Tiêu điểm

Chống chọi trước COVID-19: Hành trình dựng lá chắn vaccine

3 năm trước
Tác giả Bích Trâm
Vaccine Covid-19

Share
this:

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chống chọi đợt dịch thứ tư bùng phát. covid-19, theo giới chuyên môn về sức khỏe, chỉ có thể bị đẩy lui khi khoảng 75% dân số được chích ngừa vaccine. Forbes Việt Nam nhìn lại các bước chuẩn bị cho quá trình dựng lá chắn phòng thủ bằng vaccine được kỳ vọng trở thành hiện thực từ tháng chín năm nay.

Cuối tháng 5.2021, 288 ngàn liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca về đến Việt Nam. Đây là lô vaccine thứ tư trong tổng cộng gần ba triệu liều đều của AstraZeneca được nhập vào Việt Nam trong vòng ba tháng qua. Trong số này, có hai lô từ thỏa thuận mua bán giữa bộ Y tế và AstraZeneca thông qua công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC).

Hai lô còn lại từ cơ chế tiếp cận vaccine công bằng COVAX Facility, là sáng kiến toàn cầu do tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên minh toàn cầu về Vaccine và tiêm chủng (GAVI), quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vaccine và các đối tác điều phối.

Tính đến hết ngày 31.5, hơn 1,1 triệu liều trong tổng số này đã được tiêm cho các nhóm ưu tiên là nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, nhân viên ngoại giao, hải quan, xuất nhập cảnh, công an, quân đội. Trong đó, có hơn 30.600 người đã tiêm đủ hai mũi, theo thông tin trên website của bộ Y tế.

Có thể thấy, đợt dịch lần thứ tư tại Việt Nam phức tạp và căng thẳng hơn các đợt dịch trước. Kể từ ngày 27.4 đến nay, 1.6, hơn 4.600 ca nhiễm trong nước, so với tổng cộng 2.852 ca của cả ba đợt dịch trước đây. Dù nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được tiến hành, tiêm phòng vaccine cho người dân vẫn là mục tiêu quan trọng phải thực thi để chấm dứt đại dịch. Vậy tương lai của hành trình vaccine hóa tại Việt Nam sẽ như thế nào?

Hành trình đó đã bắt đầu hơn một năm qua, theo hai hướng. Hướng thứ nhất là nhận từ quốc tế thông qua tham gia sáng kiến đa quốc gia về tiếp cận vaccine, đàm phán nhập khẩu hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Hướng thứ hai là tự chủ với việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại vaccine nội địa “made in Vietnam”.

“Làm sao để mọi người dân Việt Nam đều được tiếp cận vaccine phòng COVID-19 là một trong những chủ trương căn bản, chiến lược nhất để đưa cuộc sống trở lại bình thường,” bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tại sự kiện ngành y tế tiếp nhận hỗ trợ của gần chục doanh nghiệp cho quỹ vaccine phòng chống dịch bệnh ngày 25.5.2021.

Thực tế, trong khi cơ chế COVAX Facility đảm bảo các nước tham gia được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021, bộ Y tế Việt Nam đã được chính phủ giao nhiệm vụ phải có đủ 150 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 75% dân số trong cùng thời hạn này.

Theo ông Trần Ngọc Nhơn, phó phòng Kiểm định của viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Ivac, thuộc bộ Y tế), về lý thuyết, khi 60 – 70% dân số  đáp ứng điều kiện miễn dịch thì sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả đến đâu còn tùy thuộc vào chất lượng vaccine và khả năng đáp ứng miễn dịch của người được tiêm.

Về nguồn cung vaccine từ nước ngoài, theo bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, có tổng cộng khoảng 110 triệu liều vaccine được các đối tác quốc tế cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm nay. Trong đó, gần 39 triệu liều từ COVAX Facility, 30 triệu liều từ hãng AstraZeneca và 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX Facility để mua thêm 10 triệu liều theo hình thức cùng chia sẻ chi phí. Như vậy trong sáu tháng còn lại của năm 2021, ngành y tế Việt Nam cần thêm 40 triệu liều vaccine nữa để đạt được mục tiêu 75% dân số được tiêm phòng vaccine, tương đương 75 triệu người.

Để tăng cường nguồn cung, tăng khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 cho người dân, ngành y tế Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp tiếp cận các đối tác vaccine quốc tế. Hiện một số đơn vị cung ứng vaccine và dược phẩm tại Việt Nam như tập đoàn y tế AMV, công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex… đang làm việc với nhiều bên, trong đó có các hãng Johnson & Johnson, Moderna.

Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (Polyvac) cũng đang thương thảo với công ty Generium, nơi sản xuất vaccine Sputnik V để chuyển giao công nghệ, bắt đầu bằng sản xuất từ vaccine bán thành phẩm với công suất khoảng 50 triệu liều/năm và sau đó tiến tới sản xuất vaccine này.

Song song việc tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài là quá trình tự chủ vaccine với bốn đơn vị trong nước. Ba đơn vị gồm Ivac, Vabiotech và Polyvac, đều thuộc bộ Y tế, vốn dày dạn kinh nghiệm sản xuất nhiều loại vaccine uốn ván, bạch hầu, ho gà, lao, cúm mùa, tả, viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, sởi, rubella, bại liệt… Doanh nghiệp còn lại là công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, công ty tư nhân duy nhất và đầu tiên tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Vaccine Covid-19

Trong khi Ivac đang thử nghiệm lâm sàng vaccine do viện sản xuất mang tên Covivac ở giai đoạn 1, Vabiotech đang thử nghiệm vaccine tiền lâm sàng (đã hoàn thành thử nghiệm trên khỉ), Polyvac vẫn đang nghiên cứu vaccine của trung tâm ở quy mô phòng thí nghiệm, Nanogen đang là doanh nghiệp tiến gần nhất tới công đoạn sản xuất đại trà. Nhóm nghiên cứu chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) trên diện rộng, dự kiến với 13 ngàn người, ngay trong quý hai này.

Hoàn thành và nghiệm thu xong giai đoạn này, dự kiến vào tháng 9.2021 nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ sản xuất loại vaccine COVID-19 “made in Vietnam” đầu tiên với năng lực sản xuất có thể mở rộng đến 100 triệu liều/năm, từ mức 20-30 triệu liều/năm hiện tại, theo công bố của công ty.

Giai đoạn tháng chín, tháng mười năm nay thực tế cũng là thời điểm mà hành trình triển khai tiêm phòng vaccine của Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến bước đột phá. “Không những có thể chủ động được nguồn vaccine trong nước, đây cũng là thời điểm thế giới đã có khả năng sản xuất lượng vaccine đủ dồi dào, vì tốc độ sản xuất được phổ rộng nhờ chuyển giao. Nhiều nước cần vaccine cũng đã tiêm xong. Việc đưa vaccine từ nước ngoài về sẽ không còn khó khăn nữa,” bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cố vấn chuyên môn của VNVC, dự kiến.

Các chuyên gia đưa ra nhiều dự báo khác nhau về thời điểm toàn bộ người dân Việt Nam sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Theo TS.Dương Hữu Thái, viện trưởng Ivac, sớm nhất vào cuối năm 2022, trên 80% dân số sẽ được tiêm đủ hai mũi (phần lớn các vaccine COVID-19 hiện nay cần tiêm hai mũi). Một số chuyên gia thận trọng hơn, đưa ra mốc thời gian giữa năm 2023.

Việc tiêm phòng vaccine sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố là nguồn cung vaccine, tốc độ thẩm định vaccine và năng lực tổ chức – triển khai tiêm vaccine đến các địa phương, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh. “Trong khi hai yếu tố đầu tiên vẫn còn là ẩn số, năng lực triển khai tiêm vaccine của y tế Việt Nam không thua ai, thậm chí dẫn đầu.”

Ông viện dẫn hệ thống chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đến nay đã xuống sâu đến tận các trạm y tế xã, phường. Chương trình này do bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của WHO và UNICEF, triển khai từ năm 1981. Y tế Việt Nam cũng đã chuẩn bị và tập huấn trong nhiều tháng qua khi khởi động tiêm phòng vaccine COVID-19 từ đầu tháng ba. “Nếu đã có đủ vaccine để sẵn sàng tiêm cho người Việt Nam, ngành y tế của chúng ta sẽ chỉ cần tầm một tháng là tiêm xong,” ông Khanh nói.

—-

Theo Forbes Việt Nam số 94, phát hành tháng 6.2021.