Hội đồng quản trị của TSMC dự kiến sẽ bổ nhiệm C.C. Wei vào vị trí chủ tịch thay thế cho Mark Liu từ năm 2024.
Vừa qua, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) thông báo Mark Liu sẽ rời vị trí chủ tịch và nghỉ hưu từ năm 2024. Ông đã lèo lái tập đoàn bán dẫn Đài Loan vượt qua khó khăn từ cuộc khủng hoảng thiếu hụt vi xử lý toàn cầu.
“Tôi đã có một cuộc hành trình phi thường trong hơn 30 năm cống hiến cho TSMC và cảm thấy vinh dự khi được tiếp nối nhà sáng lập huyền thoại Morris Chang, trở thành chủ tịch tại một doanh nghiệp lừng danh. Giờ đây, tôi muốn sử dụng kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều thập niên làm việc trong ngành bán dẫn cho mục đích khác, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bắt đầu chương mới trong cuộc đời của mình,” Mark Liu cho biết trong thông cáo báo chí của TSMC.
Mark Liu gia nhập TSMC vào năm 1993 và thăng tiến lên vị trí chủ tịch từ năm 2018 sau khi nhà sáng lập, tỉ phú Morris Chang, nghỉ hưu.
Là người mở đường cho ngành công nghiệp vi xử lý của Đài Loan, Morris Chang được ca ngợi đã gây dựng TSMC thành nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Dự kiến, hội đồng quản trị TSMC sẽ chuyển giao vị trí chủ tịch của Mark Liu cho phó chủ tịch kiêm CEO C.C. Wei và quá trình này cần có sự đồng thuận từ các cổ đông.
C.C. Wei gia nhập TSMC vào năm 1998 và tham gia hội đồng quản trị của tập đoàn này kể từ năm 2017. Ông tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện tử từ đại học Quốc gia Chiao Tung (Đài Loan) và nhận bằng tiến sĩ tại đại học Yale (Mỹ).
Theo IDC, TSMC hiện thống trị ngành công nghiệp sản xuất vi xử lý bán dẫn khi chiếm hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu, là đối tác cung ứng lớn cho các công ty như Apple, Nvidia. Với trụ sở đặt tại Tân Trúc (Đài Loan), TSMC là công ty có giá trị nhất châu Á với vốn hóa thị trường 485 triệu USD.
Thông tin C.C. Wei chuẩn bị trở thành chủ tịch mới được đưa ra trong thời điểm TSMC đang nỗ lực mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu vi xử lý AI trên toàn thế giới. Động thái mở rộng hoạt động ở nước ngoài của TSMC được nhận định sẽ giảm thiểu rủi ro về nguồn cung, khi không tập trung quá nhiều vào một khu vực duy nhất. Nhưng TSMC cho biết phần lớn hoạt động sản xuất vẫn sẽ đặt tại Đài Loan.
Trong một bài phát biểu chính thức hiếm hoi vào tháng 3.2023, Morris Chang cho biết triển vọng về quá trình toàn cầu hóa đang rất ảm đạm từ những lo ngại về vấn đề an ninh và vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ.
“Quá trình toàn cầu hóa lĩnh vực vi xử lý đã kết thúc, và thương mại tự do cũng đang tiến tới điểm đó,” Morris Chang cho biết tại một diễn đàn về bán dẫn tại Đài Bắc. Ông cho rằng việc dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất vi xử lý sang Mỹ sẽ khiến chi phí tăng lên và kìm hãm đà tăng trưởng của thị trường.