Dịch vụ

Chuỗi nhà hàng Trung Quốc Ajisen với 737 địa điểm báo lỗ vì COVID-19

Share
this:

Ajisen, chuỗi nhà hàng chuyên phục vụ món mì Nhật Bản của Trung Quốc, báo cáo kết quả tài chính ảm đạm do ảnh hưởng từ chính sách “Zero COVID”.

Ajisen, chuỗi nhà hàng Trung Quốc chuyên phục vụ món mì Nhật Bản, đã gia nhập các công ty trong ngành F&B (đồ ăn và thức uống) báo cáo kết quả tài chính ảm đạm cho nửa đầu năm 2022 do các lệnh phong tỏa theo chính sách “Zero COVID” của quốc gia tỉ dân.

Trong hồ sơ chứng khoán hôm 5.8, Ajisen dự báo khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng từ 90 triệu nhân dân tệ (13 triệu USD) lên 130 triệu nhân dân tệ (19,2 triệu USD), cao hơn lợi nhuận thuần 49,7 triệu nhân dân tệ (6,9 triệu USD) của năm 2021.

Theo Ajisen, tình hình kinh doanh khó khăn là tác nhân chính khiến doanh thu của công ty giảm 33% từ năm 2021 xuống còn 677,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 100 triệu USD). “Doanh thu của công ty sụt giảm chủ yếu do COVID-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong,” Ajisen cho biết.

Một chi nhánh thuộc chuỗi nhà hàng chuyên phục vụ món mì Nhật của Ajisen tại Thượng Hải. Ảnh: Alex Tai/Sopa Images/Lightrocket via Getty Images

“Nhằm tuân thủ theo các biện pháp phòng ngừa đại dịch COVID-19, Ajisen đã phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng một số nhà hàng tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, khiến doanh thu suy giảm. Bên cạnh đó, việc các nhà hàng giảm doanh thu cũng gia tăng tổn thất về quyền sở hữu tài sản, nhà máy và thiết bị. Qua đó, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của công ty,” Ajisen cho biết.

Tính đến cuối năm 2021, Ajisen sở hữu hệ thống 737 nhà hàng, phần lớn đặt tại Trung Quốc đại lục.

Trong quý 2.2022, hàng triệu người dân tại các thành phố quan trọng như Thượng Hải và Bắc Kinh đã chịu ảnh hưởng từ những lệnh phong tỏa. Trung Quốc cho biết các biện pháp phòng dịch giúp quốc gia đông dân nhất thế giới giảm 1 triệu ca tử vong do COVID-19.

Nằm trong số những doanh nghiệp khác chịu ảnh hưởng, Starbucks vào ngày 2.8 cho biết doanh số bán hàng cùng cửa hàng tại trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của thương hiệu này sau quê nhà Mỹ, giảm 44% với giá vé trung bình giảm 1% và giao dịch giảm 43%. Vào cuối tháng 7.2022, Yum China cho biết lợi nhuận thuần trong giai đoạn ba tháng tính đến ngày 30.6 giảm 54% xuống còn 83 triệu USD.

Vào đầu tháng 8.2022, Helens International Holdings, vận hành chuỗi quán bar lớn nhất Trung Quốc khi niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong, cho biết khoản lỗ của công ty trong hai quý đầu năm 2022 tăng gấp 12 lần từ năm 2021, trong bối cảnh suy giảm do đại dịch COVID-19.

Biên dịch: Minh Tuấn

Xem thêm:
Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao thua lỗ 710 triệu USD
Tài sản của tỉ phú, chủ chuỗi lẩu Haidilao giảm gần 12% trong một ngày
Cách Acecook trở thành “thương hiệu mì gói quốc dân”