15 năm khởi nghiệp của Nguyễn Ngọc Điệp – CEO VNP Group: từ sáng lập rồi chuyển đổi mạng thương mại điện tử Vật Giá đến các công ty mới ra đời và tiếp tục đổi mới trong sự biến động không ngừng của thị trường công nghệ tại Việt Nam.
Với chất giọng trong, vang và nói khá nhanh, thi thoảng ho khục khặc vì đang nhiễm Covid-19, từ Hà Nội, Nguyễn Ngọc Điệp nói với Forbes Việt Nam qua Google Meet: “VNP Group đã hoàn tất việc bán Nhanh.vn cho MoMo đầu năm nay, mất nhiều tâm huyết, công sức và tiền của để theo đuổi thị trường nhưng nay về với hệ sinh thái phù hợp như vậy cũng là niềm vui. May mắn là có lời chứ không bị lỗ.”
Nhanh.vn – giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, cùng với mảng thanh toán Baokim.vn và Vatgia.com là ba trụ cột của VNP kể từ sau khi đóng cửa mảng thương mại điện tử, chuyển đổi Vatgia.com thành cổng thông tin tra cứu giá cả (hiện lượng hàng hóa trên cổng này khá đơn điệu). Sau khi bán Nhanh.vn, VNP tập trung nguồn lực vào hai mảng chính: nền tảng thanh toán điện tử và nền tảng thông tin.
Cổng thông tin bất động sản Sosanhnha.com đang phát triển tựa mô hình Batdongsan.com.vn trước đây, trong khi với cổng thông tin việc làm 123Job.vn, VNP đặt tham vọng phát triển theo mô hình Indeed.com của Mỹ – trang việc làm số một thế giới có hàng trăm triệu khách truy cập hằng tháng, ưu tiên người tìm việc và hoàn toàn miễn phí. Cổng thư viện tài liệu hiện VNP đang phát triển cho 25 thị trường.
Sinh năm 1978, tốt nghiệp đại học Ngoại thương Hà Nội, Điệp làm việc cho các công ty nước ngoài, sau đó nhận học bổng cao học kinh tế của đại học Kyoto và đến Nhật. Cơ duyên đưa Điệp khởi nghiệp thương mại điện tử bắt đầu từ việc bạn bè nhờ mua hàng gửi về nước. “Tôi mày mò mở tài khoản, thẻ tín dụng, rồi mày mò mua hàng và… nghiện. Trong hai năm ở Nhật số hàng mua chuyển về Việt Nam lên đến vài triệu đô,” Điệp kể.
Chỉ cần bấm nút đợi hàng đến nhà, tiết kiệm rất nhiều thời gian, nếu chịu khó mua được giá rất rẻ. Mọi thứ tiện lợi khiến Điệp muốn làm một trang tương tự. Anh kể ban đầu định làm trang tiếng Nhật nhưng không phù hợp, năm 2006 Điệp bỏ học về Việt Nam lập công ty cổ phần Vật Giá Việt Nam (VNP). Năm 2007, Vatgia.com hoạt động.
Điệp kể, mọi sự cứ đi theo đòi hỏi của thị trường. Làm thương mại điện tử nhưng không thanh toán được thì tiếp tục làm khâu thanh toán, là lý do cổng Baokim.vn ra đời năm 2009. Có cổng kết nối thanh toán người mua người bán rồi lại ách tắc khâu giao nhận. Nhanh.vn ra đời năm 2011 thành cổng kết nối các công ty vận chuyển hàng đầu thời điểm đó, giúp giao hàng, thu hộ, đối soát thanh toán. “Để hoàn thiện dịch vụ thương mại điện tử phải tác động đồng thời cả ba luồng: hàng hóa, thanh toán, giao nhận, không thể phát triển khác được,” Điệp nói.
Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam tham gia khá sớm (2008) đã góp phần định hướng phát triển và nguồn tài chính giúp Vatgia.com bứt phá. Những năm sau đó họ được tiếp sức từ nguồn vốn của các quỹ Nhật Bản như CyberAgent, Recruit JV và Mitsui. Nền tảng cộng đồng thiết lập được giúp Vật Giá phát triển và bổ trợ bằng loạt dịch vụ như Cucre.vn kết hợp giữa mua sắm cộng đồng với hệ thống cửa hàng vật lý; nền tảng du lịch trực tuyến Mytour.vn cùng nhiều công cụ hỗ trợ nền tảng như giải pháp chăm sóc khách hàng trực tuyến Vchat, giải pháp quảng cáo Vatgia Ad hay phần mềm quản lý bán lẻ…
Trong nhiều năm, Vatgia.com luôn ở tốp đầu thị trường về lượt truy cập. Có thời điểm ở tốp 10 bảng xếp hạng Alexa tại Việt Nam với vài triệu lượt truy cập mỗi ngày và là website đầu tiên của Việt Nam có mặt trong 1.000 website thương mại điện tử lớn nhất thế giới, theo Google Ad Planner. Nhưng từ 2012, Lazada, Zalora rồi Shopee vào Việt Nam, đẩy thị trường cạnh tranh khốc liệt mà theo Điệp “vẫn căng đến tận hôm nay”.
Năm 2014, Vatgia bị đánh bật khỏi tốp năm, cầm cự đến năm 2018 thì rút khỏi mảng thương mại điện tử. Cuộc chơi “đốt tiền” mở thị trường khiến Vatgia thua cuộc. Điệp nhớ lại những năm 2014-2015, cứ nghe Lazada gọi vốn tỉ đô, Alibaba mua Lazada hay Shopee lên sàn thì “đau đầu nhức óc, mất ăn mất ngủ”. Điệp cảm nhận cuộc chơi quá bất ổn nhưng cũng rất khó khăn khi dừng lại: “May mắn việc rút lui đã không đưa đoàn quân vào ngõ cụt, lúc đầu rất buồn nhưng nhìn lại vẫn tốt hơn,” Điệp nói.
Hệ thống đặt phòng trực tuyến Mytour ra đời năm 2012 được phát triển trên nền tảng sẵn có ở Vatgia, từng nhiều năm ở tốp ba thị trường “nhưng không cạnh tranh lại Agoda, Booking nên bán,” Điệp kể. Năm 2018, kỳ lân du lịch trực truyến Traveloka mua Mytour, vài năm sau VNLILE của Việt Nam mua lại Mytour từ Traveloka. “Giờ thì Mytour về VNLIFE, Nhanh về MoMo, những sản phẩm mình thai nghén được các công ty sừng sỏ trên thị trường sử dụng và phát triển cho cuộc đua khép kín hệ sinh thái của họ, tôi có chút tự hào,” Điệp nói.
Ở thời điểm công bố đầu tư đầu năm nay, Nhanh.vn ở tốp ba thị trường với giải pháp bán hàng đa kênh cung cấp cho khoảng 80.000 doanh nghiệp và hơn 400 nhân sự. Ông Nguyễn Mạnh Tường, tổng giám đốc MoMo lúc đó kỳ vọng sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số, giúp mở rộng thị trường cho MoMo thông qua giải pháp của Nhanh.vn. “Chúng tôi hi vọng cùng với Nhanh.vn và các công ty trong hệ sinh thái đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chủ động định hình tương lai, cùng tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường nhiều bất ổn như hiện nay,” người điều hành MoMo nói.
15 năm qua những mô hình công ty công nghệ mới liên tục ra đời dù nhiều doanh nghiệp đóng cửa. VNP cũng không ngừng đưa ra các dự án mới. Theo Điệp, “tùy duyên thuận pháp”. Có lúc “đau vẫn phải cắt bỏ”, lúc phát triển được thì tập trung nguồn lực rất mạnh. Vì sao chỉ tập trung vào hai “lõi” cổng thông tin và thanh toán? Điệp nhìn nhận thị trường mọi thứ vẫn chưa thể ổn, vì vậy phải tập trung vào hai thứ: “lãi và lõi”. Những gì mang tính bền vững dựa trên năng lực lõi, có thể trở nên mạnh nhất trong lĩnh vực và “quan trọng là làm ra được tiền” sẽ được tập trung.
VNP sẽ tận dụng thế mạnh từ lúc khởi nghiệp với năng lực SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm), hiện vẫn là lợi thế quan trọng khi nhiều công ty phải bỏ tiền mua quảng cáo thì VNP có sẵn nền tảng. Khoảng hai triệu lượt truy cập hằng ngày trên tất cả các website giúp các cổng thông tin việc làm, bất động sản, giá cả hay tài liệu giảm chi phí và tích lũy năng lực nhân sự để trong tương lai đi vào chiều sâu. “Có thể thu phí thành viên, phí giao dịch, quản lý dòng tiền chứ không đơn thuần nguồn thu quảng cáo như hiện nay, tuy nhiên tránh tham gia sâu vào việc vận hành kinh doanh như một nhà môi giới mà chỉ tập trung vào nền tảng công nghệ,” Điệp nói.
Kinh nghiệm nhiều năm cho Điệp quyết định tránh sự phức tạp về tính pháp lý và nhiều yếu tố khác trong vận hành. “Từ tuyển dụng, đào tạo cho đến quản lý mất rất nhiều thời gian, tập trung vào lõi công nghệ để tối ưu lợi nhuận và tránh những mô hình vận hành, đòi hỏi đội ngũ cồng kềnh,” anh nói và tự nhận: “Tôi không mạnh!”.
Điệp tự tin trong các mảng thông tin được chọn phát triển như bất động sản hay việc làm bởi cả hai thị trường thông tin này rất tiềm năng. Tại Việt Nam, có khoảng mười công ty làm dịch vụ việc làm và khoảng 4-5 trang thông tin bất động sản thì “tất cả đều thu được tiền và vui vẻ thoải mái chứ không khốc liệt như thương mại điện tử, có mười thì lỗ mười để đợi thị trường tiến đến ngưỡng mới,” Điệp nói.
VNP cung cấp nền tảng dịch vụ việc làm và thư viện trực tuyến liên quan đến tổng hợp tài liệu cho 25 thị trường lớn nhất thế giới, phát triển những nền tảng giải pháp cổng thông tin cho thị trường Mỹ, Nhật, các nước nói tiếng Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Họ tổng hợp tất cả các nguồn trên thế giới và phân loại để người dùng từng thị trường truy cập, tra cứu. Hiện các cổng thông tin tại Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng trong nước cùng thị trường nước ngoài khoảng 20 triệu, nhưng Điệp tham vọng “400-500 triệu lượt truy cập hằng tháng, với mỗi thị trường đạt được 20 triệu người dùng.”
Ở lõi thanh toán, nơi thị trường với nhiều tay chơi lớn cạnh tranh. Theo số liệu tự bạch, luồng giao dịch qua Baokim đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ năm 2021 và năm nay kỳ vọng 2,4 tỉ đô la Mỹ. Baokim cũng cung cấp giải pháp cho những đại lý sử dụng như dịch vụ mua trước trả sau, những giải pháp về tài khoản ảo, xác thực danh tính cho các ngân hàng… Khởi đầu đi cùng thương mại điện tử và tập trung vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), ba năm qua Baokim thay đổi chiến lược, tập trung vào khối doanh nghiệp lớn và các chuỗi, điển hình như Home Credit, FE Credit, FPT Shop, Vua Nệm… Thị trường thanh toán dù tiềm năng nhưng cạnh tranh khốc liệt, nhiều giấy phép được bán lại cho công ty khác theo Điệp là giải pháp tốt để thu lợi, tuy nhiên “Với Baokim tôi quyết tâm phát triển để phục vụ cho hệ sinh thái của chính VNP.”
Theo Điệp, thị trường fintech rộng lớn, tất cả các ngành buộc phải tiến tới “fintech hóa”, các công ty càng lớn càng phải tối ưu dòng tiền, giao dịch an toàn với chi phí thấp nhất. Áp lực chuyển đổi số cũng đi liền với dòng tiền phát sinh, Baokim sẽ tập trung vào những lĩnh vực tương đối trọng điểm. Liệu có trụ nổi như Vatgia từng đối mặt? “Làm fintech mà có lãi như Baokim hiện nay thì trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay,” Điệp tự tin nói, dù số liệu không được công bố.
Bài học sau hơn 15 năm tham gia thị trường, theo Điệp, là “rất hiếm công ty Việt Nam khởi nghiệp hiện nay ‘dám’ tập trung vào thị trường B2C mà đang thu quân đẩy mạnh các nền tảng B2B hoặc B2B2C.” Anh phân tích, các công ty công nghệ Đông Nam Á đốt rất nhiều tiền cho tiếp thị, khác với các công ty Mỹ như Google, Facebook hay Instagram, chi nhiều tiền cho những công nghệ đột phá, tạo ra những nền tảng khủng và thu được rất nhiều tiền. Các nền tảng quản lý nhân sự, hàng hóa hay dòng tiền sẽ giúp các công ty B2B khởi đầu ổn để có đủ khách hàng, đủ tiền, củng cố công nghệ và quan trọng đủ tập dữ liệu khách hàng để tương lai tập trung nguồn lực vào thị trường C. “Từ B chuyển sang C có nhiều cơ hội đi bền vững vì ở thị trường C, bản chất đó là khó trung thành,” Điệp nói.
Là một trong những startup đời đầu của Việt Nam, theo Điệp lớp đầu nay không còn nhiều, hơn 30 công ty thương mại điện tử rơi rớt dần, chỉ một số trụ lại với đại diện Tiki. Những công ty vẫn phát triển tốt như VNG, VCCorp hay 24H… đều nhờ tham gia lĩnh vực thông tin hoặc trò chơi trực tuyến, tựa vào thế mạnh địa phương để đi lên. Xu hướng các mô hình hiện hướng đến xây dựng hệ sinh thái, siêu ứng dụng nhưng số làm được không nhiều khiến cửa cạnh tranh càng hẹp. “Chọn cái nhỏ nhưng làm quy mô lớn để có thể đi xa, thay vì chọn cái rất lớn nhưng làm quy mô nhỏ sẽ khó cạnh tranh với những công ty đang làm chuyên biệt một thứ và làm rất tốt”.
Theo quan sát của Điệp, thị trường Việt Nam cần ít nhất năm năm nữa để các nền tảng thương mại điện tử thật sự kiếm được tiền, khi thu nhập trung bình đầu người vượt ngưỡng 5.000 đô la Mỹ. “Khi thu nhập tăng lên giá trị thời gian sẽ tăng theo, hiện nay dù thị trường bùng nổ nhưng với mức thu nhập thấp, người dùng vẫn phải đong đo túi tiền, thay vì chi tiền họ chi thời gian để kiếm ‘deal’ hời, giá giảm,” theo Điệp.
Đầu tư, gầy dựng, bán công ty là câu chuyện quen thuộc với người sáng lập VNP. Điệp bước sang vai trò nhà đầu tư khá sớm với những dự án đáng kể như đầu tư vào nền tảng phát hành game Appota, một startup ở tốp ba thị trường hiện đạt định giá 120 triệu đô la Mỹ, theo Appota tự công bố. Điệp hiện là thành viên HĐQT nắm cổ phần lớn thứ hai sau người sáng lập.
Một startup khác, TopCV, hiện ở tốp đầu thị trường tuyển dụng và Điệp cũng là thành viên HĐQT. MyNavi – công ty nhân sự lớn thứ hai của Nhật là nhà đầu tư lớn nhất tại startup này, trong khi Điệp thuộc nhóm cổ đông nhỏ dưới 10% nhưng anh cho biết “lãi được mấy trăm lần!”. Trần Trung Hiếu, đồng sáng lập TopCV, thành viên Under 30 của Forbes Việt Nam, nói về Điệp: “Anh ấy cực kỳ nhạy bén, khi đề cập về bài toán kinh doanh hoặc sản phẩm nào đó là nghĩ ngay đến những cách nào để thu được tiền, với nhiều ý tưởng mới mẻ và thực tiễn.”
Điệp kể hành trình khởi nghiệp của mình và sự phát triển của VNP có lúc gặp những cú sốc lớn. Phạm Thái Hà, CTO, đồng sáng lập, linh hồn kỹ thuật của VNP, người code dòng lệnh đầu tiên cho Vật Giá, mất khi rất trẻ vì bệnh. Một người khác cũng qua đời là Nguyễn Hồng Trường, CEO của quỹ đầu tư IDGV, là “quân sư” dìu dắt họ ngay từ những ngày đầu. Việc ra đi của hai người trong thời gian ngắn với Điệp là cú sốc lớn, “dù công ty vẫn phải sống phải phát triển, may mắn họ để lại những thế hệ kế cận giỏi nghề”. Điều đó cũng giúp củng cố quan điểm phát triển doanh nghiệp của Điệp “cố gắng trao quyền.”
Trong cơ cấu sở hữu VNP, các quỹ nước ngoài đang nắm dưới 50%. Tùy từng dự án các nhà đầu tư sở hữu khác nhau. Điệp nói: “Tôi mạnh về tính sở hữu, tính làm chủ, tất cả các dự án ngay từ đầu đều chia cổ phần rõ ràng”. Khi thấy gì hay trên thị trường thế giới sẽ nêu quan điểm “cái này rất hay, ai thích làm?”. Vậy là nhân sự Vật Giá sang phụ trách Mytour, gánh Baokim, phát triển Nhanh.vn… Anh đưa ra tầm nhìn, trao quyền điều hành và cả quyền sở hữu. Nhưng cũng có những dự án đầu tư vì nhiều lý do lại rời bỏ hoặc không thành công như 1Office, The Kafe, Westay, Wesave…
Điệp nói ban đầu mình khởi nghiệp với mong muốn làm chủ, muốn mọi thứ theo ý mình, sau thời gian nhận ra lúc còn sơ khai thì nhân viên như “đứa trẻ theo ý bố mẹ”, nhưng khi trưởng thành họ mong muốn làm theo cách họ nghĩ, có hướng đi riêng và theo tài năng của chính họ. “Mình bơm nguồn lực và tạo ra cơ hội để họ làm được thứ họ mạnh nhất, ra tiền nhiều nhất,” Điệp nói – “Tôi trao quyền từ rất sớm, khi khởi nghiệp thì tất cả là chủ – những ông chủ làm việc với nhau”.
Theo Forbes Việt Nam số 105, tháng 5.2022
——————————–
Xem thêm:
Đường tới kỳ lân của MoMo
“Cận” kỳ lân Giao Hàng Tiết Kiệm: Con đường khác biệt
Hành trình bứt phá của Digiworld
Startup xe máy điện Dat Bike gọi 5,3 triệu USD từ Jungle Ventures
Đưa truyền hình lên mạng xã hội chinh phục streamer