Giá dầu thô từ Trung Đông đã tăng mạnh từ đầu năm 2025, khi Trung Quốc và Ấn Độ có nhu cầu cao như một giải pháp thay thế nhập khẩu từ Nga.
Dầu thô Trung Đông thường được giao dịch nhiều ở châu Á. Dầu thô Brent biển Bắc phổ biến ở châu Âu và dầu thô WTI chủ yếu ở Hoa Kỳ. Ngoài sự khác biệt về hàm lượng lưu huỳnh và độ nhớt, giá cả còn được quyết định bởi tình hình cung cầu tại mỗi nơi.
Hiện nay, dầu thô Trung Đông có giá cao hơn Brent và WTI. Theo Nikkei Value Search, giá dầu thô Dubai là 78 USD/thùng vào ngày 19.2, tăng 8% từ đầu năm 2025. Giá dầu Brent và WTI chỉ tăng khoảng 2% cùng kỳ.
Nhu cầu dầu Trung Đông đang tăng ở châu Á, một phần vào ngày 10.1.2025, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký lệnh tăng cường trừng phạt kinh tế Nga, buộc Trung Quốc và Ấn Độ phải giảm nhập khẩu từ đối tác thân thiết bậc nhất của mình.
Theo công ty nghiên cứu Kpler, tháng 1.2025, dầu từ Ả Rập Xê Út xuất sang Trung Quốc và Ấn Độ, đã vượt qua 2 triệu thùng mỗi ngày, tăng gần 30% so với tháng 12 trước đó.
Thị trường Trung Quốc và Ấn Độ cũng chiếm 37% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Ả Rập Xê Út, tăng từ mức 33% vào tháng 1.2024. Tháng 2.2025, con số vẫn tiếp tục cao lên.
Giới quan sát tin rằng, dầu thô Trung Quốc nhập từ Ả Rập Xê Út sẽ còn nhiều nữa, vì vào ngày 10.2, Bắc Kinh áp thuế 10% với dầu thô nhập từ Hoa Kỳ nhằm trả đũa thuế quan của Tổng thống Trump.
Theo Kpler, mặc dù lượng dầu Trung Quốc nhập từ Hoa Kỳ không nhiều, chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu bằng đường biển, nhưng các nhà máy lọc dầu vẫn cần tìm nguồn thay thế.
Ả Rập Xê Út dường như đang tự tin hơn về nhu cầu từ châu Á. Saudi Aramco, công ty dầu khí lớn nhất thế giới của nhà nước Ả Rập Xê Út, đã tăng phí điều chỉnh thêm vào dầu thô xuất khẩu sang châu Á cho đến hết tháng 3.2025, với mức phí lớn nhất trong 3 năm.
OPEC+, gồm các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt cộng với Nga, có kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện từ tháng 4 tới. Nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á có thể là động lực quyết định mức cắt giảm bao nhiêu. Mặc dù thu hẹp quy mô cắt giảm dẫn đến giá dầu thô đi xuống, nhưng OPEC+ có thể duy trì doanh thu nếu khối lượng bán được bảo đảm.
Ngày 12.2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Điều này dẫn tới nhiều dự báo nguồn cung dầu của Nga ra thị trường quốc tế sẽ tăng thêm. Do vậy, giá cũng có thể đi xuống.
(Biên dịch: NVP)