Kinh doanh

Cebu Air làm mới đội bay khi nhu cầu di chuyển phục hồi

Share
this:

Hãng hàng không Cebu Air của tỉ phú Lance Gokongwei đầu tư 32,8 tỉ peso để làm mới đội bay của Cebu Pacific và mở rộng quy mô kinh doanh.

Cebu Air của tỉ phú Lance Gokongwei và tập đoàn gia đình JG Summit, có kế hoạch dần mở rộng quy mô và làm mới đội bay trong 5 năm tới, trong bối cảnh ngành du lịch và lữ hành đang trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Dòng máy bay thân rộng A330neo tại triển lãm hàng không Singapore, Singapore Airshow vào ngày 15.2.2022. Ảnh: Lauryn Ishak/Bloomberg  

“Tuy vẫn tỏ ra thận trong cho việc phát triển đội bay trong năm 2022, chúng tôi sẽ nhận thêm 48 máy bay và giảm 35 chiếc, kết thúc năm 2026 với 87 máy bay,” Lance Gokongwei, CEO của Cebu Air – công ty mẹ của hãng hàng không lớn nhất Philippines, Cebu Pacific – cho biết tại đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 11.5.

Từ đầu năm 2022, Cebu Air đã đầu tư 32,8 tỉ peso (625,8 triệu USD) để làm mới đội bay của Cebu Pacific, với 74 máy bay từ cuối năm 2021, Gokongwei cho biết. Công ty cho biết đặt mục tiêu thay thế các dòng máy bay cũ bằng chuyên cơ A330neo thân rộng tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Cebu Air tiến hành nâng cấp đội bay trong bối cảnh nhu cầu di chuyển tăng cao, khi nhiều nước trên thế giới nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng COVID-19. Trong quý 1.2022, Cebu Pacific vận chuyển hơn 2 triệu hành khách, tăng 272% so với năm 2021, công ty cho biết hôm 12.5 khi thông báo kết quả kinh doanh hằng quý mới nhất.

Tuy doanh thu trong quý 1.2022 tăng trưởng 148% lên 6,7 tỉ peso, thúc đẩy bởi lưu lượng hành khách và hàng hóa tăng cao, khoản lỗ thuần của Cebu Air tăng từ 7,3 tỉ peso trong năm 2021 lên 7,6 tỉ peso, phần lớn do chi phí nhiên liệu cao hơn và tổn thất hoạch toán theo giá thị trường chưa thực nhận từ trái phiếu chuyển đổi.

“Từ nay cho đến hết năm 2022, Cebu Pacific nhìn thấy triển vọng kinh doanh tốt hơn được thúc đẩy từ việc khôi phục thị trường nội đại và các điểm đến quốc tế mở cửa trở lại.

Tuy vậy, công ty vẫn giữ sự thận trọng với rủi ro về chi phí nhiên liệu và lãi suất tăng cao, cũng như đồng peso trượt giá để đổi 1 USD,” Cebu Pacific cho biết trong thông cáo.

Giá dầu tăng cao và đồng peso trượt giá cũng đẩy JG Summit – công ty mẹ của Cebu Air vào khó khăn, khi thua lỗ 2,8 tỉ peso trong quý 1.2022. Mảng hóa dầu của tập đoàn này trong cùng quý ghi nhận khoản lỗ thuần 2,1 tỉ peso do giá vật liệu thô tăng cao hơn.

“Trong quý 1.2022, chúng tôi ghi nhận nền kinh tế mở cửa trở lại có tác động tích cực đến phần lớn các công ty con, cải thiện tổng doanh thu theo từng quý và qua từng năm. Tuy vậy, tính biến động từ thị trường với giá dầu và chi phí đầu vào tăng cao, bên cạnh đồng peso mất giá đã ảnh hưởng lên lợi nhuận của chúng tôi. Chúng tôi dự báo việc này sẽ kéo dài và tạo áp lực lên biên lợi nhuận,” Gokongwei, cũng là chủ tịch và CEO của JG Summit cho biết.

JG Summit, một trong những tập đoàn lớn nhất Philippines được cố tỉ phú John Gokongwei thành lập vào năm 1954 từ nhà máy tinh bột, cũng kinh doanh trong các lĩnh vực F&B (đồ ăn và thức uống), ngân hàng, bất động sản và dịch vụ.

Sau khi John Gokongwei qua đời vào năm 2019, sáu người con gồm Lance, Robina, Lisa, Faith, Hope và Marcia được thừa hưởng tài sản của ông. Anh chị em nhà Gokongwei sở hữu khối tài sản ròng cộng gộp 4 tỉ USD, xếp thứ 4 trong danh sách 50 Tỉ phú giàu nhất Philippines của Forbes công bố vào tháng 9.2021.

Biên dịch: Minh Tuấn