Sự kiện và Bình luận

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Động lực mới cho kinh tế biển Việt Nam

15 giờ trước
Tác giả Nguyen Phong

Ngày 16.1.2025, Chính phủ có quyết định chính thức, chấp thuận đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Share
this:

Dự án được kỳ vọng trở thành một trong những cơ sở logistics hàng đầu khu vực và thế giới.

Với vị trí địa lý thuận lợi, quy mô và đầu tư mạnh mẽ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam nói chung lẫn khu vực Đông Nam Bộ nói riêng.

Mô hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – Ảnh: Porcoast

Trung tâm của cảng đặt tại cù lao Gò Con Chó, với quy mô 571 hectare. Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất và nghiên cứu, không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.

Cảng ở vị trí thuận lợi, gần tuyến hàng hải quốc tế quan trọng bậc nhất thế giới là biển Đông, gắn kết Đông Bắc Á với Ấn Độ và châu Âu. Dự án liên thông với những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam lẫn các nước láng giềng, qua hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hàng không.

Dự kiến cầu cảng được thiết kế hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu container siêu lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng của Việt Nam lẫn Đông Nam Á.

Theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam (VPA), số lượng container bốc dỡ riêng khu vực TP.HCM tháng 12.2024 tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 9,1 triệu.

Ngoài ra, hệ thống kho bãi logistics cũng cần áp dụng tiến bộ khoa học mới nhất, để quản lý hiệu quả việc luân chuyển hàng hóa.

Một số ý kiến cho rằng, cảng có tiềm năng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn, thu hút những nguồn hàng đa dạng, từ công nghiệp tới tiêu dùng. Dự án đồng thời sẽ tạo ra việc làm, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài ra, việc sở hữu một cảng trung chuyển quốc tế hiện đại, còn giúp nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư C+ chia sẻ với Forbes Việt Nam rằng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở vị trí đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép – Thị Vải, nơi giao nhau nhiều tuyến hàng hải. Đây là điều kiện thuận lợi để trở trở thành cảng trung chuyển quốc tế. TP.HCM là trọng điểm kinh tế phía Nam, đầu tàu kinh tế cả nước với nhiều khu công nghiệp, trung tâm logistics, là điều kiện thuận lợi khác.

Ông Cương nhấn mạnh, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ không cạnh tranh với cảng Cái Mép – Thị Vải, mà bổ sung, phối hợp để phát huy thế mạnh riêng có.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia thì vẫn tồn tại lo ngại, như quá trình xây dựng cảng và sự phát triển kinh tế trong vùng sau này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển cũng như khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Do đó vấn đề này nên được cơ quan chức năng giám sát và theo dõi chặt chẽ.