Hội nghị COP27 năm 2022 diễn ra tại Ai Cập sẽ đặt gian hàng đặc biệt Food4Climate nhấn mạnh vào vai trò của hệ thống thực phẩm và nông nghiệp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một liên minh các tổ chức nhận thức về thực phẩm dẫn đầu là tổ chức phi chính phủ ProVeg International đã được chấp thuận đặt gian hàng về thực phẩm ‘Food4Climate’ (Tạm dịch: Thực phẩm vì Khí hậu) trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) diễn ra tại Ai Cập.
“Chế độ ăn giàu thực vật nên được nhìn nhận như giải pháp thích ứng và giảm thiểu quan trọng tại các phiên thảo luận về khí hậu,” Raphael Podselver, người đứng đầu bộ phận vận động chính sách của Liên hợp Quốc tại ProVeg International, cho biết.
Còn 80 ngày trước khi hội nghị chính thức diễn ra, những điểm chính trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) của COP27 đang dần được hoàn thiện. Gian hàng Food4Climate sẽ nhấn mạnh vào việc hệ thống thực phẩm và nông nghiệp cần phải thay đổi như thế nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả.
Lần đầu tiên trong hội nghị về biến đổi khí hậu, không gian hơn 100m2 sẽ được dành riêng cho gian hàng mang chủ đề thay đổi hệ thống thực phẩm. Từ nhiều năm qua, những tổ chức dân sự tập trung vào việc ngành công nghiệp thực phẩm đang góp phần gia tăng lượng khí thải CO2 nhấn mạnh không thể hoàn thành các mục tiêu toàn cầu về khí hậu trong thỏa thuận chung Paris nếu không khắc phục hệ thống thực phẩm.
Liên minh này đề ra mục tiêu thúc đẩy các quốc thành viên Liên hợp Quốc chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm và chế độ ăn giàu thực vật hơn nữa như một phần trong chính sách về khí hậu. “Chúng tôi hi vọng liên minh sẽ thúc đẩy những nhà hoạch định chính sách trên thế giới giải quyết những khó khăn từ nông nghiệp và khuyến khích các nước đưa ra giải pháp khắc phục tình hình,” Podselver cho biết.
Báo cáo thứ sáu được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố vào đầu tháng 5.2022 dự báo tiêu thụ thịt vào năm 2029 sẽ tăng 14% và kêu gọi các nước đẩy mạnh tính bền vững trong hệ thống thực phẩm hiện nay, khi hệ thống này chiếm 25% lượng khí thải nhà kính, 70% nguồn nước ngọt và 50% đất sinh hoạt.
“Nhìn chung, các mục tiêu cụ thể về nông nghiệp và đa dạng hóa việc tiêu thụ protein là điều vô cùng quan trọng nếu chúng ta muốn hoàn thành mục tiêu trong thỏa thuận chung Paris và những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs),” Podselver nhấn mạnh.
Trong khi đó, 50by40, liên minh các tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau với mục tiêu cắt giảm 50% hoạt động sản xuất và tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật trên toàn thế giới vào năm 2040, chỉ tập trung vào chuyển đổi cơ cấu gia súc tại COP27. Các công ty thực phẩm như Upfield, Oatly và Impossible Foods sẽ chia sẻ kinh nghiệm về chuyển sang chế độ ăn giàu thực vật hơn nữa.
Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2022 cũng sẽ có sự tham dự từ Nhóm chuyên gia về Hệ thống Thực phẩm Bền vững Toàn cầu (IPES-Food) và Jeremy Coller Foundation, từng dẫn đầu liên minh những nhà đầu tư toàn cầu đề xuất chính phủ các nước đề ra mục tiêu cụ thể trong việc giảm khí thải nhà kính từ nông nghiệp, một phần trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) trước thềm hội nghị COP26 năm 2021.
1 năm trước
Nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục