Chủ tịch Mentally Fit Global, Alain Goudsmet: Huấn luyện doanh nghiệp như huấn luyện đội tuyển thể thao
Được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực huấn luyện tối ưu hóa hiệu suất và quản trị năng lượng đội ngũ, Alain Goudsmet – huấn luyện viên tinh thần của đội tuyển Olympic Bỉ, nhà sáng lập & chủ tịch tập đoàn Mentally Fit Global đã chia sẻ những góc nhìn thú vị về công việc của những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Từ kinh nghiệm huấn luyện vận động viên và các đội tuyển Olympic, ông đã thành lập tập đoàn Mentally Fit Global, trực tiếp huấn luyện nhiều nhà lãnh đạo và quản lý cấp cao khắp thế giới. Có sự khác biệt nào giữa các vận động viên/đội tuyển thể thao và các lãnh đạo doanh nghiệp?
– Thách thức mà các đội tuyển thể thao và các doanh nghiệp đang đối mặt là như nhau – bản chất đều liên quan đến con người.
Trong giới thể thao, có thể chia các môn thi đấu thành hai nhóm: thể thao cá nhân và thể thao đồng đội. Có thể ví “môn thể thao” mà các “vận động viên doanh nghiệp” cùng tham gia vào là “môn thể thao đồng đội”.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cần kích hoạt được tinh thần hợp lực, sự đoàn kết, cảm giác tự hào được là một phần của “đội tuyển” từ tất cả các thành viên. Cùng với tinh thần thi đấu hết mình dưới một “màu cờ, sắc áo”, “đội tuyển doanh nghiệp” đó mới có cơ hội giành chiến thắng trên thương trường.
Với các đội tuyển thể thao, thách thức lớn nhất của huấn luyện viên trưởng là làm thế nào để các “siêu sao” trong đội chịu “chuyền bóng” cho nhau trên sân đấu? Làm thế nào để tạo ra “chất keo kết dính” giữa các cầu thủ xuất sắc đó để biến họ trở thành một đội tuyển đồng lòng, cùng nỗ lực vì một mục tiêu chung?
Các doanh nghiệp cũng có những thách thức tương tự: Làm thế nào để dàn “cầu thủ siêu sao” đến từ các bộ phận: bán hàng, tài chính, nhân sự, marketing, logistics… thực sự “chơi bóng” cùng nhau. Để làm được điều đó, huấn luyện viên trưởng cần huấn luyện đồng thời tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo của doanh nghiệp đó như cách huấn luyện một đội tuyển thể thao (team coaching).
Làm thế nào để gắn kết các bộ phận khác nhau trong cùng một doanh nghiệp, thưa ông?
– Trước đây, lãnh đạo là người dẫn đường chỉ lối, kết nối mọi người, đặt ra các quy tắc và đưa ra quyết định. Ngày nay, nền tảng của công tác lãnh đạo chính là năng lực kích hoạt năng lượng của các cá nhân và đội ngũ.
Chúng ta có thể nhìn nhận một “đội tuyển doanh nghiệp” thi đấu với hiệu suất cao từ hai góc độ:
Thứ nhất, người lãnh đạo có thể tạo ra “chất keo kết dính” giữa các cá nhân trong đội ngũ mình đang dẫn dắt không?
Thứ hai, người lãnh đạo có thể tạo ra “chất keo kết dính” giữa các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp đó không?
Để gắn kết các bộ phận khác nhau trong cùng một doanh nghiệp với nhau, các lãnh đạo nên tạo ra các “thỏa thuận nhóm”, trong đó mỗi bộ phận chức năng chia sẻ rõ kỳ vọng của họ với các bộ phận khác và ngược lại. Chẳng hạn, lãnh đạo có thể tổ chức một buổi làm việc giữa bộ phận marketing và bộ phận bàn hàng để thống nhất về một “thoả thuận nhóm”.
Tại đó, đội marketing sẽ làm rõ kỳ vọng của họ với bộ phận bán hàng và ngược lại. Khi những kỳ vọng của mỗi bộ phận được chia sẻ rõ ràng, người lãnh đạo mới có thể tạo ra được “chất keo kết dính” giữa các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp của mình.
Khi làm việc với những lãnh đạo cao cấp nhất của các tập đoàn đa quốc gia ở khắp nơi trên thế giới, ông nhận thấy năng lực lãnh đạo của họ có đến từ lợi thế tuổi tác không? Họ có bí quyết gì chung để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các tổ chức này?
– Vấn đề không phải tuổi tác, mà là kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở đây có được từ quá trình chuyển hoá những điều đã xảy ra với mình trở thành những bài học. Có nhiều người không có thói quen dành thời gian để suy ngẫm và nhìn nhận lại những việc đã xảy ra. Kết quả là dù cho có bao nhiêu việc xảy ra với họ, họ cũng không rút ra được bài học nào.
Để thúc đẩy tổ chức phát triển một cách bền vững, mỗi thành viên, dù ở vị trí nào trong tổ chức, cũng cần có những thời điểm dừng lại (dù chỉ là 5 phút) để suy ngẫm và nhìn nhận lại những việc đã xảy ra. Hãy tự hỏi mình và đội ngũ: “Những việc gì chúng ta đã làm tốt? Những việc gì chúng ta làm chưa tốt? Để đạt được kết quả tốt hơn, lần tới chúng ta sẽ cần thay đổi điều gì?”
Đây là khái niệm Pit Stop trong môn thể thao đua xe công thức 1 (F1). Đó là thời điểm chiếc xe đua F1 dừng lại thay lốp, căn chỉnh và tối ưu hoá động cơ… để vận động viên đua xe và chiếc xe đua sẵn sàng tăng tốc mạnh mẽ hơn trong những chặng đua tiếp theo.
Bí quyết thúc đẩy sự phát triển bền vững của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu chính là “đưa Pit Stop trở thành văn hoá của doanh nghiệp”. Các kỳ Pit Stop chính là thời điểm giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp “tạm giảm tốc độ” để nhìn nhận lại những điều đã xảy ra với một góc nhìn đa chiều và khách quan, từ đó tìm ra chiến thuật phù hợp cho doanh nghiệp của mình trong “chặng đua” tiếp theo.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43