Bà Meng Wanzhou hôm 24.9 đã đi đến thỏa thuận với Mỹ, thừa nhận không trung thực về hoạt động của công ty tại Iran, và theo đó sẽ được trả tự do sau gần ba năm bị giam giữ tại Canada.
Hôm 24.9, giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou đã đi đến thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, thừa nhận không trung thực về hoạt động của công ty tại Iran nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ. Đổi lại, bà Meng sẽ được trả tự do sau gần ba năm bị giam giữ tại Canada – chính phủ Canada thay mặt Mỹ bắt giữ bà Meng trước đó. Động thái này được suy đoán nhằm xoa dịu những căng thẳng nhiều năm nay giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada.
“Công chúa Huawei” thừa nhận đã khai gian với một ngân hàng rằng Huawei không sỡ hữu bất kỳ công ty nào tại Iran. Hành vi này được xem là cố ý trốn tránh và thậm chí vi phạm các lệnh trừng phạt mà chính phủ Mỹ ban bố, theo nội dung thông cáo của Bộ Tư pháp.
Trước đó năm 2018, bà Meng (49 tuổi) bị bắt giữ khi đang trong quá trình chuyển chuyến bay. Cùng với Huawei, bà bị truy tố các tội danh gian lận ngân hàng, trốn lệnh trừng phạt và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại.
Với thỏa thuận đã ký kết, bà Meng tuyên bố vô tội, đồng thời các công tố viên Mỹ sẽ ngừng truy tố bà các tội trạng nêu trên. Khi thỏa thuận hoãn truy tố chấm dứt hiệu lực vào tháng 12.2022, các tội danh có thể được xóa bỏ vĩnh viễn.
Bộ Tư pháp và luật sư của bà Meng hiện chưa có bất kỳ phản hồi nào với Forbes.
“Meng và các nhân viên Huawei đã cố tình đánh lừa các tổ chức tài chính thế giới, cũng như chính phủ Mỹ và công chúng về các hoạt động của Huawei tại Iran,” trích lời Nicole Boeckmann, quyền luật sư tòa án khu vực Quận phía đông New York.
Sự kiện bắt giữ bà Meng là giọt nước tràn ly trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung – vốn đã leo thang trong nhiều năm với các chính sách thuế quan, lệnh trừng phạt và các rào cản pháp lý mà hai quốc gia áp đặt lên nhau.
Mục tiêu số một của Mỹ là Huawei. Cụ thể, chính quyền Trump đã ban bố chính sách ngăn chặn Huawei mua linh kiện chip bán dẫn để phát triển smartphone và thiết bị 5G, vì tin rằng đây là âm mưu gián điệp từ phía Bắc Kinh. Chính quyền Biden sau đó vẫn duy trì chính sách này.
Phía Bộ Tư pháp cho biết vẫn đang chuẩn bị cho việc đưa Huawei ra xét xử. Song song, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhiều khả năng sẽ có động thái thúc đẩy việc giải phóng hai công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc không lâu sau sự kiện giam giữ bà Meng. Theo ông Trudeau cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác, hành vi giam giữ hai công dân là kết án vô căn cứ và chẳng khác nào hành vi trả đũa của chính quyền Trung Quốc.
Biên dịch: Thiên Tứ