multi-media / Megastory

CMC định vị công ty trong “hào quang” phát triển công nghệ

Trong sự quan tâm của giới đầu tư đến nhóm ngành công nghệ, CMC là cái tên mới nổi được thị trường chú ý. Sau 14 năm niêm yết CMC có gì mới mẻ?

Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG) lần đầu tiên có mặt trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam. Năm 2023, doanh thu thuần công ty đạt 7.323 tỉ đồng, giảm nhẹ so với năm trước nhưng lợi nhuận đạt 325 tỉ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Quý 2.2024, cổ phiếu CMG lên cơn sốt sau sự hợp tác với Nvidia, ông lớn ngành chip bán dẫn thế giới. Cùng với cổ phiếu FPT, cổ phiếu CMG liên tục phá đỉnh, góp phần tạo ra làn sóng của nhóm cổ phiếu công ty công nghệ, bất chấp xu hướng đi ngang của thị trường chứng khoán.

Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam sau buổi lễ kỷ niệm 31 năm thành lập CMC Group, chủ tịch hội đồng quản trị Nguyễn Trung Chính cho biết: cứ gặp mười khách hàng, đối tác thì chín người hỏi CMC có gì để cạnh tranh với tập đoàn FPT, công ty công nghệ số 1 Việt Nam.

“Chúng tôi phải chuyên sâu hơn, phải kiên định và tập trung hơn nữa, để dũng cảm đi vào những ngách khó khăn nhưng mang lại giá trị cao hơn,” thuyền trưởng đồng sáng lập CMC trả lời thẳng thắn về hướng phát triển riêng của công ty. Lời của vị kỹ sư 61 tuổi cũng là bản cáo bạch ngắn gọn về lịch sử hơn 30 năm hoạt động của CMC: liên tục dấn thân vào những mảng tiên phong và khốc liệt nhất mà lớp doanh nhân công nghệ thế hệ đầu tại Việt Nam, thế hệ 1950-1960, có thể vươn tới.

Ngày nay, thị trường nhìn nhận CMC ở vị trí là tập đoàn công nghệ tư nhân lớn thứ hai của Việt Nam với bốn mảng kinh doanh chính: giải pháp công nghệ; hạ tầng số; kinh doanh quốc tế; nghiên cứu và giáo dục. Xét cấu trúc doanh thu theo ngành nghề, mảng hạ tầng số đang nắm giữ vai trò chủ đạo, đóng góp gần 60% lợi nhuận trước thuế trong khi chỉ chiếm 37% doanh thu.

Kế đến là  các dự án quốc tế đóng góp gần 30% lợi nhuận cho tập đoàn. Công ty kỳ vọng hoạt động giáo dục sẽ sớm cắt lỗ, dần tăng lên chiếm 20% tỉ trọng doanh thu và lợi nhuận trong vòng năm năm tới. Doanh thu CMC tăng trưởng mạnh hằng năm 20% trong giai đoạn 2019-2021, trước khi chững nhẹ vào năm ngoái. Nhân sự công ty cũng tăng từ 3.000 người năm 2021 lên hơn 5.000 người hiện tại.

 “Năm 2017, CMC bắt đầu đi ra thế giới và nay đã trở thành công ty toàn cầu, tiếp tục hướng đến mục tiêu doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ và đội ngũ hơn 10.000 nhân sự trong vòng bốn năm tới,” ông Chính nói. Vị lãnh đạo tốt nghiệp kỹ sư Điện tử viễn thông từ trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 1987, là trụ cột quan trọng đưa CMC từ một công ty tin học nhỏ ban đầu thành Tập đoàn CMC hiện nay. Mục tiêu 1 tỉ đô la Mỹ được CMC tiếp tục nhấn mạnh khi công ty khai trương văn phòng mới tại Hàn Quốc hồi tháng 5.2024.

Xét về tỉ lệ đóng góp doanh thu theo thị trường, mảng kinh doanh quốc tế đang chiếm 30% doanh số. Trong đó, hai thị trường Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm hơn 30%. Tại Hàn Quốc, dòng tiền chủ yếu đến từ công ty con cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm gia công phần mềm cho Tập đoàn Samsung.

Quan hệ hợp tác giữa CMC Global và Samsung SDS được thiết lập từ năm 2017 và trở thành cổ đông chiến lược từ giữa năm 2019 với tỉ lệ sở hữu khoảng 30%. Công ty kỳ vọng trong vòng năm năm tới, thị trường quốc tế sẽ mang về ít nhất 50-60% doanh thu và thị trường trong nước khoảng 40%. CMC Group dự kiến mở chi nhánh tại Mỹ trong năm 2024. Ông Chính nói: “Trong định hướng toàn cầu, Mỹ sẽ là thị trường trọng tâm mới.”

Đánh giá về đầu tàu của tập đoàn – mảng hạ tầng số, chủ tịch CMC nhận định, sau rất nhiều năm đầu tư vào hạ tầng, mảng kinh doanh này bắt đầu hái trái ngọt. Gia nhập thị trường muộn hơn nhiều so với các đối thủ trong nước, từ năm 2017, CMC Telecom đưa vào vận hành tuyến cáp đường trục CVCS (Cross Vietnam Cable System) kết nối với mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á, là tuyến cáp đất liền đầu tiên Việt Nam kết nối trực tiếp với vành đai khu vực qua năm quốc gia Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaysia.

CMC hợp tác với các đối tác nước ngoài để triển khai dự án trạm cập bờ cho cáp quang biển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng là điểm kết nối cho một dự án cáp quang biển nối mạng giữa Việt Nam và Malaysia, CMC là chủ đầu tư phía Việt Nam. CMC cũng đã đầu tư và vận hành tuyến cáp quang xuyên Việt từ Lạng Sơn đến Tây Ninh, trở thành công ty tư nhân có thể tự chủ được hạ tầng bên cạnh những người khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước như VNPT hay Viettel.

Trên đất liền, CMC Telecom là đơn vị cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam sở hữu cùng lúc hai trung tâm đạt chứng chỉ Tier III về thiết kế và vận hành trung tâm dữ liệu công suất điện 8MW ở khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). CMC cũng sở hữu hai trung tâm dữ liệu khác tại Hà Nội với tổng công suất điện 20MW.

CMC Telecom hiện nắm 65% thị phần cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cho ngân hàng tại Việt Nam, theo tự bạch. Trong đó bao gồm những khách hàng quan trọng trong an toàn tài chính quốc gia như hệ thống bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Cùng với đó là dãy dài các khách hàng toàn cầu, như Amazon lựa chọn CMC là nơi duy nhất để đặt dữ liệu trong nước.

“Không chỉ khách hàng lớn trong nước hay tập đoàn quốc tế, một số đối thủ của CMC cũng đặt dữ liệu quan trọng nhất của họ tại DC (Data Center) của chúng tôi,” ông Chính tiết lộ. Trung tâm dữ liệu tại không gian sáng tạo CMC Tân Thuận đang tiệm cận với Uptime Tier IV, là tiêu chuẩn quốc tế quan trọng nhất về lưu trữ dữ liệu.

Vướng mắc duy nhất là về dự phòng nguồn điện: chưa thể có được đồng thời hai đơn vị cung cấp điện độc lập. Ngoài điểm này, CMC Tân Thuận đã đạt đủ các tiêu chuẩn Tier IV về thời gian hoạt động liên tục, về thời gian ngưng hoạt động tối đa hằng năm, về khả năng bảo trì trong lúc đang hoạt động ở bất kỳ thời điểm nào.

Trong năm năm qua, mảng trung tâm dữ liệu được thúc đẩy mạnh bởi chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia của Chính phủ. Theo dữ liệu của Hiệp hội Internet Việt Nam, tính đến tháng 5.2024, Việt Nam có 32 trung tâm dữ liệu có tổng công suất ước đạt 70MW, đa số có quy mô dưới 12W.

Thị trường phát triển nhanh, đều nằm trong tay các nhà đầu tư lớn trong nước. Các đối thủ của CMC đều theo nhau đạt chuẩn Tier III của Uptime Institute. VNPT và mới đây là Viettel lần lượt đưa vào hoạt động những trung tâm dữ liệu có công suất lớn vượt trội, trên 20MW.

Báo cáo thị trường trung tâm dữ liệu châu Á của JLL cho thấy Việt Nam có không gian phát triển rộng mở nhờ mức phí xây dựng và nhân công còn rẻ. Nhìn thấy cơ hội, nhiều doanh nghiệp quốc tế bắt đầu tham gia thị trường Việt Nam như dự án của Gaw Capital (Hong Kong), NTT (Nhật Bản) hay Alibaba (Trung Quốc).

Trong xu thế các đơn vị chạy đua về công suất và bám sát về công nghệ, chủ tịch CMC cho biết tập đoàn đang triển khai dự án trung tâm dữ liệu thứ tư, với công suất 40MW tại Khu công nghệ cao TP.HCM. 1.000 chip xử lý đồ họa CMC mua từ Nvidia với tổng trị giá 250 triệu đô la trong giai đoạn 2024-2025 cũng sẽ là một chiêu bài để cạnh tranh. “Tất cả các khách hàng sử dụng phần cứng của Nvidia sẽ lựa chọn trung tâm dữ liệu của CMC như một phương án tối ưu và an toàn nhất,” ông Chính lý giải.


Tới nhà lãnh đạo sáng lập CMC, những thử thách trong kinh doanh không phải hiếm lạ. Ông Chính cùng nhà đồng sáng lập Hà Thế Minh là những nhân sự chủ chốt trong dự án lắp ráp máy tính cá nhân của Viện Công nghệ quốc gia năm 1988. Một năm sau, vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi toàn bộ tài liệu, máy móc, thổi bay giấc mơ tạo ra chiếc máy tính Việt đầu tiên của hai kỹ sư trẻ.

Ông Nguyễn Trung Chính, chủ tịch HĐQT tập đoàn công nghệ CMC.

Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1992, một năm sau bộ đôi rời biên chế, thành lập doanh nghiệp tư nhân mang CMC, cách hiểu chính thức là “Chính, Minh và Cộng sự.” Tên gọi này còn có thể hiểu là “Cháy Mà Có”, gợi nhắc đến vụ hỏa hoạn năm 1989 đẩy nhóm kỹ sư “ra đường” thành lập CMC từ đôi bàn tay trắng.

Ban đầu, công ty trở thành một trong những đơn vị đầu tiên ở Hà Nội chuyên nhập linh kiện và bán máy tính lắp ráp. Họ kiêm luôn việc dạy máy tính văn phòng cho các cơ quan nhà nước. Sau khoảng năm năm khởi nghiệp, CMC tích lũy vốn thành lập BlueSky, một trong những chuỗi bán lẻ điện máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1998. Nhận thấy tiềm năng của mảng viễn thông, từ rất sớm CMC đã chủ động hợp tác, mua cổ phần chiến lược tại Netnam, một trong số những đơn vị cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên, thành lập cùng năm với CMC.

Nhưng những thử nghiệm của CMC đều gặp khó khăn. Giai đoạn cuối những năm 1990, chỉ có những công ty nhà nước mới được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, bước chân của CMC vào thị trường này gặp lắm chông gai. Không có xuất phát điểm tốt từ nền tảng viễn thông, mảng cung cấp dịch vụ Internet, sân chơi vốn thuộc về VNPT, Viettel… CMC phải đương đầu với các đối thủ cạnh tranh sừng sỏ là các tập đoàn nhà nước lớn.

Giai đoạn 2002-2003, dưới sự hỗ trợ của Intel, CMC đầu tư nhà máy lắp ráp máy tính quy mô lớn nhưng mảng kinh doanh này không như kỳ vọng. Những vấn đề về bảo hộ sản xuất như áp thuế lên linh kiện nhập khẩu làm hoạt động lắp ráp, sản xuất máy tính CMS gặp khó khăn.

Công ty cũng không sở hữu công nghệ vượt trội đủ sức vươn ra nước ngoài, kinh doanh teo tóp dần và tập đoàn quyết định thoái toàn bộ vốn năm 2023. Với mảng bán lẻ, BlueSky phản ứng chậm chạp với chính sách, mất ưu thế trước các đối thủ, buộc phải đóng cửa không lâu sau đó.

Ở mảng giáo dục, CMC góp cổ phần thành lập Đại học Bắc Hà giai đoạn 2003-2005. Sự khác biệt quan điểm phát triển với các cổ đông khác nên công ty thoái vốn từ năm 2014. Sau đó, tập đoàn quay trở lại với dự án Đại học CMC, với việc M&A một trường đại học tư thục vào năm 2021.

Đúc rút lại những chặng đường kinh doanh đóng mở, gập ghềnh, chủ tịch CMC cho rằng chiến lược công ty không sai lầm mà vấn đề nằm ở sự thiếu hụt về nguồn tài năng kinh doanh. “Trong 31 năm, không thiếu những lúc nhìn thấy con đường sáng” nhưng “chiến lược có tốt mấy mà không có người triển khai thì cũng chỉ là một hướng đi.”

Ông Chính thừa nhận bản thân và người đồng hành, cựu chủ tịch Hà Thế Minh cũng như đội ngũ lãnh đạo CMC đời đầu đều là các nhà khoa học “thiên về nghiên cứu, không giỏi bốc phét.” Đó cũng là điểm không hợp thời trong thời đại truyền thông số. Công chúng yêu những phát kiến mới thường trông chờ những nhà sáng lập cá tính kiểu Steve Jobs hay Elon Musk, với những phát ngôn và hành xử “độc, ngông”, tạo ấn tượng với khách hàng, đối tác lẫn thu hút nhân tài.

Ông Hà Thế Minh chịu trách nhiệm dẫn dắt CMC từ khi thành lập cho đến khi qua đời năm 2016, nổi tiếng là người kiệm lời. Đến khi bản thân gánh vác trách nhiệm tại CMC, doanh nhân Nguyễn Trung Chính tự nhắc bản thân phải cố gắng khắc phục, phải truyền bá được tư tưởng của mình và hình ảnh công ty. “Đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng,” ông Chính nói.

Mở rộng hơn nữa đội ngũ lãnh đạo kế cận cũng là một nhiệm vụ quan trọng khác, giúp tái sinh CMC bằng ngọn lửa trẻ trung. Ông Chính cho biết, trong 400 quản lý cấp cao được tuyển chọn bài bản của tập đoàn đã có mặt những nhân sự 9X.

Bản thân ông cũng rút khỏi công việc quản trị, nhường ghế điều hành cho lứa kế cận. Dù có những thay đổi hợp thời cuộc, bên trong ông, chất của một nhà nghiên cứu vẫn trội hơn khí khái doanh chủ. Ông Chính tự hào nhắc đến trung tâm về chất xám CMC, Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ (CMC ATI). Từ chừng chục người buổi đầu lên 120 chuyên gia như hiện tại, viện là phần lõi của kế hoạch hướng Đại học CMC đi theo con đường nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.

Chủ trương dùng nhân sự vì ‘tinh’ chứ không ‘đa’, ông Chính quả quyết: “Dù đội ngũ nhỏ hơn, chúng tôi tập trung làm sản phẩm cao cấp để mang lại giá trị tương đương với doanh nghiệp có đội ngũ lớn hơn nhiều lần”.

—————————————————————