Bất động sản có thể được đầu tư với số tiền từ 100 USD, thay vì chỉ là cuộc chơi của giới đại gia như trước đây, theo tiến sĩ Alex Pham, CEO dự án Realbox.
Trở về Việt Nam sau nhiều năm học tập và kinh doanh tại nước ngoài, ông Alex Pham hiện là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Sau khi khởi nghiệp với dự án công nghệ tài chính (fintech) FINA năm 2020, tiến sĩ chuyên ngành tài chính, bất động sản tại đại học Western Sydney (Australia) này tiếp tục xây dựng Realbox.
Dự án đưa ra giải pháp token hoá bất động sản, ứng dụng blockchain và NFT để mang tới cơ hội công bằng cho bất cứ ai muốn đầu tư trong lĩnh vực này.
Công bằng trong đầu tư bất động sản
Theo số liệu từ Savills, tổng giá trị thị trường bất động sản toàn cầu đến cuối năm 2020 đạt mức 326.500 tỉ USD, cao hơn các loại hình tài sản gồm cổ phiếu và chứng khoán nợ cộng lại. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường năng động nhất ở lĩnh vực này. Trong nước năm 2021, giá các bất động sản tăng trung bình từ 15-20%, trong bối cảnh nhu cầu nhà ở gia tăng còn nguồn cung thì thiếu hụt.
“Tuy nhiên, bất động sản vẫn luôn được coi là cuộc chơi của những ông lớn, những người thực sự có tiền. Những người còn lại, đặc biệt là người trẻ gần như không có cơ hội,” tiến sĩ Alex Pham nhận định sau thời gian quan sát thị trường.
Theo ông Alex, thực tế này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà tồn tại ở nhiều thị trường mà ông từng làm việc như Mỹ, Australia hay Thái Lan. Để kiếm đủ số tiền mua một bất động sản, một gia đình có thể phải tiết kiệm 10, 20 năm, thậm chí 30 năm, nhưng trong thời gian đó giá bất động sản đã tăng lên nhiều lần. Điều này dẫn đến một nghịch lý, rằng một số nhỏ sẽ sở hữu lượng bất động sản ngày càng lớn, trong khi số đông còn lại ngày càng khó có cơ hội, buộc họ phải đi thuê hoặc mua lại với giá cao. Đây là lí do dẫn đến sự thiếu công bằng trong sở hữu bất động sản, dù đây là một trong những loại tài sản quan trọng nhất với con người.
“Từ thực tế đó, chúng tôi luôn đề cao sự công bằng trong đầu tư bất động sản. Đó là sứ mệnh khiến Realbox ra đời”, vị CEO của dự án cho biết.
Realbox được phát triển từ giải pháp chứng khoán hóa bất động sản. Đây là giải pháp được đưa ra từ những năm 1960, với mô hình đầu tiên là REIT – chứng chỉ tín thác bất động sản. Khi công nghệ blockchain phát triển, mô hình này được phát triển lên thành token mã hóa. Hiểu một cách đơn giản, đây là hình thức chia nhỏ tài sản để người có vốn thấp cũng có thể sở hữu một phần trong đó, thông qua chứng chỉ quỹ hay các token. Tại Realbox, số tiền này là từ 100 USD.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, giải pháp này được đưa ra dựa trên tính chất của bất động sản luôn tồn tại ở hai mặt, là mặt vật lý và mặt quyền hạn. Các quyền này gồm quyền định đoạt, quyền khai thác và quyền sử dụng. Trong đó, chứng khoán hóa thường áp dụng với hai quyền đầu tiên, và có thể một phần thứ ba – quyền sử dụng.
“Khi mọi người mua token thì họ được ghi nhận một phần quyền với bất động sản đó. Ví dụ trong trường hợp căn nhà được cho thuê lấy tiền, người này sẽ nhận được một phần của số tiền dựa trên số token mà họ sở hữu. Họ cũng sẽ có quyền bình chọn để định đoạt tương lai cho bất động sản, nhưng chưa chắc có quyền sống trong căn nhà. Đó là bởi token hóa là chia nhỏ quyền, không phải chia nhỏ cuốn sổ đỏ hay căn nhà”, tiến sĩ Alex Pham giải thích.
Theo vị CEO Realbox, việc token hóa bất động sản sẽ giúp đưa cơ hội đầu tư tài sản này đến nhiều người hơn. Báo cáo về tiền mã hóa của Triple A công bố năm ngoái cho thấy, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có tỷ lệ người dùng nắm giữ tiền mã hóa nhiều nhất thế giới, với khoảng 6 triệu người, tương đương 6% dân số. “Với hình thức token, người dùng có thể giao dịch bất động sản như cách họ giao dịch tiền điện tử hiện nay. Người có vốn nhỏ cũng có thể đầu tư vào một bất động sản lớn”, ông Alex khẳng định.
Khi một bất động sản được tham gia sở hữu, định đoạt và theo dõi bởi nhiều người, chúng sẽ càng trở nên minh bạch và loại bỏ mọi góc khuất trước đây như thông tin chủ sở hữu, giá cả. Mọi dữ liệu liên quan đều được thể hiện trên các hợp đồng thông minh (smart contract) và chuỗi khối (blockchain). Khi đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý loại tài sản này, theo ông Alex Pham.
Blockchain – chìa khóa cho công bằng trong đầu tư bất động sản
Trong khi mô hình chứng khoán hóa bất động sản mất nhiều thập kỷ để được đón nhận, giải pháp token hóa đã đạt được những thành công ấn tượng ngay sau vài năm xuất hiện.
Vào năm 2020, token có tên ASPD, đại diện cho quyền sở hữu từng phần trong khách sạn 5 sao St. Regis Aspen Resort đã giúp sàn tZERO đạt khối lượng giao dịch kỷ lục. Theo Cointelegraph, đây là một trong những ví dụ về tiềm năng của token hóa bất động sản. Trong 5 năm sau đó, nếu giải pháp token hóa này chiếm 0,5% tổng thị trường bất động sản toàn cầu, đây sẽ trở thành ngành công nghiệp ngàn tỉ đô-la Mỹ, theo dự báo của Moore Global.
Với gần 20 năm theo dõi thị trường, tiến sĩ Alex Phạm cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực token hóa bất động sản đến từ chính những giá trị mà giải pháp này mạng lại. Việc token hóa đã giúp xóa đi các rào cản mà ngành bất động sản truyền thống đang gặp phải như thủ tục giấy tờ phức tạp, vùng đầu tư bị thu hẹp bởi khoảng cách địa lý, hay chi phí đầu tư ban đầu quá lớn. Từ đó ai cũng có thể sở hữu bất động sản dễ dàng hơn.
Chìa khóa sự tiến bộ này chính là công nghệ blockchain
“Chứng chỉ quỹ được thay thế bằng token, hợp đồng giao dịch được điện tử hóa bằng smart contract và sự chứng thực được thực hiện trên blockchain. Mọi khâu trung gian gần như bị xóa bỏ, giúp người dùng có thể thực hiện các giao dịch nhanh chóng, chi phí thấp và mọi thứ đều minh bạch”, TS Alex Pham nói. Ví dụ với Realbox, nền tảng được xây dựng trên chuỗi khối Binance Smart Chain, quy trình được tự động hóa thông qua Smart Contract và việc giao dịch được thực hiện trên marketplace của dự án. Người dùng có thể đặt lệnh mua bất động sản, quản lý các bất động sản mình sở hữu từ bất cứ đâu với một chiếc điện thoại có kết nối Internet.
“Viễn cảnh người dùng có thể mua vài phần đất biệt thự ở Sydney, một phần đất ở trung tâm Hàn Quốc hay miếng đất vàng ở khu du lịch Thái Lan với giá vài trăm USD hoàn toàn có thể làm được với những nền tảng như Realbox”, ông nói thêm. [HNT(1]
Khi đó, một nền tảng token hóa bất động sản như Realbox sẽ đóng vai trò trung gian, tìm đến các bất động sản tiềm năng, biến các quyền sở hữu chúng thành token để người dùng giao dịch, mua bán. Giá trị của token bất động sản được bảo chứng bằng giá trị của chính bất động sản đó, tương tự như stablecoin trong thế giới tiền điện tử.
Theo tiến sĩ Alex, các khái niệm như blockchain, NFT đã dần trở nên phổ cập với người dùng, một dự án bất động sản mã hóa cần phát triển theo hướng mở rộng phạm vi, để có thể mang đến sự đa dạng lựa chọn bất động sản cho người dùng.
“Đó cũng là lý do mà Realbox tập trung vào con người, nhân sự cốt lõi của mình. Chúng tôi tự hào khi có đội ngũ am hiểu cả về công nghệ và các ngành kinh doanh bất động sản truyền thống, ở bình diện quốc tế và Việt Nam. Đây là nguồn sức mạnh lớn nhất của Realbox”, ông nói.
Realbox – đội ngũ của những nhà sáng tạo hàng đầu
Tin tưởng và đồng hành cùng dự án Realbox từ những ngày đầu của TS Alex Pham là ông Hiếu Võ – phó giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, đồng sáng lập Clb Fintech Việt Nam. Ông là một trong những nhân tố nòng cốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư trong nước và thị trường Đông Nam Á.
Là nhà tư vấn của dự án, ông Đào Tiến Phong, luật sư có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, M&A, Fintech, tài chính ngân hàng. Ông được ví như đầu tàu pháp chế của Realbox trong bối cảnh các quy định pháp lý trong lĩnh vực này chưa phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Tuy nhiên, việc ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực bất động sản của Realbox sẽ mang đến cơ hội công bằng hơn cho mọi người, thúc đẩy một thị trường công khai và minh bạch”, ông Đào Tiến Phong nói, “Sự thiếu hụt về khung pháp lý tại một số quốc gia sẽ là rào cản cho đội ngũ phát triển và nhà đầu tư. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi kỳ vọng sự độc đáo và tính minh bạch của Realbox sẽ là nền tảng để thúc đẩy các cơ quan nhà nước có thêm thông tin, ban hành các quy định pháp lý trong lĩnh vực Blockchain trong tương lai gần”.
Không chỉ thu hút những doanh nhân trẻ trong giới khởi nghiệp, dự án Realbox cũng được cố vấn bởi ông Lý Quí Trung, một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm thực chiến trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Việc tiếp cận với mô hình kinh doanh của Realbox cũng khiến vị doanh nhân thành công trong lĩnh vực bán lẻ và ẩm thực này thay đổi quan niệm.
“Tôi luôn tâm niệm việc xây dựng thương hiệu, phát triển công ty phải luôn đi từ trong ra ngoài, hay thành công trong nước trước rồi mới ra nước ngoài”, ông Lý Quí Trung nói, “Sự phát triển của công nghệ thông tin, cụ thể hơn là công nghệ blockchain đã làm đảo lộn tất cả. Nghĩa là việc xây dựng thương hiệu và phát triển công ty có thể tiến hành cùng lúc – cho cả thị trường trong và ngoài nước, thậm chí nước ngoài trước rồi mới đến trong nước. Bởi giờ đây, khái niệm biên giới vật lý gần như không còn hiện hữu, nhất là việc áp dụng công nghệ blockchain vào mô hình kinh doanh như một vũ khí tối thượng, điều mà Realbox đang hướng đến”.
Ông Lý Quí Trung cho rằng, đây là lý do chính khiến bản thân nhận lời tham gia Hội đồng cố vấn cho dự án Realbox. “Đội ngũ sáng lập của Realbox là những tài năng trẻ đầy sức sáng tạo, được dẫn dắt bởi Alex Pham, người đã rời bỏ môi trường làm việc, giảng dạy danh giá từ Australia trở về Việt Nam để khởi nghiệp”, ông nói.
Ông Lý Quí Trung là giám đốc điều hành, nhà sáng lập khởi nghiệp thành công với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và ẩm thực. Năm 2003, ông từng là đồng sáng lập chuỗi nhà hàng Phở24. Hiện ông là giáo sư đại học và cố vấn cao cấp của trường đại học Western Sydney, Australia.