Lực lượng nhà đầu tư f0 tăng trong đại dịch đã trở thành chất xúc tác khiến doanh nghiệp tăng tốc trên đường đua ứng dụng công nghệ.
Thời điểm làn sóng COVID–19 đầu tiên ập đến Việt Nam tháng 3.2020, Lê Minh Thành, 33 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bất động sản, buộc phải ở nhà để giãn cách xã hội. Đó là khi anh quyết định đầu tư mạnh tay hơn vào chứng khoán vì xét thấy “đây là lúc có thể đầu tư”.
Từ con số 30 triệu đồng ban đầu, giá trị tài khoản chứng khoán của Thành tính tới cuối tháng 5.2021 đã lên mức hơn 3 tỉ đồng, gồm tiền đầu tư ban đầu, đầu tư thêm và lãi. Anh thu về khoản lời gấp hai lần vốn sau khi đã trừ đi phần trả margin.
Thành là một trong số rất nhiều nhà đầu tư mới, còn gọi là F0, ồ ạt tham gia thị trường trong giai đoạn đại dịch. Đội ngũ này đã đóng góp 85% khối lượng giao dịch hằng ngày của toàn thị trường, đồng thời làm thay đổi chiến lược của các doanh nghiệp đang bám rễ trong hệ sinh thái chứng khoán.
Để phục vụ đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán cá nhân ngày càng đông đảo, hàng loạt doanh nghiệp chen chân vào đường đua công nghệ. Các sản phẩm như eKYC (công nghệ định danh khách hàng trực tuyến) hay những ứng dụng hỗ trợ giao dịch trên điện thoại di động trở nên phổ biến hơn, giúp nhà đầu tư thực hiện giao dịch đơn giản và tiện lợi hơn.
Theo trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 30.4.2021, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đã vượt 3,103 triệu tài khoản, trong đó 3,091 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 75% trong số họ ở độ tuổi dưới 35.
VNDIRECT ước tính trung bình mỗi tháng có gần 86.000 tài khoản được mở mới, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ 2020, góp phần vào sự bùng nổ số lượt giao dịch với mức trung bình cao gấp ba lần năm 2018. Thanh khoản ghi nhận kỷ lục mới với trung bình mỗi phiên của tháng 4.2021 lên xấp xỉ 20.000 tỉ đồng, gấp bốn lần so với tháng 1.2020.
“Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, thị trường chứng khoán ngày càng hấp dẫn đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển dịch từ các kênh truyền thống như tiền gửi tiết kiệm, ngoại hối, vàng… sang chứng khoán,” theo bà Trương Minh Trang, giám đốc điều hành cấp cao khối Thông tin tài chính của FiinGroup.
…
Nhóm hưởng lợi từ sự dịch chuyển này chính là các công ty công nghệ tài chính đang cung cấp giải pháp công nghệ cho các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. FireAnt, công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ dành cho nhà đầu tư cá nhân, ghi nhận lượng người dùng tăng vọt 40% trong giai đoạn từ đầu năm 2020 tới tháng 5.2021.
Hiện số tài khoản hoạt động thường xuyên (active) trên nền tảng FireAnt Web Platform và ứng dụng FireAnt Mobile của doanh nghiệp đã chạm mốc một triệu người, với khoảng 200 ngàn nhà đầu tư hoạt động mỗi ngày, đứng đầu thị trường về mảng đầu tư cá nhân, mang về mức tăng trưởng doanh thu trung bình 10% mỗi tháng tính từ đầu năm 2020 đến nay, theo số liệu công ty công bố.
Ông Nguyễn Võ Long, chủ tịch FireAnt cho rằng điểm nổi trội cần ở sản phẩm là tính hoàn chỉnh, làm sao giúp “các nhà đầu tư mới không cần phải dùng những công cụ quá phức tạp”.
FireAnt hiện cung cấp ứng dụng hỗ trợ đầu tư FireAnt Mobile, hoạt động như ví điện tử giúp liên kết công ty chứng khoán với nhà đầu tư cá nhân. Khác với các ứng dụng của công ty chứng khoán, sản phẩm cung cấp các công cụ cao cấp hơn như phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, bộ lọc cổ phiếu hay chức năng đưa ra các tín hiệu mua bán, tín hiệu cảnh báo giúp nhà đầu tư mới đưa ra quyết định mua bán.
Bên cạnh đó, FireAnt Mobile cũng hiển thị thông tin thị trường cập nhật từ nhiều đầu báo, tích hợp cả mục cộng đồng để người dùng chia sẻ các bài đăng cá nhân, thường đính kèm với các mã cổ phiếu có thể dẫn sang trang thông tin chi tiết về mã cổ phiếu nếu bấm vào.
“Một trong những xu hướng công nghệ trên thị trường hiện tại là đẩy mạnh ứng dụng nền tảng phần mềm trên các thiết bị di động theo hướng đa dạng hóa, đưa ra các hướng tiếp cận đơn giản để gắn kết tốt hơn với người dùng đại chúng, trong số đó có những người chưa từng tham gia thị trường,” ông Long cho biết.
Nguồn thu của các công ty công nghệ như FireAnt sẽ đến từ chính người dùng, những người sẵn sàng chi tiền cho các gói hội viên (có giá trị thấp nhất từ 350 ngàn đồng cho ba tháng) để tiếp cận các công cụ, dữ liệu và hạ tầng của công ty. Tuy vậy, theo chủ tịch FireAnt, số nhà đầu tư chịu chi trả cho các dịch vụ liên quan tới thị trường chứng khoán “chưa phải là cao”. Từ chối tiết lộ con số tại FireAnt, ông Nguyễn Võ Long cho biết, trên thị trường chỉ khoảng 5–10% nhà đầu tư cân nhắc việc sử dụng các công cụ hỗ trợ.
Lý giải nguyên nhân không sử dụng các ứng dụng đầu tư, nhà đầu tư F0 Lê Minh Thành cho biết anh cảm thấy “chưa thực sự cần thiết, bởi chứng khoán vẫn chỉ là mảng đầu tư tay trái”. Thành vẫn đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên tư vấn của các chuyên viên môi giới, kết hợp với các thông tin đại chúng và nguồn tin riêng của bản thân.
Một nguồn thu khác của các công ty công nghệ đến từ việc cung cấp công nghệ cho các công ty chứng khoán có nhu cầu nhưng không “đốt tiền” vào cuộc đua công nghệ như số ít “ông lớn” trên thị trường. Một trong những doanh nghiệp lựa chọn chiến lược này là Yuanta, công ty chứng khoán Đài Loan có mặt tại Việt Nam từ những năm 2000 và bắt đầu đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ từ tháng 6.2020.
“Nếu các công ty chứng khoán phải lo cả việc phát triển công nghệ với triển khai các dịch vụ môi giới, giao dịch cho vay margin, sẽ dễ bị tụt lại phía sau các công ty công nghệ, vốn đã chuyên môn hóa trong việc tạo các sản phẩm công nghệ thu hút người dùng,” theo ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc khối Nghiên cứu phân tích khách hàng cá nhân của Yuanta.
Theo đó, các công ty chứng khoán bắt tay với các công ty công nghệ (hay còn gọi là vendor) để đưa ra các sản phẩm phù hợp, nâng cao trải nghiệm cho nhà đầu tư hiện có, đồng thời kỳ vọng chuyển đổi người dùng của các vendor thành khách hàng của mình. “Để làm vậy, công ty chứng khoán cần phải có các sản phẩm đặc trưng,” ông Minh cho biết.
….
Tháng 4.2021, Techcom Securities (TCBS) đã tiên phong ra mắt nền tảng đầu tư cộng đồng (social investing) iCopy. Tại đây khách hàng cá nhân có thể tự động sao chép giao dịch mỗi khi một hoặc nhiều nhà đầu tư có thành tích đầu tư hiệu quả (iTrader) mua hay bán mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán, theo đúng tỉ lệ phân bổ của chính các iTrader này.
Trên thế giới, nền tảng tương tự iCopy khá phổ biến, gọi là copytrade, tiêu biểu như eToro, Shrimpy và Zignaly dùng trong thị trường tiền mã hóa, với mục tiêu xóa bỏ các rào cản cho những nhà đầu tư cá nhân vừa “chập chững” bước vào thị trường.
Trong khi Yuanta cung cấp các công cụ phân tích chứng khoán như YSRadar, hay gần đây hơn là sản phẩm môi giới số YSuri, được xây dựng như một chatbot trên ứng dụng nhắn tin Telegram, có khả năng đưa ra những lời khuyên dựa trên các mô hình định lượng kết hợp từ các phân tích cơ bản và kỹ thuật. Cả hai sản phẩm hiện được cung cấp miễn phí cho khách hàng có tài khoản tại Yuanta.
Tuy vậy, theo ông Minh, trong tương lai nếu cộng đồng tham gia chứng khoán đông hơn, phí giao dịch có thể rơi về mức thấp hơn đồng thời các khách hàng đã có trải nghiệm tốt với công nghệ, các sản phẩm này có thể trở thành một nguồn thu khác cho doanh nghiệp.
“Tính đến nay, số nhà đầu tư đăng ký sử dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ giao dịch chứng khoán đã tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,6 lần so với cuối năm 2020,” theo số liệu Yuanta công bố.
Việc “ký sinh” vào các công ty công nghệ cũng mang lại rủi ro phụ thuộc cho các công ty chứng khoán. Tuy nhiên các công ty chứng khoán cho rằng vấn đề này có thể giải quyết bằng cách bắt tay với nhiều vendor để phân tán rủi ro. Về phía các công ty công nghệ, thách thức lớn nhất là vượt qua các yêu cầu ngày càng cao về hệ thống cũng như giải pháp công nghệ, đặc biệt khi số người dùng tăng vọt trong thời gian ngắn.
“Các công cụ dành cho nhà đầu tư vốn phải liên tục xử lý, đẩy dữ liệu theo thời gian thực, đồng thời đưa ra các cảnh báo và tín hiệu cho nhà đầu tư khi cần,” ông Nguyễn Võ Long giải thích.
Tuy khác biệt về chuyên môn và xuất phát điểm, chiến lược phát triển của các công ty chứng khoán và công ty công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tiệm cận nhau vì đều hướng tới nâng cấp công nghệ để phục vụ khách hàng.
“Tương lai phát triển của công nghệ chứng khoán sẽ xoay quanh các nền tảng dữ liệu lớn (big data), từ đó phát triển các ứng dụng trên nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo) và blockchain (công nghệ chuỗi khối). Điều này đồng nghĩa đơn vị sở hữu lượng người dùng đồ sộ nhất sẽ thắng,” ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Với các công ty chứng khoán, mục tiêu trước mắt là kết nối được với mọi ngân hàng để các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch, bất kể tài khoản ở đâu. Tại Việt Nam, hiện có VNDIRECT làm được điều này. Song song đó, các công ty chứng khoán cũng tăng cường tích hợp công nghệ nhằm tạo nên hệ sinh thái hoàn thiện hơn, nơi khách hàng có thể chạm tay vào mọi sản phẩm, dịch vụ. Tương tự, các công ty công nghệ cũng tận dụng các tiện ích trong hệ sinh thái và bành trướng tệp khách hàng thông qua bắt tay với các công ty chứng khoán.
Dư địa phát triển của cả hai nhóm doanh nghiệp vẫn đang rộng mở với số tài khoản giao dịch hiện hơn 3,1 triệu trên gần 100 triệu dân, trong khi đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm hướng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Chính phủ đặt mục tiêu số tài khoản chứng khoán đạt ít nhất 5% quy mô dân số vào năm 2025.
Tựa theo bản in “Đòn bẩy cho chứng khoán”, Forbes Việt Nam số 94 phát hành tháng 6.2021.
3 năm trước
SK Group đầu tư vào nhánh fintech của AirAsia2 tuần trước
Vấn đề lớn của nhà đầu tư vào Nhật Bản năm 20252 năm trước
Funding Societies mua lại CardUp