Lối sống

CEL ra mắt công cụ cung cấp dữ liệu cung-cầu hàng thiết yếu

3 năm trước
Tác giả Giang Lê

Share
this:

“HCMC DemandSupply” giúp dân tìm ra nơi bán hàng thiết yếu gần nhất, đồng thời giúp các nhà cung cấp biết nơi nào đang thiếu hụt nguồn cung.

Công cụ trực tuyến “HCMC DemandSupply” (Cung Cầu TP.HCM) giúp người dân tìm ra nguồn cung hàng thiết yếu gần nhất, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng thiết yếu, các tổ chức, cá nhân làm từ thiện và tổ chức chống dịch sẽ biết được những nơi đang thiếu hụt nguồn cung.

Với phiên bản đầu tiên tập trung vào dữ liệu thực phẩm thiết yếu, HCMC DemandSupply tập hợp thông tin về giờ làm việc, vị trí và loại sản phẩm được cung ứng của hơn 3.759 điểm đang cung cấp hàng hoá tại TP.HCM. Bên cạnh đó công cụ này cũng cung cấp biểu đồ trực quan thể hiện nhu cầu dành cho các loại thực phẩm thiết yếu của từng quận trong thành phố để các nhà cung cấp hoặc tổ chức từ thiện có thể phân bố nguồn lực khoa học hơn. 

Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung CEL cho biết với sự thay đổi thông tin về ảnh hưởng phong toả, cách ly và diễn biến dịch tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-100 điểm thông tin trên công cụ sẽ được cập nhật. Dữ liệu sử dụng được tổng hợp từ nhiều nguồn như Bộ Y tế, ​UBND TP.HCM, Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tra soát dữ liệu thực tế từ CEL.

Công cụ HCMC DemandSupply có giao diện bản đồ

Hệ thống phân phối thực phẩm của TP.HCM có 207 siêu thị, 3 chợ đầu mối, 130 chợ truyền thống có mái lồng, 37 trung tâm thương mại và hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi mini và hơn 28.700 cửa hàng tạp hóa. Trước đây, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại là hàng từ ba chợ đầu mối lớn: chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức sau đó chuyển sang 130 chợ truyền thống. 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ 12% tổng số điểm cung cấp thực phẩm thiết yếu, tương đương 3759 điểm bán, mở cửa hoạt động. Bà Nguyễn Dạ Quyên, giám đốc CEL Consulting, chỉ ra sự mất cân đối rất lớn về việc phân bổ điểm bán theo từng phường, điển hình như xã Phước Kiển (Nhà Bè) có 36 điểm bán hàng thiết yếu cho hơn 9,400 người, trong khi phường Long Bình (Thành phố Thủ Đức) chỉ có một điểm bán cho khoảng 46,000 dân.

HCMC DemandSupply cũng dự định mở rộng dữ liệu sang các lĩnh vực khác như dược phẩm, công cụ y tế…trong tháng 8 và bổ sung thêm các tính năng hữu ích hơn theo ý kiến người dùng. CEL cũng đang làm việc với 1001fontaines – một tổ chức phi lợi nhuận của Pháp – để cung ứng nước uống an toàn tại các khu vực có nhiều đối tượng yếu thế có nhu cầu tại TP.HCM.

Sử dụng HCMC DemandSupply tại đây.