Một cảng biển do Trung Quốc xây và sở hữu phần lớn cổ phần ở Peru, dự kiến sẽ trở thành mắt xích quan trọng với thương mại khu vực, trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng để ý đến việc mở rộng ảnh hưởng của đất nước tỉ dân.
Theo Tân Hoa Xã, cảng Chancay chính thức vận hành ngày 14.11, mở ra tuyến đường hội nhập mới giữa Mỹ Latinh với châu Á – Thái Bình Dương. Chancay cũng tạo động lực tăng trưởng cho Peru nói riêng và khu vực nói chung.
Tập đoàn COSCO, công ty mẹ của hãng vận tải biển lớn nhất Trung Quốc COSCO Shipping, sở hữu 60% cổ phần đơn vị điều hành cảng. Với vị trí chiến lược nằm cách thủ đô Lima 60 km về phía Bắc, Chancay có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
Số lượng container hàng năm Chancay có thể tiếp nhận là khoảng 1,5 triệu, vượt qua công suất của Santos ở Brazil – hiện là cảng lớn nhất Nam Mỹ.
Theo Chính phủ Peru, cần cẩu container của cảng Chancay được tự động hóa và điều khiển từ xa, nên thuận tiện cho bốc xếp hàng hóa. Đây là cảng hiện đại bậc nhất ở Mỹ Latinh. Chính phủ Peru ước tính, khi đi vào hoạt động đúng công suất, Chancay sẽ bổ sung cho nền kinh tế khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, tương đương 2% GDP.
Giới doanh nghiệp đang kỳ vọng, Chancay sẽ thay đổi hoạt động thương mại giữa Nam Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện tại, hầu hết hàng hóa từ Nam Mỹ đi châu Á, được chuyển đến Trung Mỹ hoặc Bắc Mỹ. Chancay sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển đến Trung Quốc từ 35 xuống còn 25 ngày. Từ Brazil – nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, hàng hóa đến Trung Quốc hoặc Nhật Bản, thời gian cũng có thể giảm một nửa, xuống còn một tháng.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước Mỹ Latinh, như Brazil, Peru và Chile. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thương mại giữa Trung Quốc và khu vực chỉ có 12,5 tỷ đô la Mỹ năm 2000, nhưng tăng lên 483 tỷ đô la Mỹ năm 2022. Thương mại của khu vực với Trung Quốc tăng thị phần từ 2% lên 16% cùng thời kỳ. Trong khi đó, thị phần với Hoa Kỳ giảm từ 52% xuống còn 39%.
Trung Quốc phụ thuộc vào Nam Mỹ để nhập khẩu những mặt hàng quan trọng như đồng, lithium, đậu nành và thịt gia súc. Nam Mỹ cũng trở thành thị trường chính cho một số sản phẩm từ Trung Quốc như xe điện và thép. Do đó, nhu cầu về năng lực cảng biển trên bờ Thái Bình Dương đang tăng.
Biên dịch: Văn Phong
1 tháng trước
Xuất khẩu của Nhật Bản phục hồi tích cực trong tháng 10