Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận sắc xanh với cổ phiếu của các công ty lớn tăng cao. Tuy vậy, vẫn còn lo ngại về việc Fed nâng lãi suất.
Với chỉ số S&P 500 tăng 17% kể từ thời điểm thị trường lao dốc vào giữa tháng 6.2022, cổ phiếu các tập đoàn như Ford, Tesla và Netflix nằm trong số những cái tên có mức tăng cao nhất. Trong khi đó, một vài cổ phiếu năng lượng và tiêu dùng sụt giảm mặc cho thị trường chứng khoán phục hồi những tháng gần đây.
Chỉ số S&P 500 đã phục hồi phần lớn mức giảm sau đợt bán tháo cổ phiếu diện rộng trong nửa đầu năm 2022, tăng 17% kể từ thời điểm thị trường lao dốc ngày 16.6 và hiện ghi nhận tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp.
Trong nhiều tuần qua, giá cổ phiếu phục hồi từ việc các nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng lạm phát đã chạm đỉnh sau khi giá tiêu dùng hạ nhiệt vào tháng 7.2022, mở ra hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm đà tăng lãi suất và nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Kể từ ngày 16.6, nhóm cổ phiếu thể hiện tốt nhất trong chỉ số S&P 500 có nhà cung cấp linh kiện năng lượng mặt trời Enphase Energy và sàn thương mại điện tử Etsy, lần lượt tăng 75% và 65%.
Một số công ty phần mềm cũng ghi nhận mức tăng cao: cổ phiếu Epam Systems tăng 57%; nhà cung cấp dịch vụ tính lương Paycom tăng 49% và công ty điện toán đám mây Arista Networks tăng 46%.
Cổ phiếu một số công ty nổi tiếng cũng tăng giá trị đáng kể trong vài tháng qua, bao gồm hãng sản xuất xe Ford (45%), hãng xe điện Tesla (gần 43%) và doanh nghiệp phát trực tuyến khổng lồ Netflix (41%).
Những cái tên nổi bật khác trong rổ S&P 500 như chuỗi nhà hàng bánh burrito Chipotle và doanh nghiệp thanh toán số khổng lồ Paypal với thị giá cổ phiếu cùng tăng 39%, bên cạnh hai gã khổng lồ công nghệ Amazon (37%) và Apple (34%).
Theo dữ liệu của Bloomberg, chỉ có 20 cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% trong giai đoạn thị trường lao dốc kể từ ngày 16.6.
Trong năm 2022, cổ phiếu có màn thể hiện tệ nhất ở S&P 500 kể từ thời điểm thị trường lao dốc là công ty đào vàng Newmont có trụ sở tại Colorado – giảm gần 31% và công ty dầu mỏ Baker Hughes giảm gần 15% giá trị. Cổ phiếu một vài công ty năng lượng dẫn đầu thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá xăng dầu giảm từ mức đỉnh khoảng 120 USD/thùng đầu tháng 6.2022 xuống xấp xỉ 90 USD/thùng như hiện nay.
Cổ phiếu Apache Corp, công ty mẹ của APA Corp, cũng giảm 13%, Halliburton giảm hơn 11%, Phillips 66 giảm hơn 7% và Marathon Oil mất 4%. Một số cổ phiếu tiêu dùng cũng ghi nhận giảm, bao gồm công ty mẹ của Tinder Match Group (giảm gần 11%), Verizon (8%), Walgreens Boots Alliance (3%) và Johnson & Johnson (2%).
Với một loạt dữ liệu kinh tế cho tháng 7.2022 có kết quả tốt hơn dự báo, bao gồm báo cáo số lượng việc làm tăng mạnh và giá tiêu dùng hạ nhiệt, đã tiếp thêm sự lạc quan cho các nhà đầu tư về việc lạm phát chạm đỉnh. Nhiều nhà giao dịch hy vọng về thời điểm đảo chiều của Fed, khi ngân hàng trung ương Mỹ giảm thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, một số chuyên gia đưa ra cảnh báo thị trường chứng khoán tăng gần đây cũng chỉ như giai đoạn thị trường rớt giá.
Fed có kế hoạch tăng lãi suất hơn nữa cho đến khi lạm phát thực sự xuống thang, dấu hiệu cho thấy việc này sẽ mất một khoảng thời gian trước khi tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ, theo biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của ngân hàng trung ương này. Tuy các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra lạc quan, nhiều nhà phân tích Wall Street nhận định lạm phát cần phải tăng chậm lại để “mở đường” cho Fed có thể giảm nhịp độ hoặc tạm dừng nâng lãi suất và thắt chặt tiền tệ.
“Cổ phiếu chắc chắn sẽ gặp khó khăn cho đến hết mùa hè này, khi Wall Street chưa chắn chắn về việc Fed sẽ thể hiện sự quyết liệt đến mức nào trong tháng 9.2022,” Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của Oanda, dự đoán.
Các nhà giao dịch gần như có quan điểm khác biệt về việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo, theo dữ liệu của CME Group.
2 năm trước
Giá cổ phiếu Meta tăng gần 20%6 tháng trước
Vốn hóa Amazon lần đầu vượt ngưỡng 2.000 tỉ USD1 năm trước
Amazon đầu tư 4 tỉ USD vào startup AI Anthropic