Doanh nhân

Chủ thương hiệu trà sữa Cha Panda thành tỉ phú

1 năm trước
Tác giả Yue Wang

Wang Xiaokun đã phát triển Cha Panda thành thương hiệu trà sữa giá rẻ với doanh số bán lẻ lớn thứ ba tại Trung Quốc.

Share
this:

Wang Xiaokun, nhà sáng lập và chủ tịch Cha Panda, đã gia nhập nhóm tỉ phú toàn cầu sau khi thương hiệu trà sữa của ông hoàn tất vòng gọi vốn mới với mức định giá 2,1 tỉ USD.

Theo ước tính của Forbes, Wang Xiaokun (40 tuổi) sở hữu khối tài sản ròng 1,1 tỉ USD đến từ gần 60% cổ phần nắm giữ trong chuỗi đồ uống có trụ sở tại Thành Đô, Trung Quốc.

Trong hơn ba năm qua, Cha Panda đã liên tục mở rộng quy mô và hình thành mạng lưới hơn 7.000 cửa hàng. Các thức uống đặc trưng của Cha Panda gồm chè xoài bưởi, trà sữa trân châu môn và trà xanh sữa hương nhài, hầu hết có giá bán từ 3,60 USD trở xuống.

Vợ của Wang Xiaokun, Liu Weihong cũng sở hữu khối tài sản lớn trị giá 700 triệu USD từ 33% cổ phần trong Cha Panda. Theo bản cáo bạch sơ bộ đệ trình lên sàn chứng khoán Hong Kong (HKEX), Liu Weihong là trưởng ban giám sát hoạt động kinh doanh hằng ngày của Cha Panda. Công ty không phản hồi email yêu cầu đưa ra bình luận.

Theo bản cáo bạch, Chan Panda đã bán cổ phiếu cho nhóm nhà đầu tư gồm CICC, Orchid Asia và Shanghai Loyal Valley với mức giá 13,2 nhân dân tệ/cổ phiếu (1,8 USD) để đổi lấy khoản đầu tư trong vòng gọi vốn mới, hoàn tất vào tháng 6.2023.

Cha Panda không cung cấp thông tin chi tiết nào về đợt phát hành công khai lần đầu (IPO), bao gồm thời gian thực hiện và số lượng cổ phiếu niêm yết.

Các nhà phân tích nhận định Cha Panda cần nguồn vốn mới để mở rộng hơn nữa số lượng cửa hàng, nhằm duy trì đà tăng trưởng trong thị trường đồ uống có tính cạnh tranh rất cao tại Trung Quốc.

“Khi nói đến trà sữa, người tiêu dùng không gắn bó với chỉ một thương hiệu duy nhất và luôn có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Vì vậy, thương hiệu nào có nhiều cửa hàng hơn sẽ có cơ hội thu hút nhiều người tiêu dùng chú ý và mua sản phẩm của mình hơn nữa,” Jason Yu, giám đốc quản lý làm việc tại Thượng Hải của Kantar Worldpanel Greater China, cho biết.

Cha Panda có khởi đầu từ một cửa hàng bán trái cây và trà sữa quy mô nhỏ do Wang Xiaokun thành lập vào năm 2008. Cửa hàng khi đó nằm gần một trường học tại Thành Đô, thành phố nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc nổi tiếng với những món ăn cay và là quê hương của loài gấu trúc Thành Đô. Trong hơn mười năm tiếp theo, Wang Xiaokun đã nỗ lực phát triển mạng lưới cửa hàng của Cha Panda lên con số 531 vào năm 2020. Tuy nhiên, việc kinh doanh của công ty chỉ thực sự “cất cánh” khi ông áp dụng mô hình nhượng quyền.

Chiến lược hoạt động của Cha Panda hiện nay là phát triển công thức pha chế đồ uống, sau đó cung cấp các nguyên liệu như trái cây và lá trà cho những cửa hàng mang thương hiệu Cha Panda. Nhờ vậy, Wang Xiaokun có thể tiết kiệm được một khoản chi phí vận hành chuỗi, trong khi những đối thủ cạnh tranh như Nayuki Holdings (niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong) phải chi nhiều hơn để trả lương cho nhân viên và tiền thuê các cửa hàng do công ty này trực tiếp quản lý.

Tính đến tháng 8.2023, tổng số cửa hàng của Cha Panda đã tăng lên 7.117 điểm. Trong bản cáo bạch, công ty cho biết chỉ trực tiếp vận hành sáu cửa hàng vào quý 1.2023.

Trong năm 2022, doanh thu của Cha Panda tăng 16% lên 580,3 triệu USD so với năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận đạt 132,3 triệu USD, tăng trưởng 24%. Theo nghiên cứu của Frost & Sullivan trích dẫn thông tin từ bản cáo bạch, Cha Panda là chuỗi cửa hàng trà sữa có doanh số bán lẻ lớn thứ ba tại Trung Quốc.

Nhằm nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu đối với tập khách hàng trẻ hơn, Cha Panda cũng trở thành nhà tài trợ tại những lễ hội âm nhạc và sự kiện văn hóa khác để hỗ trợ cho các chiến dịch quảng bá của công ty trên nền tảng trực tuyến. Vào tháng 7.2023, Cha Panda đã nhận nuôi của một gấu trúc khổng lồ tại Chengdu Research Base of Giant Panda (Cơ sở nhân giống và nghiên cứu gấu trúc Thành Đô – Chengdu Panda Base) để thể hiện sự ủng hộ đối với trung tâm này, theo thông cáo báo chí của Chengdu Panda Base.

Jason Yu cho rằng thành công của Cha Panda đến từ việc kiểm soát chi phí và mang đến sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra. “Người tiêu dùng tập trung hơn vào giá thành khi các thương hiệu trà sữa gần như không có quá nhiều điểm khác biệt. Các sản phẩm tương tự nhau khi đều là hỗn hợp trà với nhiều nguyên liệu khác nhau, như trái cây,” Yu cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn