô la Mỹ vào thị trường Việt Nam là nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư quốc tế. Công ty cũng đang thảo luận với các nhà đầu tư dự định đổ thêm khoảng 240 triệu đô la Mỹ sắp tới để xây dựng hàng trăm dự án điện mặt trời áp mái khác.
Có hai mô hình phát triển điện mặt trời. Thứ nhất, các trang trại điện mặt trời được xây dựng tập trung trên quy mô lớn cho công suất từ vài chục tới vài trăm megawatt. Thứ hai, mô hình điện áp mái được đặt trên mái nhà xưởng của các doanh nghiệp ở quy mô khoảng 1-5MW.
Điện mặt trời áp mái là loại hình cung cấp điện năng dễ lắp đặt, nhanh chóng và tiện dụng do giá thành tấm pin đang giảm mạnh theo thời gian. Loại hình điện này cũng hữu dụng ở những nơi không có lưới điện hoặc tận dụng diện tích mái nhà, đặc biệt trong các nhà máy, các khu công nghiệp để tự chủ một phần năng lượng, giảm bớt chi phí điện năng và giảm phát thải carbon.
Mark Shorrock, 51 tuổi, người Anh nói công ty ông có thể bán điện từ nguồn điện mặt trời áp mái tới khách hàng doanh nghiệp với mức chiết khấu tới 25%-32% cho khách hàng tại miền Nam, nơi có độ bức xạ mặt trời cao và đều trong năm, con số tương ứng tại miền Bắc là 5%-17% và miền Trung là 17%-25%.
Ông kể chỉ trong hai tuần vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), ông đã có năm cuộc nói chuyện qua điện thoại với các nhà đầu tư quốc tế về cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo EVN, tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái toàn quốc lên tới 48GW, trong đó tại khu vực miền Nam là 22GW. Năm 2020, với gần 7GW điện mặt trời được lắp đặt, Việt Nam có quy mô điện mặt trời đứng thứ bảy thế giới về công suất.
Khi đến Việt Nam để đầu tư vào năm 2018, Mark từng nghĩ chỉ cần đến gõ cửa, nói với doanh nghiệp là SOI muốn lắp miễn phí hệ thống điện mặt trời áp mái cho khách hàng và khách hàng được mua điện với giá rẻ hơn nhà nước thì khách sẽ đồng ý ngay. Sau buổi thuyết trình trước lãnh đạo của 62 công ty tại Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, chỉ có sáu công ty tỏ ý muốn tìm hiểu, và cuối cùng chỉ có hai công ty thực sự quan tâm.
Nhưng giờ đây gió đang xoay chiều. Các nhà cung cấp hàng hóa đang dần buộc phải đáp ứng các yêu cầu về chứng chỉ xanh từ các nhà nhập khẩu và phân phối nếu họ muốn đưa sản phẩm thâm nhập các thị trường phát triển như Hoa Kỳ hay châu Âu.
Để giảm hiệu ứng nhà kính, hạn chế phát thải carbon, xu hướng người tiêu dùng có trách nhiệm trên thế giới bắt đầu nói không với sản phẩm tạo ra từ năng lượng hóa thạch và họ đang tạo ra nhiều áp lực lên các thương hiệu và chính phủ. “Tôi sẽ có cuộc gặp với ba nhà cung cấp của Apple vào tuần tới,” Mark kể với Forbes Việt Nam tại văn phòng công ty ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). “Họ có đồng ý lắp đặt điện mặt trời áp mái không thì chưa biết, nhưng nếu cách nay một năm họ sẽ không gặp chúng tôi.”
Nhu cầu thị trường tăng lên nên các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn cho SOI giờ đây cũng tăng lên. Mark cho biết số vốn bây giờ mình có thể tiếp cận được so với một năm trước đây là “khổng lồ”.
Trong ba năm hoạt động tại Việt Nam, SOI có một số khách hàng lớn như nhà máy Tanifood tại Tây Ninh của Lavifood, doanh nghiệp chế biến hàng nông sản, rau củ, trái cây với hệ thống 5,1MW. Một cái tên khác là Cẩm Nguyên Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ống thép, cho thuê nhà xưởng, dịch vụ cảng, cùng SOI phát triển dự án quy mô 4,5MW tại nhà máy ở Long An.
Ngoài việc đánh thêm tích xanh vào danh sách các tiêu chuẩn về môi trường cần đáp ứng để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, điện mặt trời cũng giúp cho doanh nghiệp vận hành hiệu quả về mặt kinh tế. Chẳng hạn theo tính toán của SOI, một nhà máy lắp đặt công suất điện mặt trời áp mái 1MW, chủ doanh nghiệp có thể tiết kiệm 120 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Trước khi tới Việt Nam, Mark được biết đến trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia. Ông bắt đầu tham gia lĩnh vực năng lượng từ năm 2002, một lối rẽ bất ngờ. Trước đó, ông là nhà làm phim được biết đến với những tác phẩm như Ever After: A Cinderella Story (1998), The Man Who Knew Too Little (1997) và Tabloid (2001). Ông từng sống tại nhiều nơi trên thế giới, từng làm báo, hướng dẫn viên du lịch, dẫn đường thám hiểm…
“Tôi muốn tạo sự khác biệt, và khi làm phim thì tôi không tạo ra sự khác biệt,” Mark, mặc chiếc áo thun có in dòng chữ “This is rubbish – Đây là rác” kể với Forbes Việt Nam. Ông thích thú với những kịch bản điện ảnh về biến đổi khí hậu, những cuốn sách về khí hậu, môi trường, và quyết định chuyển sang thế giới của những đồng tiền mạo hiểm trong lĩnh vực môi trường vào ngày ông đọc thông tin về dự án điện gió lớn nhất thế giới được xây dựng ở Scotland. Bốn người bạn cũng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đã trở thành những nhà tài trợ vốn cho dự án đầu tiên về năng lượng tái tạo của ông tại Scotland. “Mọi loại hình kinh doanh trên thế giới đều dễ hơn làm phim điện ảnh,” Mark nhận xét.
Năm 2012, Mark lập Shire Oak Energy. Năm 2018, ông lập Shire Oak International, nhà phát triển và cung cấp tài chính quốc tế cho các giải pháp năng lượng tái tạo, tập trung vào thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, với kế hoạch xây dựng 2,1GW năng lượng mặt trời. “Điều thay đổi mạnh mẽ nhất trong vòng hai năm qua là có rất nhiều tiền rót cho các quốc gia như Việt Nam để thực hiện dịch chuyển năng lượng, không có tiền đầu tư cho than và khí,” ông cho biết.
SOI hoạt động với hai mảng kinh doanh là thuê mái, lắp đặt, sản sinh điện, bán điện lên lưới, và bán điện thừa từ nhà máy cho nhà máy khác. Tỉ trọng hai mảng tương đối đều nhau. Với chính sách hạn chế bán điện lên lưới hiện nay, họ tập trung vào các nhà máy có nhu cầu lắp đặt phục vụ nội bộ.
Thị trường điện mặt trời đang giảm nhiệt do sự chưa chắc chắn về mặt chính sách phát triển từ trung ương khiến các nhà đầu tư cẩn trọng hơn với túi tiền của mình. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy Việt Nam dự kiến phát triển công suất điện than lên 37 GW vào năm 2030 giảm từ mức 75,7 GW so với Quy hoạch điện VII năm 2011. Thực tế cho thấy “các chính sách khó đoán, thị trường khó đoán,” ông Phạm Nam Phong, chủ tịch Vũ Phong Energy Group cho biết. Vũ Phong là một trong những công ty thi công các dự án điện mặt trời cho SOI, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ bảo trì bảo dưỡng.
“Tôi không lo lắng khi thị trường đang phát triển chậm lại,” Mark nói. Việt Nam đang thí điểm thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA), cho phép các công ty sản xuất công nghiệp (tại cấp điện áp 22kV trở lên) mua điện trực tiếp từ nhà cung cấp năng lượng tái tạo. Thỏa thuận này mở ra con đường cho nhiều nhà sản xuất chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
“Việt Nam liên quan tới các hãng sản xuất lớn trên thế giới, chuyện xanh hóa là điều bắt buộc với các doanh nghiệp,” Mark nói. Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tin tốt là họ vừa trúng thầu dự án 78MW cho nhà sản xuất của Adidas tại Việt Nam. “Điều tuyệt vời là đã có sự thúc đẩy từ phía Adidas,” Mark nói.
—
Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 100, chuyên đề Đầu tư vào Năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tháng 12.2021.