Đại diện đến từ các nhà cấp vốn và các quỹ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong phiên thảo luận “Dòng vốn quốc tế” tại Hội nghị Năng lượng 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức cho rằng chính sách năng lượng tái tạo cần được triển khai nhanh và minh bạch để khơi thông dòng vốn quốc tế.
Theo tôi, mỗi giai đoạn đều có những thách thức và cơ hội khác nhau. Ở giai đoạn kinh tế khủng hoảng hiện nay là thời điểm tốt thực hiện các thương vụ M&A, để khi kinh tế tăng trưởng trở lại thì có thể phát triển dự án mới. SP Group vào Việt Nam cuối năm 2020, giữa dịch Covid-19, cho đến hết năm 2021 thì toàn bộ thị trường M&A do nhà đầu tư Thái Lan nắm giữ. Chúng tôi bắt đầu mua lại dự án năng lượng mặt trời áp mái (rooftop) 50MW, sau đó mua bốn trang trại điện mặt trời (solar farm) và từ đó đến nay phát triển dự án điện gió trong đất liền cùng với các nhà máy.
Thị trường ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều có cơ hội. Sau khi Quy hoạch điện VIII được ban hành, các quy định giá cả là vấn đề không đơn giản với nhà đầu tư.
Chúng tôi sẽ phải chờ bước triển khai thực hiện tiếp theo, trong đó cơ chế giá quyết định sự tham gia và có khởi sắc hay không của khối đầu tư tư nhân.
Trong quy hoạch VIII, yếu tố điện tự tiêu thụ đang được diễn dịch với nhiều cách khác nhau, chưa rõ điện tự tiêu thụ ở đây là chỉ rooftop hay là bao hàm cả trang trại điện mặt trời hay điện gió. Theo tôi, cần phải chi tiết hóa yếu tố điện tự sử dụng và nhờ đó có thể mở ra cơ hội lớn.
Về những cách thức triển khai, những kinh nghiệm tốt nhất trên toàn cầu, theo tôi các bộ ngành đều đã được tư vấn, quan trọng là chính sách quyết tới mức độ nào và cần sự đồng thuận ở rất nhiều cấp độ.
Thêm vào đó là các lớp quy định triển khai sau chính sách, luật, thông tư, nghị định, sẽ cần thời gian bao lâu là câu hỏi được giới đầu tư mong đợi nhất hiện nay.
Chúng tôi xuất thân là một tập đoàn dầu khí, trước khi mở rộng sang các mảng năng lượng. Từ khi chưa có kinh nghiệm, Equinor thường mời những đối tác có năng lực để cộng tác và từ đó học hỏi lẫn nhau. Cứ đến một quốc gia mới, Equinor lại hợp tác với một công ty tại đó như một truyền thống và là cách làm riêng của chúng tôi. Tại Việt Nam, chúng tôi hợp tác với tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Quy hoạch điện VIII được ban hành là cột mốc rất quan trọng nhưng mối quan tâm của chúng tôi là chờ đợi điều gì sẽ xảy ra đối với các quy định đấu giá.
Các công ty sẽ được lựa chọn thế nào, có qua đấu giá hay không? Khi không đủ còn thời gian cho việc thiết lập hệ thống đấu giá nữa thì cần cơ chế như thế nào?
Ví dụ như đối với mục tiêu 6GW điện gió vào năm 2030, chính phủ đã quyết định một vài công ty sẽ được tạm chỉ định trước và rồi đến nhà đầu tư, đấy là một giải pháp tốt.
Tôi không nghĩ mọi thứ phải đầy đủ nhưng phải bắt đầu đúng cách. Cần những khung pháp lý có tính dự đoán được tương lai. Chúng ta đi từng bước một để lấy kinh nghiệm và phản ánh vào bước phát triển tiếp theo.
Từ trước Quy hoạch Điện VIII, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư, nghiên cứu đánh giá bờ biển Việt Nam và đã nhận 5 đề xuất dự án ở 4 tỉnh khác nhau. Tuy nhiên Quy hoạch Điện VIII làm tất cả phải chờ đợi khá lâu và một số công ty thay đổi ý định, không lập văn phòng ở Việt Nam nữa, cho nên tôi nghĩ điểm tiếp theo là cần phải hành động nhanh.
Việt Nam cũng cần chỉnh đốn và thay đổi về chuỗi cung ứng với chất lượng tốt hơn, đạt chuẩn hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm xây dựng các dự án dầu khí vào điện gió ngoài khơi, dĩ nhiên tuabin và cáp vẫn là thách thức lớn nhất.
Về phần Equinor, chúng tôi không đầu tư vào những dự án không đủ hiệu suất về lợi nhuận, vì vậy chờ đợi sự cân nhắc của Chính phủ. Ở đây, sự minh bạch là cực kỳ quan trọng, khi Việt Nam vào giai đoạn hai của việc thiết lập hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi. Việc này cần cực kỳ nhiều tiền, dòng vốn đầu tư quốc tế là bắt buộc phải có, minh bạch khi đó phải là nền tảng.
Yêu cầu vốn cho ngành năng lượng Việt Nam lên đến 13-16 tỉ đô la Mỹ, tỷ lệ hấp thụ lên đến 15-20% phần tăng trưởng tín dụng hàng năm của hệ thống ngân hàng. Đó vừa là động năng của ngành kinh tế vừa trách nhiệm trong đầu tư vào ngành năng lượng. Vậy nên chúng tôi phải chọn các dự án có xu hướng xanh để phát triển và cũng lập viện nghiên cứu riêng phục vụ xu hướng này
Dư nợ tín dụng xanh của BIDV đã tăng khá nhanh tính trong vòng 4 năm. Nếu năm 2019 tỉ lệ tín dụng xanh mới chiếm 1,9% tổng dư nợ thì đến cuối năm 2022 đã lên 4,5%, tăng hơn 40% mỗi năm. Hiện tại chúng tôi tham gia tài trợ khoảng 1.400 dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng số lượng cam kết cho nền kinh tế vào khoảng 6 tỉ đô la Mỹ, trong đó đã giải ngân và bảo lãnh 2,7 tỉ đô la Mỹ.
Các yếu tố lựa chọn dự án tín dụng xanh gồm: 1. Pháp lý, công ty tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư năng lượng; 2. Nhà đầu từ cần có năng lực tài chính và nghiên cứu khả thi về ESG và đánh giá đầy đủ về các mặt này; 3. Phải thể hiện được các báo cáo theo dõi tiến độ, đặc biệt về kỹ thuật công nghệ và 4. Không có điều tiếng về gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Về kỹ thuật, chúng tôi được giúp đỡ bởi các tổ chức quốc tế, bộ khung hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS) qua sáu bước, với nhiều chi tiết, điều khoản ràng buộc, kiểm tra báo cáo định kỳ và có sự hợp tác với các định chế tài chính quốc tế.
Các định chế trong nước hiện chưa đủ năng lực một mình tài trợ nhiều dự án và chúng tôi còn phải học hỏi từ các tổ chức tài chính quốc tế về kinh nghiệm tài trợ dự án và xây dựng các cấu trúc tài trợ phù hợp. Là ngân hàng trong nước, lợi thế của chúng tôi là hiểu biết về địa phương, luật pháp, có thể đứng ra bảo lãnh cho vay để giảm thiểu rủi ro. Nhà đầu tư sẽ hưởng lợi vì tính cả chi phí đầu tư và chi phí bảo lãnh thì vẫn còn rẻ hơn vốn vay trong nước.
Chúng tôi đã tìm kiếm hợp tác để dẫn dắt nguồn vốn vào Việt Nam. Các nguồn vốn hợp tác quốc tế đã giải ngân xong, như cùng cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai hạn mức tín dụng xanh SUNREF 100 triệu USD; nguồn vốn tiết kiệm năng lượng từ Ngân hàng Thế giới (WB) 50 triệu USD.
Cũng theo hướng này, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng môi trường 150 triệu euro với ngân hàng Đầu tư châu Âu, hiện đã rút vốn 22 triệu USD tài trợ cho sáu dự án thủy điện. Hiện đang thu xếp các nguồn vay mới khác với nhiều định chế tài chính có tổng trị giá 300 triệu USD.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện ở việc “bỏ phiếu bằng chân”, tức là họ có quyết định mở văn phòng ở Việt Nam hay không. Nhất là sau Quy hoạch Điện VIII, mảng năng lượng mặt trời đã được mở rộng hơn, miễn việc phát triển không ảnh hưởng đến điện lưới. Tuy nhiên vẫn chưa có các quy định rõ ràng cho mảng điện gió, cả ở đất liền và ngoài khơi.
Các công ty thành viên EuroCham còn quan tâm đến việc khi nào người dân sẽ trả tiền cho việc trung hòa carbon, hay nói cách khác là khi nào thuế carbon được áp dụng? Việt Nam cũng cần tính đến việc giảm tiêu thụ điện. Ước tính, 50% tăng trưởng điện là không cần thiết nếu ta sử dụng điện hiệu quả hơn. Tiếp theo, giá tiêu thụ điện phải phù hợp hơn, ở mức cạnh tranh được cho thị trường đầu tư quốc tế và còn là yếu tố tích cực khi người dùng sẽ cẩn trọng hơn khi sử dụng điện.
Vai trò của EuroCham là làm thế nào để trao đổi với chính phủ, qua đó giúp các công ty nắm rõ mình được làm gì và không được làm gì trong khung pháp lý Việt Nam; thảo luận xem cần những gì để các công ty có thể tham gia đầu tư. Khung pháp lý rõ ràng là yếu tố quan trọng nhất để có các dự án tốt, trong đó cần làm rõ ai là người gánh rủi ro cho những dự án dài hạn; làm rõ vai trò của các công ty nhà nước, cơ chế và vai trò của EVN và các hình thức liên doanh.
Tôi cho rằng trước khi có hệ thống giá rõ ràng sẽ không có ai tham gia vào, và nếu không làm thì chỉ có những dự án cấp địa phương chứ không dài hơi và có tác động đủ sâu rộng như nhiều người dự đoán.
Đối với cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA), các công ty châu Âu ở Việt Nam cần dùng năng lượng sạch để bảo vệ danh tiếng công ty, rõ ràng nguồn điệp áp mái là không đủ. Giải pháp để các khu công nghiệp tự lo điện là chính xác và các khu công nghiệp ở châu Âu cũng đang làm như vậy.
Tuy nhiên điều thiết yếu là mạng lưới điện phải được củng cố, nâng cấp nối tuyến Bắc – Nam hai chiều. Để mạng lưới được giải phóng, cơ chế cần nhiều tự do hơn ở cấp địa phương để trao đổi điện một cách tư nhân hóa nếu không sẽ rơi vào tình thế phức tạp.
Thông thường đối với các công ty năng lượng tái tạo sẽ huy động nguồn vốn nước ngoài. Ecoligo thu hút từ nguồn vốn gọi cộng đồng (crowdfunding). Cách vận hành cũng khá đơn giản. Chúng tôi ký kết được hợp đồng, quản trị cơ sở dữ liệu, kiểm tra thông tin cốt lõi về khách hàng, sức khỏe tài chính và các thiết kế dự án. Sau đó, Ecoligo tiến hành gọi vốn từ châu Âu hoặc các nước phát triển khác. Thông qua đó, đưa được một nguồn vốn dồi dào từ châu Âu tham gia tài trợ cho các dự án tại Việt Nam.
2 năm trước
Trung Nam Group: Cuộc đua ngoạn mục3 năm trước
69 nhà máy điện gió “chạy” kịp giá FiT