Start-up

Con đường của kỳ lân

2 tháng trước
Nguyễn Lan Anh

Việt Nam có cơ hội xây dựng các công ty kỳ lân hay không khi trào lưu tăng trưởng mạnh của các công ty công nghệ đang chậm lại và giới doanh nhân đang chú trọng hơn đến giải pháp phát triển “ăn chắc mặc bền”?

Share
this:

Kỳ lân là tên gọi những công ty phát triển vượt bậc với giá trị thị trường hơn một tỉ đô la Mỹ, trở nên phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây cùng với trào lưu phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Ngay cả ở giai đoạn hiện tại, khi trào lưu tăng trưởng mạnh của các công ty công nghệ đang chậm lại, giới doanh nhân và nhà đầu tư hiện chú trọng hơn đến những giải pháp phát triển “ăn chắc mặc bền”, thì ước mơ xây dựng những công ty kỳ lân vẫn không mất đi, khi công nghệ tiếp tục đi sâu vào mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Vậy kỳ lân đến từ đâu? Và làm thế nào để nền kinh tế có nhiều kỳ lân?

Bà Nguyễn Lan Anh

Endeavor, tổ chức toàn cầu với sứ mệnh xây dựng mạng lưới doanh nhân hỗ trợ nhau phát triển, trong năm 2023 đã thực hiện nghiên cứu thú vị mang tên “Con đường kỳ lân”. Nghiên cứu này xem xét hành trình của 200 nhà sáng lập các công ty kỳ lân trên toàn thế giới, trong đó có 100 công ty từ Mỹ và 100 công ty ở các nước đang phát triển.

34 trong số các công ty kỳ lân này thuộc mạng lưới Endeavor. Nghiên cứu này chỉ ra một số thay đổi quan trọng trong con đường xây dựng những công ty trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ trên thế giới hiện nay.

Nếu trước đây, đa số các nhà sáng lập các công ty kỳ lân đến từ những trường đại học hàng đầu ở Mỹ như Stanford, Harvard, MIT… thì nghiên cứu này cho thấy chỉ có khoảng 1/3 số doanh nhân tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu. 2/3 số nhà sáng lập kỳ lân hiện nay là những người tự học hoặc tốt nghiệp những trường đại học bình thường, không tên tuổi.

Trước đây, đa số các nhà sáng lập, CEO của các công ty kỳ lân học các chương trình cao học quản trị kinh doanh (MBA), thì hiện nay tới 61% các nhà sáng lập là những người học các ngành kỹ thuật, khoa học, chỉ 1/5 số họ có tham gia chương trình MBA.

Trước đây, rất nhiều nhà sáng lập các công ty công nghệ tỉ đô được cho là những người rất trẻ. Nhưng nghiên cứu của Endeavor lại khám phá ra rằng đa số các nhà sáng lập kỳ lân có tới 10 năm kinh nghiệm làm việc trước khi khởi nghiệp xây dựng công ty kỳ lân của họ.

Nếu trước đây, nhiều người làm việc cho các công ty công nghệ lớn trước khi khởi nghiệp, thì hiện nay, nghiên cứu này khám phá ra chỉ có 20% là từng làm cho những công ty lớn (Google, Microsoft, Meta…); đa số các nhà khởi nghiệp làm việc cho những công ty khởi nghiệp bình thường; hoặc là người khởi nghiệp nhiều lần (serial entrepreneur).

Kết quả nghiên cứu này rất truyền cảm hứng. Nó cho thấy cơ hội xây dựng nên những công ty có trị giá lớn không thuộc “đặc quyền” của những nhóm người có những nền tảng phát triển thuận lợi (con nhà giàu, học trường tên tuổi, đi làm công ty lớn, hay thậm chí, của những thị trường lớn); mà nó mở ra cho những doanh nhân có ý chí ở những điều kiện phát triển khiêm tốn hơn.

Các công ty kỳ lân cũng không nhất thiết phải là những công ty có công nghệ đột phá, vượt bậc, mà là những công ty giúp giải quyết được những vấn đề thực sự của nền kinh tế, ở mức độ rộng. Những công ty này đến từ các thị trường đang lên và con đường trở thành kỳ lân của họ nhanh hơn các công ty công nghệ từ Mỹ.

Tại Việt Nam thì sao? Câu hỏi thường được nhà đầu tư đặt ra, là Việt Nam có cơ hội để xây dựng các công ty kỳ lân hay không? Cho đến thời điểm này, số công ty kỳ lân tại Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, và nhìn sơ qua thì kết quả nghiên cứu kể trên hoàn toàn thích hợp khi tính đến hành trình của các nhà sáng lập kỳ lân Việt Nam.

Thế hệ những công ty tư nhân Việt Nam lớn mạnh nhất đều không đến từ nền tảng công nghệ. Họ là những doanh nhân tự lập chớp lấy cơ hội phát triển trong những lĩnh vực rất cơ bản của nền kinh tế (bất động sản, sản xuất, phân phối, bán lẻ, thương mại) và gần đây bắt đầu đi sâu hơn vào các ngành sản xuất công nghiệp/công nghệ.

Endeavor được xây dựng và phát triển ở Việt Nam đến nay đã tròn năm năm nhằm thúc đẩy sự phát triển của nhóm những nhà sáng lập trẻ, xây dựng các giải pháp kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Họ là những công ty đang bước vào giai đoạn quy mô hóa, được sàng lọc từ nhiều công ty khởi nghiệp trên thị trường và được trợ giúp thông qua các hoạt động cố vấn, kết nối… nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm phát triển để có thể đẩy công ty họ đi xa, đi nhanh hơn.

Kinh nghiệm họ học được đến từ chính các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm ở các mảng kinh doanh truyền thống và cả những nhà sáng lập của các công ty công nghệ khác. Từ kinh nghiệm này và theo quan sát của chúng tôi, tại Việt Nam đang hình thành một thế hệ các doanh nhân trẻ với xuất phát điểm từ công nghệ, kỹ thuật, đang có khả năng tăng trưởng mạnh.

Công nghệ chính là cơ hội để họ mở rộng quy mô và tạo giá trị. Thị trường của họ hoàn toàn không bị giới hạn trong biên giới nội địa. Mặc dù vậy, con đường của họ đi không dễ dàng. Một hệ sinh thái phát triển, trong đó cả nền tảng pháp lý chính sách và thị trường, mạng lưới hỗ trợ, sẽ là những điều kiện quan trọng để giúp nhóm công ty này phát triển mạnh khỏe trong thời gian tới.

Một câu hỏi mà chúng tôi cũng thường đặt ra là tại Việt Nam có cần đến nhiều công ty kỳ lân không? Những doanh nhân trong nhóm nhà cố vấn nền tảng của mạng lưới Endeavor cho rằng Việt Nam cần rất nhiều những công ty công nghệ mạnh khỏe, tạo nhiều công ăn việc làm và ảnh hưởng cho xã hội, giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản nhưng không nhất thiết phải trở thành những công ty hàng tỉ đô la Mỹ.

Những doanh nhân thành công này, với ý thức trách nhiệm cao về đóng góp cho xã hội, là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Nhóm những công ty này chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

————————-

Bà Nguyễn Lan Anh là giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam.